Ngày 20/3 năm nay, tờ The Japan Times dẫn nguồn hãng thông tấn Kyodo News cho biết:
Một tạp chí quân sự của Trung Quốc tuyên truyền trong nội bộ quân đội nước này rằng, họ đã đảm bảo được sự thống trị quân sự trên Biển Đông. [1]
Bài viết trong tạp chí lưu hành nội bộ của hải quân Trung Quốc mà Kyodo News thu thập được, do 2 sĩ quan chỉ huy thuộc Hạm đội Nam Hải và một sĩ quan nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc chấp bút.
Tiếc rằng bản tin của Kyodo News quá mơ hồ để có thể đánh giá đầy đủ ý đồ của Trung Quốc.
Trong khi đó, quan điểm và phân tích của 3 sĩ quan này mang tính chính thống, tài liệu lưu hành nội bộ này có thể phản ánh những gì giới quân sự Trung Quốc đang toan tính.
Điều đó đã thôi thúc hai học giả Mỹ và Nhật Bản dày công tìm kiếm bản gốc "tài liệu lưu hành nội bộ" này để nghiên cứu nó.
Đó là Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ.
Người thứ hai là Katsuya Yamamoto, sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản kiêm Giáo sư quân sự quốc tế Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.
Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, ảnh minh họa: Tân Hoa Xã. |
Ngày 9/7, hai ông đã đăng tải lên trang nationalinterest.org kết quả tìm kiếm, nghiên cứu của mình về bản "tài liệu nội bộ" của hải quân Trung Quốc, nhất là chiến lược của họ nhằm độc chiếm Biển Đông.
Chúng tôi xin được đăng lại nội dung tài liệu và bình luận của hai nhà nghiên cứu, đồng thời cũng xin có vài lời cảm nhận cá nhân.
Hy vọng bài viết này có thể cung cấp thêm cho quý bạn đọc những thông tin, đánh giá có liên quan đến Biển Đông và chiến lược của Trung Quốc.
Tài liệu nội bộ phản ánh thẳng thắn và trung thực suy nghĩ, toan tính của giới sĩ quan chỉ huy, lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Hai học giả Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto nhận xét:
"Đây không phải là tài liệu mật. Nó là tài liệu được sử dụng cho giảng dạy và nghiên cứu học thuật dành cho các đối tượng được lựa chọn.
Do việc phổ biến có giới hạn, những bài viết như thế này rất có giá trị và phản ánh một cách khách quan, cung cấp những thông tin xác thực về toan tính của quân đội và các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bài viết được in trong tạp chí Học thuật Quân sự hải quân vào khoảng giữa năm 2016.
Đây là một trong những tài liệu lưu hành nội bộ quan trọng nhất và thời sự nhất về các vấn đề hàng hải trong quân đội Trung Quốc.
Tạp chí này do Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc phát hành, 2 tháng ra 1 số, phân tích sâu các chủ đề về chiến lược hải quân.
Báo cáo có tựa đề: "Khủng hoảng quân sự trên Biển Đông: phân tích - đánh giá và phản ứng".
Nó được viết bởi 3 sĩ quan hải quân Trung Quốc: thiếu tá Jin Jing, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân, 2 cán bộ chính trị của Hạm đội Nam Hải, Xu Hui và Wang Ning.
Chúng tôi cho rằng, phân tích được công bố bởi 3 sĩ quan trung cấp trong tài liệu này là chính thống, trung thực và rất đầy đủ thông tin.
Báo cáo này gồm 3 phần.
Phần 1 phân tích hiện trạng Biển Đông, cung cấp bối cảnh cho các cuộc thảo luận về khả năng khủng hoảng quân sự trong tương lai.
Phần hai xem xét các khả năng khủng hoảng quân sự trên Biển Đông.
Phần ba là kết luận với các khuyến nghị chính sách.".
