Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/1/2015, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (tức là hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Số tiền tăng tương ứng sẽ là 90 nghìn đồng/người/tháng.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Nghị quyết Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, để góp phần động viên, nâng cao đời sống của người về hưu, người có công và một bộ phận người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà có thu nhập thấp, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết nội dung “Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2015”.
Tăng 8% lương cho công chức, viên chức... có thu nhập thấp. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho khoảng 6,3 triệu người, trong đó đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo là gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Nguồn kinh phí thực hiện khoảng 11.100 tỷ đồng, kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2014 sang năm 2015 là 10.000 tỷ đồng, số còn lại 1.100 tỷ đồng được đảm bảo từ nguồn của ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương.
Ngoài nguồn kinh phí bổ sung thực hiện điều chỉnh tăng thu nhập đối với các đối tượng nói trên, theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thì dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 đã bố trí 1.700 tỷ đồng thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho khoảng 550.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người nghèo, người sống trong cơ sở bảo trợ xã hội.
Theo đó, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng; nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 921.100 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong những buổi thảo luận trước đó về tình hình kinh tế xã hội, một loạt các Đại biểu Quốc hội đã yêu cầu giữ đúng lộ trình tăng lương, đặc biệt là phải chú trọng tới nhóm hưởng lương thấp trong xã hội hiện nay.
Ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cảnh báo: "Trong khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chúng tôi cho rằng Chính phủ đã thông qua lộ trình và hiện nghị quyết của Trung ương đã thông qua. Nhưng bây giờ chúng ta lại đặt ra vấn đề kinh tế khó khăn quá, không thực hiện theo lộ trình này thì hỏi những người lao động hưởng lương thấp, cán bộ công chức hưởng lương thấp như hiện nay thì làm sao họ đủ sống. Mà không đủ sống thì cán bộ công chức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, lại vui vẻ nhận phong bì bôi trơn, gây khó khăn cho người dân. Chính nguy cơ này còn lớn hơn nữa".
Trong khi đó, Đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh: “Phải nhìn xuống dưới thương lấy cái người có hệ số lương thấp, từ ba phẩy trở xuống và những người về hưu trước năm 1993, người ta tham gia kháng chiến, sắp chết cả rồi. Thôi thì Quốc hội và Chính phủ dành tình cảm cho họ đi, bớt ăn đi... riêng cái chỗ cắt giảm 5-10% hội thảo, hội nghị là đủ".