Năm 2024, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo dấu ấn quan trọng kỉ niệm 25 năm ngày truyền thống và 15 năm thành lập. Những kết quả tiêu biểu này không chỉ minh chứng cho sự nỗ lực của tập thể Nhà trường mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Đại học Quốc gia. Dưới đây là 10 sự kiện, thành tựu tiêu biểu trong năm 2024 của Trường Đại học Giáo dục.
1. Kỷ niệm 25 năm truyền thống Trường Đại học Giáo dục (1999-2024)
Trường Đại học Giáo dục đã tổ chức thành công chuỗi các sự kiện chào mừng 25 năm ngày truyền thống Trường Đại học Giáo dục (1999-2024). Chuỗi sự kiện bao gồm: Các cuộc thi: Cuộc thi ảnh Nét đẹp giáo dục; Cuộc thi viết về Nhà trường “Khoảng trời UEd”; Cuộc thi “Nhà giáo dục vì ngày mai”; Giải bóng đá của Cán bộ, Viên chức, Người lao động; Triển lãm ảnh “UEd - Hành trình 25 năm”; Lễ kỷ niệm 25 năm truyền thống; Đại nhạc hội chào mừng 25 năm truyền thống và Chào Tân sinh viên QH-2024-S; Diễn đàn Hà Nội lần thứ tư về Khoa giáo dục và Sư phạm (HaFPES 2024); Hội trại “Sắc màu tuổi trẻ - Tự hào sinh viên UEd” và các hoạt động văn nghệ, thể thao khác dành cho sinh viên. Chuỗi hoạt động không chỉ khắc ghi dấu ấn 25 năm phát triển của Trường Đại học Giáo dục mà còn mang lại ý nghĩa sâu sắc trong việc kết nối các thế hệ người học và cán bộ. Những hoạt động chuyên môn, thể thao và văn hóa góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết và sáng tạo trong mỗi cá nhân, đồng thời tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ giữa các thế hệ giảng viên, sinh viên và cán bộ Nhà trường.
2. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu đào tạo, chất lượng tuyển sinh được nâng cao
Năm 2024, Nhà trường mở mới 03 chương trình đào tạo bao gồm: (1) Cử nhân Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) hướng đến đào tạo sinh viên có kiến thức liên ngành về tâm lý học, giáo dục và khoa học sức khỏe; (2) Thạc sĩ Khoa học giáo dục (Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non), tập trung phát triển tri thức chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục mầm non và tiểu học, giúp người học giải quyết các vấn đề chuyên môn trong thực tiễn giáo dục; (3) Thạc sĩ Quản trị công nghệ giáo dục, nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao có năng lực ứng dụng và nghiên cứu về công nghệ giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của giáo dục số.
Công tác tuyển sinh đại học của Nhà trường năm 2024 đã diễn ra thành công, đảm bảo kế hoạch đề ra: Lần đầu tiên số lượng thí sinh đăng kí nguyện vọng xét tuyển vào trường ở bậc đại học vượt mốc 20.000 thí sinh; điểm trúng tuyển cao với trung bình 8.5 điểm/1 môn với 1268 sinh viên nhập học; tuyển sinh đạt chỉ tiêu được giao. Đồng thời, Nhà trường tiếp tục duy trì sự ổn định trong kết quả tuyển sinh sau đại học với tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đạt chỉ tiêu được giao, chất lượng tuyển sinh được duy trì, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển thẳng tăng so với các năm trước.
3. Nghiên cứu khoa học khởi sắc và được cộng đồng ghi nhận
Chuyên san Nghiên cứu giáo dục do Trường Đại học Giáo dục chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn khoa học với đội ngũ Ban biên tập là các nhà khoa học đầu ngành và uy tín trong lĩnh vực giáo dục được cơ sở dữ liệu khoa học Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index – ACI) chấp nhận. Việc chuyên san Nghiên cứu Giáo dục được ghi nhận trong hệ thống ACI đã khẳng định vị thế và ảnh hưởng của chuyên san trong cộng đồng nghiên cứu khoa học giáo dục tại Việt Nam và thế giới.
Trong năm 2024, phương pháp kiểm tra đánh giá năng lực người học bằng bài thi trắc nghiệm thích ứng trên máy tính do PGS.TS. Lê Thái Hưng, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh và các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường đánh giá, toán ứng dụng, công nghệ giáo dục, chuyên gia của các môn học thực hiện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế. Hướng nghiên cứu ứng dụng này góp phần hiện thực hóa xu thế đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá người học theo hướng phát triển năng lực, cá nhân hóa trong môi trường học tập kết hợp (blended learning environment) và đổi mới thi trung học phổ thông ở Việt Nam.
Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Trường Đại học Giáo dục tổ chức thành công Diễn đàn Hà Nội về Khoa học giáo dục và Sư phạm (HaFPES). Diễn đàn tạo ra một môi trường học thuật để thảo luận, nghiên cứu, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi trong lĩnh vực đào tạo giáo viên và khoa học giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Nhà trường luôn chú trọng phát triển nghiên cứu cho người học với Hội thảo khoa học mở rộng cho sinh viên và Hội thảo khoa học của học viên sau đại học được tổ chức thường niên, thu hút sự tham gia của đông đảo người học trong và ngoài trường và với nhiều con số ấn tượng: 45 báo cáo được duyệt đăng tại Kỷ yếu của Hội thảo trên tổng số 108 tóm tắt; 15 giải thưởng cho các nhóm thành tích tốt nhất, 20 đề tài nghiên cứu của người học được cấp với mức tài trợ lên đến 20 triệu đồng/đề tài.
Sự khởi sắc của lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng thể hiện qua những thành tích được ghi nhận: 05 giảng viên và 01 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội được tặng bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội do có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; 03 giải Olympic toán học sinh viên toàn quốc năm 2024; 01 giải Nhì cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; 01 giải Khuyến khích Euréka cho đề tài; Tập thể sinh viên Trường Đại học Giáo dục đạt giải Nhì toàn đoàn tại kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XXVI.
4. Chất lượng đội ngũ được nâng cao với chính sách thu hút và bồi dưỡng hiệu quả:
Năm 2024, cơ cấu tổ chức Trường Đại học Giáo dục tiếp tục được hoàn thiện với việc thành lập Khoa Giáo dục sớm và Tiểu học trên cơ sở phát triển tổ chức cấp bộ môn (Bộ môn Giáo dục Tiểu học, Khoa Sư phạm và Bộ môn Giáo dục Mầm non, Khoa các Khoa học Giáo dục) tiếp cận theo mô hình của các đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến.
Ngày 18/9/2024 Hội đồng Trường đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐT về việc bổ nhiệm TS. Nguyễn Bá Ngọc giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục nhiệm kỳ 2022 - 2027. Như vậy, cơ cấu lãnh đạo Nhà trường đã được kiện toàn theo quy chế tổ chức hoạt động của Nhà trường, hướng đến mục tiêu xây dựng Trường Đại học Giáo dục phát triển bền vững trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng cao; chính sách thu hút và bồi dưỡng cán bộ được áp dụng hiệu quả: Năm 2024 Trường Đại học Giáo dục có 01 nhà giáo đạt chuẩn chức danh Giáo sư, 03 nhà giáo đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Đội ngũ cơ hữu của trường có tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ gần 84% và tỉ lệ chức danh GS, PGS là gần 30%.
Hai nhà giáo của Trường Đại học Giáo dục là GS.TS. Nguyễn Quý Thanh và TS. Tôn Quang Cường vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; GS.TS. Đặng Hoàng Minh – Trưởng khoa Các khoa học Giáo dục kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục vinh dự là một trong 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024.
5. Hoạt động hỗ trợ người học đa dạng theo định hướng phát triển toàn diện; nguồn lực học bổng tăng mạnh
Năm 2024, Trường Đại học Giáo dục đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ người học và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động của Nhà trường bằng việc thay đổi công tác chủ nhiệm, cố vấn học tập thành giảng viên tư vấn cho người học. Đảm bảo các giảng viên phụ trách công tác tư vấn cho người học là các giảng viên nắm rõ vai trò, trách nhiệm, quy chế cũng như các nội dung trong công tác hỗ trợ người học.
Cùng với đó, Trường Đại học Giáo dục đã kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ sinh viên, gia đình sinh viên bị thiệt hại sau bão Yagi; giúp các em và gia đình vơi đi phần nào khó khăn, mất mát đồng thời nhanh chóng quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Năm 2024, Nhà trường thực hiện chi học bổng khuyến khích học tập dành cho học sinh, sinh viên theo quy định. Đồng thời khai thác và quản lý hiệu quả nhiều học bổng ngoài ngân sách hỗ trợ người học với 11 loại học bổng đến từ trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, học bổng “Kiến tạo tương lai” không chỉ ghi nhận thành tích của các sinh viên xuất sắc trong học tập và rèn luyện mà còn là nguồn động viên lớn lao từ các thầy cô, giảng viên và các tổ chức đối tác nhân dịp kỷ niệm hành trình 25 năm ý nghĩa của Nhà trường.
6. Công tác đảm bảo chất lượng ngày càng được khẳng định
Trong năm qua, Trường Đại học Giáo dục được công nhận và cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cho 03 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, Quản lý Giáo dục, Tâm lý học lâm sàng trẻ em & vị thành niên) và 05 chương trình đào tạo trình độ đại học (Quản trị Công nghệ Giáo dục, Quản trị chất lượng, Quản trị trường học, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Tham vấn học đường). Như vậy cho đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Giáo dục đã có 11/12 (chiếm 91.6%) chương trình đào tạo trình độ đại học đã được kiểm định chất lượng và được công nhận đạt chuẩn chất lượng; 5/11 (45.5%) chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ đã được kiểm định chất lượng và được công nhận đạt chuẩn chất lượng.