Bối cảnh chiến lược: Biển Đông căng thẳng là tại Mỹ
"3 sĩ quan Trung Quốc viết rằng, Hoa Kỳ có "truyền thống nhúng tay vào Biển Đông". Nhưng trong nhiều năm Washington chỉ can thiệp từ phía sau hậu trường.
Trung Quốc chỉ khiến người khác "sợ mà không nể" |
Mỹ không công khai tuyên bố quan điểm về bất kỳ loại tranh chấp nào. Hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông cũng khá hạn chế.
Tuy nhiên kể từ năm 2015, sáng kiến cân bằng ở Biển Đông dần dần đã nhằm mục tiêu vào Trung Quốc.
Kết quả là, Hoa Kỳ đã ngày càng manh động và trở nên quyết đoán hơn.
Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc cũng đã kích động người Mỹ.
Trích dẫn một cuốn sách của Zbigniew Brzezinski [3], ba tác giả Trung Quốc tuyên bố rằng:
"Nhiệm vụ chiến lược chính của Mỹ trong thế kỷ XXI là ngăn chặn sự trỗi dậy của quốc gia nào có thể thách thức quyền bá chủ của Mỹ ở lục địa Á - Âu.
Như vậy, ảnh hưởng và phạm vi của sáng kiến "Một vành đai, một con đường" tại châu Á cũng như châu Âu, chắc chắn sẽ động chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của Mỹ về quyền bá chủ.
Là một địa bàn quan trọng khởi đầu cho Con đường Tơ lụa trên biển, một nhánh của sáng kiến "Một vành đai, một con đường", Biển Đông trở thành mục tiêu giá trị cho chiến lược lật đổ của Hoa Kỳ.
Trong tương lai, Trung Quốc xác định có thể sẽ có những tương tác căng thẳng với quân đội Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (sẽ không thể tránh khỏi việc trực tiếp can dự vào Biển Đông), cũng như các nước Đông Nam Á.".
Các tác giả đã khảo sát những diễn biến để đi đến kết luận: Có khả năng nổ ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên Biển Đông.
Luận điểm này hầu như không gây nhiều tranh cãi.
Điều nổi bật là 3 tác giả Trung Quốc vô cùng lạc quan về cách thức một cuộc khủng hoảng như vậy có thể diễn ra.
Theo quan điểm của họ, quy mô và cường độ của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai trên Biển Đông hoàn toàn có thể được kiểm soát.
Khả năng một cuộc khủng hoảng dẫn đến xung đột quân sự hay chiến tranh là không lớn.
Donald Trump không cần nói xoay trục, hành động của Mỹ vẫn mạnh mẽ tái cân bằng |
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục xu thế đấu tranh nhưng không phá vỡ.
Hai nước duy trì mối quan hệ mạnh mẽ và lợi ích chung trong các lĩnh vực quan trọng: kinh tế, chính trị và các vấn đề toàn cầu.
Các mối ràng buộc, liên kết này sẽ ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang.
Cũng trên mặt tích cực, các tác giả Trung Quốc chỉ ra rằng, khả năng xảy ra các cuộc va chạm trên biển giữa quân đội hai nước (Mỹ - Trung) là khá hạn chế.
Cả hai đều không tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự.
Về phía Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục chiến lược cân bằng giữa các hoạt động bảo vệ sự quyết đoán, với các hành động duy trì sự ổn định trong quan hệ với các nước khác.
Bắc Kinh sẽ không để các vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cuối cùng, Trung Quốc cần thời gian để "tiêu hóa và củng cố" hiện trạng mới gần đây ở Biển Đông.
Lãnh đạo Trung Quốc không muốn thấy một cuộc khủng hoảng quân sự leo thang thành chiến tranh, bởi nó có thể đe dọa "thời kỳ và cơ hội chiến lược" để họ tập trung vào công việc nội bộ.
Các tác giả nghĩ rằng, Hoa Kỳ sẽ duy trì quan điểm trung lập trong tranh chấp ở Biển Đông. Họ chỉ đơn thuần tìm cách bảo vệ tự do hàng hải và duy trì một tư thế răn đe.
