Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục tổ chức tọa đàm chào mừng ngày nhà giáo VN

15/11/2024 06:41
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Chiều ngày 14/11, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục-ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm Chào mừng ngày nhà giáo VN và Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Sư phạm.

Tham dự toạ đàm, về phía đại biểu có Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư Randy Bell đến từ Đại học Oregon State Hoa Kỳ; Giáo sư Maitree Inprasitha - Viện đào tạo giáo viên Đông Nam Á Thái Lan; Tiến sĩ Taito Morita - Giám đốc Morita Group Việt Nam, Nhật Bản; Thạc sĩ Azat Yazgulyyev - Giám đốc chương trình toán, Trường song ngữ Quốc tế Horizon, Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc.

Toạ đàm có sự tham dự của lãnh đạo Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Về phía Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm khoa - Khoa Sư phạm; cùng hai phó chủ nhiệm khoa - Khoa Sư phạm là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Anh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền cùng toàn thể cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Khoa Sư Phạm.

Khoa Sư Phạm không ngừng lớn mạnh, phát triển

Qua 15 năm phát triển, Khoa Sư Phạm đã không ngừng lớn mạnh, từ những ngày đầu với bao khó khăn và thử thách. Đến nay Khoa đã trở thành một địa chỉ uy tín trong đào tạo giáo viên, những thành quả này là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, các thầy cô và sự đồng hành của thế hệ người học.

Phát biểu tại toạ đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, hành trình 15 năm xây dựng và phát triển là một hành trình của những khát vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Từ những ngày đầu thành lập, bộ môn Lý luận và Công nghệ dạy học thuộc Khoa Sư phạm, khi đó trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trải qua bao khó khăn và thách thức, đến hôm nay, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực đào tạo giáo viên và nghiên cứu sư phạm, trở thành nơi nuôi dưỡng ước mơ và chắp cánh cho những thế hệ giáo viên tương lai.

Chặng đường 15 năm ấy được đánh dấu bởi những cột mốc không thể nào quên, từ năm 1999, khi chỉ là một bộ môn thuộc Khoa học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, với nhiệm vụ giảng dạy Lý luận và Công nghệ dạy học, chúng ta đã mở rộng đào tạo 6 chuyên ngành cử nhân các ngành Sư phạm Toán, Lý, Hóa, Văn, Sinh, Sử theo mô hình A+B tiên phong và duy nhất trong các cơ sở đào tạo giáo viên tại Việt Nam.

Năm 2009, khi Trường Đại học Giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời với khát vọng và tầm nhìn mới, bộ môn Lý luận và Công nghệ dạy học đã trở thành Khoa Sư phạm, khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mở rộng từ đào tạo cử nhân đến đào tạo sau đại học ở các ngành quan trọng. Đó là một dấu mốc đáng nhớ, một bước ngoặt mở ra con đường mới đưa khoa sư phạm trở thành nơi đào tạo đa dạng, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng cao của giáo dục Việt Nam.

Năm 2018, 2019, chúng ta tự hào khi là một trong những đơn vị tiên phong trong cả nước đào tạo giáo viên cho các môn khoa học mới lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý và cùng với giáo dục tiểu học đã tạo thành một hệ sinh thái đào tạo giáo viên phổ thông hoàn chỉnh.

Đặc biệt năm 2020, Khoa tiếp tục mở chương trình đào tạo tiến sĩ tích hợp, tiên phong là Lý luận, phương pháp và công nghệ dạy học. Góp phần nâng tầm vị thế khoa học, khẳng định vị thế đào tạo sau đại học về Lý luận và phương pháp dạy học các bộ môn trong cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bên cạnh đó, Khoa cũng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên thông qua các hoạt động dạy nghề với chuỗi sự kiện FoPer thường niên. Bên cạnh những thành tựu trong đào tạo, Khoa còn đóng góp tích cực vào sự phát triển giáo dục của nhiều địa phương trong cả nước, tham gia bồi dưỡng và tuyển chọn giáo viên tại nhiều tỉnh thành, các quận, huyện.

Đồng thời, các thầy cô của Khoa Sư phạm đã đồng hành cùng nhiều trường phổ thông trong việc chia sẻ và lan tỏa kinh nghiệm, góp phần phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho đất nước.

