Đây là một hiện tượng tự phát được duy trì lâu dài, không phải chủ trương của nhà nước, nhằm miệt thị người dân các nước Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Nó tái lập lại ký ức đau buồn của chính người Trung Quốc những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngay trong các tô giới thuộc lãnh địa một số nước phương tây ở Thượng Hải: "Ở đây, cấm người Trung Quốc và chó". Vấn đề cần đặt ra là tại sao đến thế kỷ 21 này lại tái xuất hiện hành vi kỳ thị dân tộc đáng phỉ báng như vậy?
Tấm biển hiệu kỳ thị treo trên cửa sổ của một nhà hàng ở Bắc Kinh được viết song ngữ Hoa – Anh: “Nhà hàng chúng tôi không tiếp nhận người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó” - Ảnh: AFP |
Liệu có phải sự lặp lại tư tưởng của những kẻ thực dân mà người Anh áp dụng với người Trung Quốc? Có nhà phân tích cho rằng, điều này không chỉ thể hiện tư tưởng bá quyền nước lớn mà cao hơn nữa, đó là tư tưởng thực dân ở một số người dân Trung Quốc.
Giả định đó đúng đến đâu, ta phải trả lời vấn đề thứ 2: Vì sao một hiện tượng tự phát lại được duy trì lâu dài và theo một số thông tin là không phải cá biệt? Và tại sao Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng như Tổng lãnh sự quán Trung Quốc chưa có những trả lời một cách thỏa đáng…".
PV: Từng có ý kiến nói rằng, chúng ta không thể chống con sào xuống Thái Bình Dương để đẩy con thuyền Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc. Hai nước Việt - Trung trở thành láng giềng là sự ấn định của tạo hóa, lịch sử, không thể thay đổi được. Chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận vị trí địa lý mình có, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, có lợi cho hai bên. Nhưng dường như những hình ảnh như vậy đang đẩy những người Việt Nam vốn dành nhiều tình cảm cho Trung Quốc ra xa khỏi đất nước này…
Ông Phạm Nguyên Long: Trước những sự việc như thế này, lịch sử càng đòi hỏi ở chúng ta sự tỉnh táo. Và tôi thấy vui, thấy tự hào vì người dân Việt Nam đã phản ứng rất văn minh. Dân ta không vì thế mà có hành động trả đũa hẹp hòi, cũng không vì thế mà đập phá đồ đạc, cơ sở làm ăn kinh tế chính đáng của người dân nước họ. Điều đó thể hiện phẩm chất chính trị cao đẹp của một dân tộc.
Việc áp dụng một lối ngôn từ thế kỷ 19, đã bị cả nhân loại khinh miệt ngay giữa thế kỷ 21 chỉ càng khiến cho những người văn minh thấy rõ bản chất vấn đề.
Tinh thần yêu nước cháy bỏng được hun đúc qua hàng ngàn năm giữ nước thường được thể hiện mạnh mẽ mỗi khi lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương. Nhưng mọi hành vi, cho dù xuất phát từ những động cơ rất trong sáng, nhưng vô hình chung tạo ra sự phân tâm hoặc bất ổn xã hội, gây trở ngại cho việc củng cố tiềm lực, triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa đều có thể làm cho sức mạnh dân tộc bị suy yếu, chỉ có lợi cho những người muốn thấy một đất nước Việt Nam yếu và chia rẽ. Đó là chưa kể một số kẻ mưu toan "đục nước béo cò", lợi dụng nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân để phục vụ cho những tính toán riêng của họ.
Cùng nêu lại 2 nhận định cá nhân mà tôi đã nêu ở trên để nói rằng, ở đây dường như có một toan tính nhằm thử thách nhân dân Việt Nam, trước sự phẫn nộ ấy sẽ phản ứng ra sao, sẽ ngả về “ai”? Nhận thức rõ điều đó để vượt qua, kiên định con đường mà hàng nghìn năm qua, dân tộc ta đã lựa chọn để giữ vững phẩm giá dân tộc.
Đứng trước việc làm này, ta phải trả lời một cách khôn ngoan: dùng những phần tử đem tư tưởng thực dân, hiếu chiến để chia rẽ mối quan hệ Việt - Trung là một điều sai lầm hoàn toàn.
Việt Nam luôn coi Trung Quốc là bạn, cũng như Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các cường quốc trên thế giới. Chúng ta lấy sức mạnh của thời đại để duy trì mối quan hệ Việt - Trung.
Tôi tin, người dân Philippines và Nhật Bản cũng coi những hành động xấc láo kể trên là tầm thường. Những âm mưu mang tư tưởng thực dân hiếu chiến, nhằm chia rẽ ấy sẽ bị thất bại hoàn toàn.
Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Việt - Trung sẽ như thế nào? Làm cách nào để có thể tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước?
Tương lai phát triển quan hệ Trung - Việt sẽ vẫn ở tình trạng như hiện nay… Trong thời gian tới, tình hình tại Biển Đông vẫn sẽ ở trong tình trạng lúc dịu, lúc căng thẳng.
Rõ ràng, lợi ích dân tộc còn khác nhau trong vấn đề Biển Đông, phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy.
Mặt khác, cục diện khu vực, thế giới có những bước chuyển dịch, nổi bật là sự gia tăng can dự của các nước lớn ở khu vực có chiều hướng cứng rắn hơn, xuất phát từ lợi ích bản vị, thậm chí có những xung đột về lợi ích. Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp, mà sự thỏa hiệp nếu có giữa các nước lớn thường là trên lưng các nước nhỏ hơn. Nhận thức rõ điều đó để ta giữ cho được độc lập, tự chủ, không để các nước khác thỏa hiệp trên lưng chúng ta.
Chúng ta vẫn giữ mối quan hệ chính trị tốt đẹp để làm cầu nối với Trung Quốc và người Việt Nam kiên quyết không “qua cầu rút ván”. Nhưng trong hành động cụ thể thì phải đấu tranh từng bước một.
Giữ được điều đó, trong quan hệ quốc tế, chính nghĩa kiên quyết thuộc về chúng ta.
Chúng ta nói chúng ta thể hiện thiện chí với Trung Quốc và mong muốn hòa bình. Trước hết hãy nghĩ đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy trí nhân để thay cường bạo”.
Vì vậy, chúng ta vẫn giữ 16 chữ vàng, 4 tốt mà chính Trung Quốc đề ra để kiên quyết duy trì phương sách thương lượng hòa bình giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.
Mình càng tỏ ra thiện chí bao nhiêu thì mình càng được các nước trên thế giới ủng hộ bấy nhiêu. Chúng ta đang thể hiện lương tri của thời đại: hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Và đó cũng là sức mạnh của thời đại.
Xin cảm ơn ông!