Hơn nữa, nước Mỹ vẫn chưa ở vào thế phải lựa chọn một cuộc chiến. Chiến lược tái cân bằng sang châu Á vẫn chưa đầy đủ.
Trong khi đó các nước nhỏ ven Biển Đông không muốn để xảy ra xung đột.
Với cơ sở vật chất mới được xây dựng (bất hợp pháp) trên quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam, hiện 7 cấu trúc ở đây bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp), Bắc Kinh đã nắm được quyền chủ động chiến lược.
Điều này đã tạo ra tác dụng răn đe nhất định với các quốc gia yêu sách khác.
Tóm lại, xung đột vũ trang ở Biển Đông về cơ bản có thể được loại trừ.
"Mỹ cần phải cho Trung Quốc biết rõ hậu quả thế nào nếu độc chiếm Biển Đông" |
Phần thứ hai, các tác giả xem xét một số tình huống cụ thể Trung Quốc có thể phải đối mặt.
Bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào có thể đều liên quan đến một số quốc gia cụ thể. Nó bao gồm các bên tranh chấp cũng như các cường quốc ngoài khu vực.
Ngoài Hoa Kỳ và Nhật Bản, các tác giả tin rằng Ấn Độ và Australia cũng có thể can thiệp vào một cuộc khủng hoảng.
Các nước này muốn nhân cơ hội để tìm cách kìm kẹp, ngăn cản và chế ngự Trung Quốc.".
Tiếp tục phân hóa ASEAN, vạch ra giới hạn đỏ ở Biển Đông. Nếu cần, phải giết gà để dọa khỉ
"Trong phần cuối cùng của bài viết, Jin Jing, Xu Hui và Wang Ning phác thảo một số bước Trung Quốc cần thực hiện để tăng cường khả năng xử lý khủng hoảng trong tương lai.
Đầu tiên họ cho rằng, Bắc Kinh nên sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và ngoại giao để cải thiện quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Mục đích là để phân hóa và phá vỡ bất kỳ liên minh tiềm tàng nào có thể chống lại Trung Quốc, phá hủy môi trường chiến lược thuận lợi có thể châm ngòi cho khủng hoảng.
Đây là lợi thế cạnh tranh mềm trong chiến lược của Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Trung Quốc cần thực hiện các bước để làm nổi bật giới hạn đỏ của họ, thực hiện các hành động phô diễn sức mạnh và áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng quân sự có thể nổ ra.
Các tác giả này sẵn sàng thừa nhận những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn quyết liệt chối bỏ nơi công cộng:
- Tranh chấp ở Biển Đông không chỉ có quyền và lợi ích, mà còn hơn thế, đó là cuộc tranh giành quyền thống trị trong vấn đề an ninh khu vực.
- Trung Quốc nên sử dụng tất cả các phương tiện từ ngoại giao, pháp lý cho đến dư luận xã hội, chính trị, kinh tế và quân sự để thực hiện điều này.
Jin Jing, Xu Hui và Wang Ning ủng hộ cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Họ gọi đó là "sự thống nhất giữa tính nguyên tắc với tính linh hoạt". Mệnh đề này được họ đặt trong ngoặc kép, cho thấy tính chất lý luận của nó.
Hoạt động của Trung Quốc để khẳng định đặc quyền cần phải được "cân bằng động" trở lại với những thiết kế để làm dịu căng thẳng.
Đó là hành động cân bằng lớn, có vị trí cốt lõi trong hoạt động tranh chấp hàng hải của Trung Quốc.
Và cũng chính điều này giúp lý giải các hành vi phi lý, lên xuống thất thường của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chiến lược của Trung Quốc phải duy trì tính chủ động. Bắc Kinh cần tiếp tục tham gia vào những gì họ gọi là trì cửu chiến, theo các tác giả.
Bằng cách này, họ có thể nắm được quyền chủ động chiến lược sau khi theo đuổi một cách lâu dài, kiên nhẫn và toàn diện.
