Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin thời gian qua hiện tượng phi công nói riêng và lao động kỹ thuật cao nói chung đang làm việc tại Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đồng loạt viết đơn xin nghỉ ốm bất thường. Trong đó có trường hợp xin chấm dứt hợp đồng lao động tại Vietnam Airlines để chuyển sang làm việc tại hãng hàng không khác.
Nguyên nhân dẫn đến việc phi công Vietnam Airlines đồng loạt xin nghỉ do chế độ tiền lương thấp, thời gian làm việc của các phi công thuộc hãng hàng không Vietnam Airlines quá tải nhưng lương không tương thích so với một số hãng khác.
Cụ thể, các phi công này làm việc đến 23 ngày/tháng (nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật), lương 2.500 USD/tháng, trong khi ở hãng hàng không nội địa khác trong nước, phi công chỉ làm việc 15 ngày/tháng nhưng mức lương lên đến 7.500 USD/tháng. Bên cạnh đó, các phi công phản ánh khi bay ra Hà Nội được bố trí nơi nghỉ ngơi chưa tốt.
Ảnh minh họa |
Thông tin này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Chiều 12/1 Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin chính thức sự việc. Theo VTV Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, ông Phạm Ngọc Minh khẳng định, hiện tượng phi công nói riêng, lao động kỹ thuật cao nói chung tại đơn vị này đồng loạt làm đơn xin nghỉ ốm là bất thường.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, từ đầu năm 2014 đã có hiện tượng một số kỹ sư, thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc, dù Vietnam Airlines đã làm công tác tư tưởng nhưng vẫn có mộtsố kiên quyết xin nghỉ.
Từ nửa cuối 2014, đã có phi công nộp đơn xin nghỉ việc nhưng bất thường là Tết dương lịch vừa rồi có tới 117 lượt phi công báo ốm, sau đó đã có 9 trường hợp xin nghỉ việc.
Năm 2008, trong đợt cải cách đầu tiên, phi công của Vietnam Airlines có thu nhập gấp đôi so với trước. Các năm tiếp sau đó đều có mức tăng.
Theo đó, tháng 9/2014, cơ trưởng máy bay B777 và A330 lương 132 triệu đồng/tháng, đến tháng 1/2015 đã tăng lên 163 triệu đồng tháng, dự kiến đến tháng 7/2015 sẽ tăng khoảng 177 triệu đồng/tháng.
Đối với cơ trưởng máy bay A321, tháng 2/2014 lương khoảng 115 triệu đồng/tháng, đến tháng 1/2015 tăng lên mức 143 triệu đồng/tháng, dự kiến đến tháng 7/2015 sẽ tăng khoảng 158,8 triệu đồng/tháng.
(Theo Thanh Niên)
Theo ông Minh, dù lý do xin nghỉ việc không nói thẳng nguyên nhân nhưng điều này do thu nhập của phi công tại Vietnam Airlines không đủ sức cạnh tranh với các hãng khác.
Tương tự Báo Thanh Niên cũng dẫn lời ông Phạm Ngọc Minh cho biết: “Điều bất thường là 90% trường hợp xin nghỉ thuộc đội bay Airbus, không có lực lượng trong đội bay Boeing và ATR 72. 117 trường hợp xin nghỉ phép, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận của cơ quan y tế".
Được biết ngay sau dịp nghỉ Tết dương lịch, ngày 5/1, Vietnam Airlines đã tổ chức họp khẩn cấp để đánh giá tình hình. “Sự việc này là bất thường và không chỉ có nguy cơ xáo trộn lịch bay mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng phi công đang làm việc. Sự việc này không thể nhìn nhận đơn giản mà có thể nói là lãn công thập thể thông qua báo ốm”, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Minh.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Minh, việc phi công, lao động kỹ thuật cao tại Vietnam Airlines nghỉ việc hàng loạt đã và đang đe dọa an ninh kinh tế của cả đất nước, cần phải sớm được xử lý kịp thời.
Cũng đưa tin về sự kiện này, tờ Dân Việt dẫn lời ông Nguyễn Bùi Lâm – Phó Ban Tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực của Vietnam Airlines cho biết: “Việc cải tiến thu nhập của lực lượng phi công đã được thực hiện theo đúng lộ trình, đến cuối năm 2015, lương phi công trong nước sẽ đạt mức 75 – 80% so với phi công nước ngoài ở chức danh tương tự”.
Cụ thể, đến tháng 7/2015 thu nhập của cơ trưởng B777 – A330 (bao gồm cả lưu trú) là 117 triệu đồng/tháng, đối với chức danh giáo viên là 217 triệu đồng/tháng. Chức danh tương ứng đối với loại tàu bay A321 là 158 triệu đồng/tháng và 198 triệu đồng/tháng.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng cho hay, từ năm 2008 đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, đặc biệt là đối với lao động kỹ thuật cao, trong đó đưa ra mục tiêu trong vòng từ 5 - 7 năm, mức lương của lao động kỹ thuật cao sẽ tiếp cận 75 - 80% mặt bằng khu vực, gồm các hãng hàng không ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên Vietnam Airlines nhìn nhận, từ năm 2008 đến nay, việc tăng lương chủ yếu tập trung cho phi công, còn lại các bộ phận khác vẫn chưa có sự điều chỉnh mức thu nhập bình quân vào khoảng 12 triệu/ người/tháng.