Trong bối cảnh nền giáo dục đang chuyển mình với những yêu cầu ngày càng cao, Khoa Sư phạm cũng không ngừng đối mặt với nhiều thách thức. Khoa đã học hỏi và thích ứng để đáp ứng với những thay đổi về chính sách, về chương trình giáo dục cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Những thành công trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các môn STEM hay các môn khoa học bằng tiếng Anh cũng như các chương trình hợp tác quốc tế với Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ cùng với những hoạt động thực tập rèn nghề đã tạo nên thương hiệu và bản sắc, giúp giúp sinh viên Khoa Sư phạm sẵn sàng hội nhập và phát triển trong môi trường giáo dục hiện đại.

Bước vào giai đoạn mới, Khoa cam kết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh nghiên cứu và mở rộng hợp tác. Khoa sẽ tiếp tục phát triển hệ sinh thái giáo dục toàn diện, truyền cảm hứng cho sinh viên và đóng góp tích cực vào sự phát triển giáo dục của quốc gia, xứng đáng với những giá trị cốt lõi, là tận tâm, chuyên nghiệp, sáng tạo của tập thể cán bộ, giảng viên khoa sư phạm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành cũng gửi lời tri ân sâu sắc tới Đảng uỷ, Hội đồng trường, Ban giám hiệu cùng các phòng, ban chức năng của nhà trường và các khoa cũng như các đối tác trong nước và quốc tế, tạo luôn tạo điều kiện hỗ trợ khoa cho mọi chặng đường phát triển.

“Đó là hành trình mà chúng ta đã cùng nhau đi qua và cũng là lời hứa chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực. Vì thế hệ mai sau, hy vọng rằng với sự đoàn kết và khát vọng không ngừng nghỉ, Khoa Sư phạm sẽ ngày càng phát triển, góp phần vào sứ mạng nâng cao chất lượng giáo dục của đất nước, trở thành niềm tự hào của mỗi giảng viên, sinh viên và của cả Trường Đại học Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành chia sẻ.

Trong hành trình phát triển 15 năm qua, thầy, trò Khoa Sư phạm đã không ngừng nỗ lực, trong đó có sự ủng hộ cũng như khích lệ rất lớn từ Ban giám hiệu nhà trường. Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng gửi lời tri ân với tất cả các thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động của Khoa sư phạm đã luôn cố gắng ,tâm huyết, đồng hành, hợp tác, chia sẻ để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của Trường Đại học Giáo dục nói chung và Khoa Sư Phạm nói riêng.

“Qua 25 năm xây dựng phát triển, thầy và trò Trường Đại học Giáo dục nói chung, Khoa Sư phạm nói riêng đã luôn nỗ lực và cố gắng và cùng nhau khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển của nhà trường tạo nên một cơ sở giáo dục đào tạo có thương hiệu, có danh tiếng như ngày hôm nay.

Trong 15 năm qua, Khoa Sư phạm đã xây dựng và hình thành môi trường làm việc, giảng dạy, học tập, đoàn kết, thân thiện, hiệu quả chào đón và tạo điều kiện phát triển cho nhiều thế hệ sinh viên, học viên, cán bộ, giảng viên, người lao động và tập thể khoa đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường
Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường

Trong bối cảnh giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang từng ngày, từng giờ có sự thay đổi nhanh chóng. Đồng thời trong bối cảnh quốc tế hóa, công nghệ hóa và số hóa mạnh mẽ, vai trò của ngành đào tạo giáo viên ngày càng quan trọng hơn và cần có những nỗ lực nhiều hơn, sản phẩm đào tạo cần linh hoạt hơn, nhân văn hơn để thích ứng với thời đại mới.

Với yêu cầu này cũng đặt ra cho Khoa Sư phạm những nhiệm vụ nặng nề hơn. Tuy nhiên, tôi cũng tin tưởng rằng với đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa với tinh thần hợp tác, đoàn kết, cầu tiến của tất cả chúng ta thì mọi nhiệm vụ dù khó khăn đến đâu, chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc”, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc - Phó Hiệu trưởng phát biểu tại toạ đàm.

Xu hướng đổi mới trong đào tạo giáo viên trên thế giới

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, Khoa Sư phạm đã tổ chức Toạ đàm khoa học quốc tế: “Xu hướng đổi mới trong đào tạo giáo viên trên thế giới”.

Toạ đàm được diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành và Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân, giáo viên bộ môn Toán, khoa Sư Phạm.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc đã có những chia sẻ về sự khác biệt giữa mô hình đào tạo của Khoa Sư phạm, của Trường Đại học Giáo Dục với mô hình đào tạo sư phạm ở các trường sư phạm khác.