Theo quan điểm của họ, sau khi mở rộng cơ sở vật chất Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa, nước này đã đạt được một sáng kiến nào đó về mặt an ninh quân sự.
Mỹ đang hiệu chỉnh chính sách với cả đồng minh lẫn đối thủ ở Đông Á? |
Thời gian trôi qua, rồi cán cân quyền lực sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.
Điều này đảm bảo cho Bắc Kinh có điều kiện tiếp tục thực hiện chiến lược hiện tại trong ngành đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí và thực thi pháp luật.
Trong đó các tác giả mô tả một cách rõ ràng rằng, chiến lược của Trung Quốc là đưa dân ra trước, quân đội theo sau, đồng thời dùng hoạt động dân sự để che dấu (ý đồ / hoạt động) quân sự.
Bài viết kết luận bằng cách nhắc nhở độc giả, nếu xử lý đúng một cuộc khủng hoảng trong tương lai, Trung Quốc có thể có các cơ hội mới.
Thời gian gần đây Trung Quốc đã cho thấy những ví dụ minh chứng cho điều này.
Jin Jing, Xu Hui và Wang Ning giải thích rằng, các hoạt động 'đấu tranh chống Nhật Bản' trong tranh chấp quần đảo Senkaku hay tranh chấp với Philippines ở Scarborough đã cho thấy rõ:
"Nếu tích cực lợi dụng các cuộc khủng hoảng và biết khéo léo khai thác chúng, làm chủ khủng hoảng, và thậm chí khi cần có thể chủ động tạo ra khủng hoảng, sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của mình.
Chỉ bằng cách thực hiện các biện pháp chủ động, Trung Quốc mới có thể đạt được chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua này.".
Một cuộc khủng hoảng cung cấp cho Trung Quốc cái cớ để 'trừng phạt' các quốc gia khác, các tác giả này ám chỉ.
Jin Jing, Xu Hui và Wang Ning cho thấy, Trung Quốc không cần phải thận trọng hay giấu giếm trong việc thể hiện đất nước của họ sẵn sàng tấn công đúng chỗ hiểm của đối phương một cách "dã man, đau đớn".
Họ viết rằng, một số bên yêu sách có thể phải 'hy sinh' để Trung Quốc 'dạy cho các nước khác một bài học', làm nản lòng những ai có ý đồ 'thông đồng' (liên kết với nhau chống lại sự bành trướng của Trung Quốc).
Nói cách khác là khi cần, có thể giết gà dọa khỉ.
Cuối cùng, Trung Quốc nên đóng một vai trò tích cực trong vấn đề an ninh phi truyền thống trong khu vực, cũng như các nỗ lực cứu trợ thiên tai.
Các tác giả viết, những hoạt động này sẽ phục vụ mục tiêu Trung Quốc làm chủ tình hình an ninh ở Biển Đông, chiếm ưu thế trong cơ chế phối hợp xử lý khủng hoảng.
Nó sẽ tạo điều kiện cho việc giải quyết dứt điểm các tranh chấp ở Biển Đông.".
Vài lời nhận xét
Sau khi giới thiệu "tài liệu lưu hành nội bộ" này của Trung Quốc, hai nhà nghiên cứu Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto lưu ý mấy điểm.
Thứ nhất, người đọc sẽ tự rút ra các kết luận của riêng họ từ những nội dung mà hai ông tóm tắt lại bài phân tích của 3 sĩ quan Trung Quốc.
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, ảnh: Nhân Dân nhật báo. |
Với hai ông, bài viết này khẳng định chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là: mở rộng mục tiêu, tăng cường hoạch định và thực hiện có định hướng.
Qua bài viết này, Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto hiểu rõ hơn các lý do chiến lược đằng sau quyết định của Trung Quốc trong việc đảo hóa, quân sự hóa (bất hợp pháp) các cấu trúc địa lý ở Trường Sa.