7. Mạng lưới hợp tác quốc tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Các dự án quốc tế, được Nhà trường triển khai mạnh mẽ với các đơn vị trong và ngoài nước như Phối hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ và Đại học Vanderbilt thực hiện dự án “Trị liệu tâm lý dựa vào chính niệm cho trầm cảm tại Việt Nam”; Phối hợp Đại học Vanderbilt thực hiện dự án “Các yếu tố tâm lý xã hội dự báo cho sự trì hoãn trong việc tìm kiếm điều trị ung thư tại Việt Nam”; Đồng triển khai với Đại học Inland Nauy và ĐH Bergen nhằm tăng cường các hoạt động học thuật về tâm lý học, giáo dục và các ngành khoa học xã hội khác trong dự án “Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực”; Triển khai dự án TWINCLE với Đại học Chiba; Phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Birmingham - Vương quốc Anh, Đại học Sư phạm Đông Bắc - Trung Quốc, Đại học Negeri Yogyakarta – Indonesia thực hiện các dự án: Dự án “Digi-doc - Trung tâm Đào tạo Tiến sĩ Kỹ thuật số Quốc tế”, dự án STEM.
Bên cạnh đó, các lượt trao đổi giảng dạy/nghiên cứu khoa học cũng được Nhà trường chú trọng với 69 lượt giảng dạy/nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật ở nước ngoài và tổ chức đón tiếp 74 lượt giảng viên và chuyên gia quốc tế đến tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường theo hướng chuyên sâu.
8. Nhà trường tiếp tục thể hiện trách nhiệm tham vấn chính sách trong lĩnh vực giáo dục
Trường Đại học Giáo dục đã và đang thực hiện tốt các nhiệm vụ, trách nhiệm tham vấn chính sách trong lĩnh vực giáo dục khi Nhà trường tích cực trong công tác đánh giá thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách mới phát triển giáo dục và đạo tạo ở Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Năm 2024, Trường Đại học Giáo dục phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức Hội thảo “Lý luận, Thực tiễn về Chứng chỉ hành nghề và Đạo đức nhà giáo” đề cập tới các vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo, tư vấn cho ngành giáo dục về cơ chế và quy trình quản lý hoạt động của nhà giáo thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề; đóng góp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Luật Nhà giáo ở Việt Nam.
Các chuyên gia, giảng viên của trường tích cực và trách nhiệm với các hoạt động tư vấn, truyền thông lĩnh vực giáo dục trên các kênh báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội; Tham gia Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, hội đồng giáo sư ngành, hội đồng khoa học quỹ Nafosted...
9. Hoạt động phục vụ cộng đồng được chú trọng : Bên cạnh nhiệm vụ là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu, Trường Đại học Giáo dục đã và đang tích cực triển khai các hoạt động thiện nguyện nhằm khuyến khích tinh thần tương thân tương ái của cán bộ, giảng viên, giáo viên và người học.
Năm 2024, Nhà trường đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình - Thái Nguyên và Ủy ban nhân dân huyện Nghi Sơn – Thanh Hoá tổ chức kỳ thi tuyển viên chức cho các huyện đảm bảo công khai, nghiêm túc, trách nhiệm nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu về chuẩn giáo viên phổ thông các cấp theo yêu cầu hiện nay.
Bên cạnh đó, Kênh trực tuyến Hỗ trợ Giáo dục mầm non và phổ thông tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc hỗ trợ hệ thống giáo dục quốc dân, các giảng viên, giáo viên, học sinh trên toàn quốc. Với các kết quả đạt được như: Tổ chức thành công 10 buổi tư vấn được livestream trên cả nước; Sản xuất mới 40 video học liệu phục vụ giáo dục trẻ mầm non, dạy học cho đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Xây dựng thành công 03 cẩm nang số hướng dẫn về dạy học, giáo dục trẻ mầm non; học sinh các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Xây dựng 30 tài liệu hướng dẫn giáo dục, giảng dạy về các lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Xây dựng 5 khóa học dành cho đối tượng giáo viên mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
10. Hoạt động Đoàn thanh niên ghi dấu nhiều khởi sắc
Năm 2024, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Giáo dục đã tích cực trong nhiều hoạt động trong và ngoài nhà trường và đạt nhiều thành tích xuất sắc như: Đạt giải Quán quân tại cuộc thi “Con đường ánh sáng”, Giải Nhì cuộc thi “Lớp tôi là số 1”; Tổ chức thành công các cuộc thi ấn tượng cùng các hoạt động lớn như: tổ chức cho sinh viên đi thăm Toà nhà Quốc hội, tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Book Review “Lăng kính cuộc đời”; đồng thời, triển khai nhiều chiến dịch giúp đỡ học sinh và người dân tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tháng 12/2024, Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhiệm kì 2024-2027 được tổ chức thành công và đã bầu ra Ban Chấp hành khóa VI, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của gần 5.000 đoàn viên thanh niên Trường Đại học Giáo dục.