“Tại Trường Đại học Giáo dục, nhà trường không chỉ đào tạo ra giáo viên dạy một môn học mà nhà trường đào tạo ra những giáo viên có kiến thức và kỹ năng để giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện.

Bên cạnh đó, đích đến cuối cùng để đào tạo ra một giáo viên, một nhà giáo dục chính là một nhà văn hoá. Và để đạt được đích đến cuối cùng này, các em phải là một nhà giáo dục tác động được đến nhân cách con người, làm thay đổi được hành vi, nhận thức. Điều này đặt ra cho các em, những giáo viên tương lai một tầm cao mới, đòi hỏi mỗi sinh viên cần có sự nỗ lực trong 4 năm học tại trường.

Khi hướng tới sự phát triển bền vững của người giáo viên trong tương lai, thì dù công nghệ và chương trình có đổi mới ra sao, chúng ta vẫn có thể cập nhật được.

Mục tiêu và sứ mệnh, tầm nhìn của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục là phải đào tạo ra những thế hệ nhà giáo biết giáo dục các bộ môn khoa học đến các thế hệ học sinh. Điều này có nghĩa là giáo viên phải am hiểu khoa học liên môn khác, ngoài bộ môn sẽ trở thành chuyên gia giảng dạy. Tại nhà trường, sinh viên được tiếp xúc với các nhà khoa học đầu ngành về Toán học, Văn học, Lịch sử và tất cả các môn khoa học khác.

Với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, có rất nhiều thứ có thể thay đổi vị thế của giáo viên, Chat GPT, AI xuất hiện, vì vậy giáo viên không còn là “kênh” duy nhất để truyền tải kiến thức đến người học. Vì vậy, các em phải trở thành chuyên gia về cách học, hướng dẫn cho học sinh cách học, chọn lọc, chiếm lĩnh thông tin”, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc chia sẻ.

GS. Maitree Inprasitha, Giáo sư viện đào tạo giáo viên Đông Nam Á Thái Lan cũng có chia sẻ về mô hình đào tạo giáo viên giữa Việt Nam và Thái Lan. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh việc cần đào tạo sinh viên sư phạm thường xuyên, kể cả khi đã trở thành giáo viên đứng lớp.

Toạ đàm khoa học quốc tế: “Xu hướng đổi mới trong đào tạo giáo viên trên thế giới”.
Toạ đàm khoa học quốc tế: “Xu hướng đổi mới trong đào tạo giáo viên trên thế giới”.

Cũng tại buổi toạ đàm, Giáo sư Randy Bell đến từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ cũng có những chia sẻ về sự khác biệt giữa kế hoạch và chương trình đào tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, ông cũng rất ấn tượng bởi thái độ yêu nghề, yêu học sinh, tận tâm, học hỏi của sinh viên sư phạm cũng như giáo viên tại Việt Nam

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Taito Morita - Giám đốc Morita Group Việt Nam, Nhật Bản cũng chia sẻ sự ấn tượng với lòng yêu nghề của sinh viên sư phạm Việt Nam trong quá trình đến và làm việc tại Morita Group.

Với tư cách là một nhà tuyển dụng, Tiến sĩ Taito Morita cũng đưa ra một số lời khuyên như để có thể hoàn thành tốt hơn công việc, sinh viên cần rèn luyện thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng lắng nghe…

Cuối buổi toạ đàm, Thạc sĩ Azat Yazgulyyev, Giám đốc chương trình toán, Trường song ngữ Quốc tế Horizon, Hà Nội cũng có những lời gửi gắm, chia sẻ tới các bạn sinh viên, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngay cả khi kết thúc 4 năm học trên ghế nhà trường.

Đồng thời, với thời đại công nghệ cách mạng 4.0, để trở thành giáo viên, sinh viên cần rèn luyện thêm kỹ năng công nghệ, kỹ năng sử dụng các công cụ, nền tảng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp cũng như ngoại ngữ.

Một số hình ảnh khác tại Tọa đàm Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam và Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Sư phạm:

3eda1035-b23f-437d-af4a-b71ced651fbf.jpeg
ef0ffa6e-df22-4d82-b4fd-a20c2053a33d (1).jpeg
c7be2387-f2fb-4405-8643-27ff642debe2.jpeg
032d1211-98ce-434f-9775-a5834a7c1c3d.jpeg
c6060a92-804e-4477-a4f1-7b85caa1fda5.jpeg
e3396ec3-40a1-4bb8-835f-0600b047cccc.jpeg
Thu Trang