Jin Jing, Xu Hui và Waning ở mức độ nhất định, đã phản ánh suy nghĩ chủ đạo trong hải quân Trung Quốc, họ luôn luôn có ý đồ thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông, bất kể các nhà ngoại giao nước này có nói gì đi nữa.
Hai nhà nghiên cứu cũng lưu ý, mặc dù "tài liệu lưu hành nội bộ" này có độ tin cậy và liên hệ trực tiếp với chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không có nghĩa là tất cả.
Bài viết này sẽ không phải là kết quả duy nhất để tìm hiểu ý định của Trung Quốc, cũng như hải quân Trung Quốc không phải lực lượng duy nhất hoạt động ở Biển Đông.
Nhưng dù sao, nó cũng cung cấp những góc nhìn hiếm hoi về cách hiểu, toan tính của hải quân Trung Quốc cũng như mục tiêu của họ trên Biển Đông.
Cá nhân người viết hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu và nhận định sắc sảo của hai học giả Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto.
Chúng tôi cho rằng, với những nước ven Biển Đông đang bị ảnh hưởng / đe dọa trực tiếp bởi hoạt động của Trung Quốc nhằm độc chiếm vùng biển này.
Những nghiên cứu như thế có giá trị tham khảo rất tốt.
Theo dõi những diễn biến trên Biển Đông, chúng tôi cũng xin góp vài lời nhận định cá nhân qua việc hai học giả giới thiệu và phân tích "tài liệu lưu hành nội bộ" của hải quân Trung Quốc.
Thứ nhất, Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto rất sắc sảo với nhận định, 3 sĩ quan Trung Quốc này đã công khai xác nhận mục đích thực sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà họ luôn phủ nhận, đó là:
Trung Quốc muốn làm bá chủ Biển Đông.
Những phân tích của Jin Jing, Xu Hui và Wang Ning là bằng chứng cho thấy rằng, "Một vành đai, một con đường" còn có cả mục đích an ninh, ngoài mục đích phục vụ chiến lược tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc.
Ý tưởng này của ông Tập Cận Bình cùng các định chế tài chính như AIIB, Quỹ con đường tơ lụa đã và đang giúp Trung Quốc xuất khẩu các ngành sản xuất công nghiệp nặng lạc hậu và ô nhiễm của họ ra nước ngoài, theo dòng chảy tư bản dư thừa do bán hàng giá rẻ nhiều năm.
Đồng thời, "Một vành đai, một con đường" còn là công cụ thực hiện ý đồ bá chủ an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Biển Đông là đột phá khẩu.
Đó là lý do tại sao, dù Trung Quốc ra sức mời chào, thậm chí có thể gây sức ép, nhưng các nước mục tiêu của "Một vành đai, một con đường" vẫn cứ phải đề cao cảnh giác.
Thứ hai, 3 sĩ quan Trung Quốc vẫn bám lấy lập trường chính trị "Hoa Kỳ là nguyên nhân của mọi rắc rối" để bao biện cho các hành động leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi.
Tuy nhiên cả 3 người cũng thừa nhận, mục tiêu thực sự của Mỹ là bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Washington trung lập trong các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.
Chúng tôi cho rằng, đây là một điểm sáng đáng ghi nhận trong lập luận của 3 sĩ quan Trung Quốc, khác hẳn với những tuyên truyền lâu nay của Bắc Kinh về sự can thiệp "của các bên ngoài khu vực".
Đặc biệt là việc Trung Quốc vẫn đánh đồng, đánh tráo bản chất các tranh chấp khác nhau ở Biển Đông để tung hỏa mù dư luận.
Có điều 3 sĩ quan Trung Quốc này đánh giá hơi thấp vai trò, sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông.
Có thể thời điểm giữa năm 2016, các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông để bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế chưa thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ.
