Nhằm chăm lo đời sống cho người lao động, khu nhà nghỉ có diện tích gần 3.000 m2 nằm ở vị trí “vàng” ngay bờ biển Vũng Tàu, do hàng trăm công nhân của công ty in Trần Phú xây dựng từ năm 1983 đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi một cách bất thường.
Điều này đã khiến cho 400 công nhân lao động của công ty vô cùng bức xúc, bởi, để xây dựng được cơ ngơi trên họ đã đổ ra biết bao mồ hôi và công sức.
Hình ảnh các công nhân của Công ty in Trần Phú |
Người lao động gõ cửa kêu cứu nhiều cơ quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Mới đây, ông Nguyễn Bình Bắc - Chủ tịch công đoàn công ty in Trần Phú, đại diện cho 400 công nhân đã tới trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân…để nộp đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với công ty.
Trong các buổi làm việc, đại diện các cơ quan đều tiếp nhận đơn kiến nghị và chuyển tới lãnh đạo đơn vị xem xét giải quyết. Tại văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, vị đại diện cũng cho biết: “sẽ có giám sát của Tỉnh ủy đối với vụ việc này”.
“Tuy nhiên, không cơ quan nào cho chúng tôi biết về việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định thu hồi tài sản của người lao động”, ông Bắc nói.
Ông Nguyễn Bình Bắc cũng cho hay, vào tháng 7/2015, tại cuộc họp liên ngành của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giải quyết thủ tục chuyển nhượng khu đất tại số 83 - phường 2 - Thùy Vân kết luận trong biên bản làm việc liên ngành nêu rõ:
Công ty in Trần Phú thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến tháng 12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ thay đổi quan điểm và cho rằng công ty in Trần Phú thuộc trường hợp phải đi thuê đất tại khu đất trên và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 190/QĐ-XPVPHC ngày 24/1/2017 với tổng số tiền 158 triệu đồng.
Phối hợp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động |
“Xét thấy quyền lợi hợp pháp của 400 cán bộ công nhân viên đối với khu đất trên bị xâm phạm, nên chúng tôi đã khiếu nại, giải trình và cung cấp toàn bộ hồ sơ chứng cứ, các cơ sở pháp lý đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xem xét nhưng không được giải quyết.
Vì vậy, chúng tôi đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để yêu cầu hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái luật nói trên”, ông Bắc lý giải.
Đại diện công ty in Trần Phú nhấn mạnh, nguồn gốc đất tại số 83 - Thùy Vân của công ty Trần Phú là rất rõ ràng.
Năm 1983, công ty in Trần Phú trích từ nguồn quỹ phúc lợi tập thể xây dựng lên nhà nghỉ Nhà máy in Trần Phú nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của công nhân lao động và có các giấy tờ chứng minh.
Do đó, đây là tài sản của toàn bộ 400 công nhân lao động của công ty Trần Phú, chứ không phải tài sản riêng của bất kì cá nhân nào khác.
Trong quá trình thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần mời chúng tôi và Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia đối thoại làm rõ những vấn đề vướng mắc trong quyết định xử phạt nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều vắng mặt không lý do”, ông Bắc bức xúc nói.
Những điều “bất thường” trong quyết định thu hồi đất
Điều khiến cho người lao động bức xúc, gửi đơn kiến nghị nhiều nơi đề nghị giám sát hoạt động xét xử, theo lý giải của ông Nguyễn Bình Bắc - Chủ tịch công đoàn công ty Trần Phú là:
“Vụ việc tranh chấp khu đất trên đang được Tòa án thụ lý giải quyết để xác định chủ quyền đất, thì đại diện chính quyền địa phương lại “tuyên bố” trước phiên tòa rằng, tỉnh đã ra quyết định thu hồi”.
Ông Bắc nói: tại phiên tòa ngày 28/6/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa vụ án khởi kiện hành chính ra xét xử thì đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo là đã có quyết định thu hồi khu đất 83 - Thùy Vân nhưng lại không nói lý do, cơ sở thu hồi khiến chúng tôi rất hoang mang.
Chúng tôi là những người bị ảnh hưởng trực tiếp cũng chưa nhận được thông báo về quyết định này. Trong khi vụ việc đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử thì đã có quyết định thu hồi khu đất trên, như vậy là có đúng hay không?
Ông Nguyễn Minh Linh, đại diện công ty in Trần Phú, cũng cho biết: Ngày 5/7, phiên tòa phải tạm hoãn để xác minh có hay không có việc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất của công ty Trần Phú?
Nếu có ra quyết định thu hồi, thì tại sao Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa giải quyết khiếu nại của công ty in Trần Phú? Tại sao Tòa án thẩm quyền vẫn chưa xét xử và đưa ra quyết định có hiệu lực về tính đúng sai của vụ việc chúng tôi khởi kiện?
Tại sao Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại đột ngột ra quyết định thu hồi đất, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của 400 cán bộ, công nhân viên của công ty? Đồng thời, tại sao lại tự ý tước bỏ đi quyền khiếu nại, tố cáo của họ?
Trước những “bất thường” trên, đại diện công ty Trần Phú tiếp tục gửi đơn tới nhiều cơ quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để kêu cứu, đề nghị được giám sát, thanh tra, làm rõ việc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất gây thiệt hại cho 400 công nhân lao động.
Đại diện công ty Trần Phú cho biết, đến ngày 26/7, họ mới nhận được quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, quyết định đã tước hết tài sản của 400 người lao động công ty Trần Phú.
Quyết định ghi rõ: “Công ty Trần Phú không được bồi thường về đất và tài sản có trên đất đối với diện tích thu hồi trên”. Tuy nhiên, quyết định này đã đi ngược với bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật cao nhất của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với tài sản của người lao động công ty Trần Phú. Theo đó, bản án số 02/2017/KDTM-PT ngày 10/4/2017 về việc: “Tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; kết quả đấu giá cạnh tranh” đã quyết định: “Công nhận toàn bộ tài sản cố định gắn liền trên diện tích đất gần 3.000 m2 tọa lạc tại số 83 - Thùy Vân - phường 2 - Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là thuộc quyền sở hữu của công ty Trần Phú”. |