Nhưng ngày 21/10/2016, gần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã điều tàu chiến USS Decatur tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam, hiện quần đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Nhà nghiên cứu Phan Văn Song mô tả lại đường đi tuần tra tự do hàng hải của tàu USS Decatur, Hoa Kỳ tại Hoàng Sa ngày 21/10/2016. |
Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song từ Australia, tàu chiến USS Decatur không chạy vào lãnh hải của bất kì đảo nổi nào ở Hoàng Sa, kể cả Tri Tôn.
Nó chạy thọc vào trong cái gọi là đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố năm 1996.
Trung Quốc đã cố tình áp dụng sai quy chế đường cơ sở thẳng, quy định tại Điều 47 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cho Hoàng Sa.
Vốn dĩ chỉ các "quốc gia quần đảo" như Indonesia, Philippines mới có chế độ đường cơ sở thẳng, quy định tại Điều 47 của Công ước này.
Hơn nữa, USS Decatur có tổ chức diễn tập trong khu vực Hoàng Sa (chạy qua 3 đoạn AB, CD và EF thuộc lãnh hải rởm cùng 2 đoạn BC và DE trong nội thuỷ rởm - xem bản đồ hình minh họa phía trên) theo một lộ trình dài khoảng 350 km.
Hành động mạnh bạo đến mức bất ngờ, chẳng những tiến vào lãnh hải mà còn vào sâu cả trong nội thuỷ rởm (phần bên trong đường cơ sở được xem tương tự như sông, suối, ao, hồ trong đất liền) mà Trung Quốc vạch ra năm 1996. [4]
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã cho tiến hành 2 hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Mỹ đã thách thức mạnh mẽ các yêu sách phi lý của Trung Quốc về phạm vi các vùng biển của những cấu trúc địa lý họ đang chiếm đóng trái phép.
Ngay trước thềm cuộc gặp lần thứ 2 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G-20 tại Đức, ông chủ Nhà Trắng bán vũ khí cho Đài Loan, trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc, cho 2 máy bay ném bom B-1 Lancer bay qua vùng tranh chấp trên Biển Đông...
Những động thái này cho thấy, không có chuyện Mỹ từ bỏ vị trí, vai trò và lợi ích của họ ở Biển Đông nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Ông Donald Trump không nói đến "xoay trục" hay "tái cân bằng", nhưng tuyên bố và hành động của quân đội Mỹ ở Biển Đông là rất rõ ràng.
Chúng tôi cho rằng, điều này có ý nghĩa rất tích cực trong việc bảo vệ tự do và an ninh hàng hải - hàng không, cũng như luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Đó là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để thực hiện Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 về áp dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước.
Điều này không những ngăn chặn Trung Quốc có những hành động phiêu lưu nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò phi lý.
Nó còn giúp các nước trong khu vực bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được Công ước quy định, luật pháp quốc tế bảo vệ.
Thứ ba, 3 sĩ quan Trung Quốc cũng đã cho thấy ý đồ sử dụng các căn cứ quân sự trái phép Trung Quốc xây ở Hoàng Sa, Trường Sa để "răn đe" các nước khác, kết hợp với củ cà rốt kinh tế để phân hóa, chia rẽ ASEAN.
Đặc biệt họ cổ súy cho xu hướng manh động và phiêu lưu, cá lớn nuốt cá bé với ý tưởng "giết gà dọa khỉ" là điều dư luận quốc tế, khu vực cần cảnh giác, lên án.
Vì vậy, thiết nghĩ các bên liên quan ở Biển Đông ngoài việc nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường phòng thủ, còn cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau và với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Chúng tôi cho rằng, hợp tác và đấu tranh với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng là một biện pháp cần tính đến, cho dù là tại diễn đàn, hoạt động đối thoại song phương hay đa phương.
Chỉ cần bám sát luật pháp quốc tế và Phán quyết Trọng tài trong các hoạt động đàm phán, xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông, mọi ý đồ đơn phương áp đặt, cưỡng chế, đe dọa dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực của ai đó sẽ không dễ thực hiện.
Tài liệu tham khảo:
[4]https://www.facebook.com/song.phan.bt/posts/1381892851918941