Hành khách được mua hàng miễn thuế trên chuyến bay đến Việt Nam
Có hiệu lực từ 1/11/2015, Quyết định 39/2015/QĐ-TTg ngày 11/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/2/2009 và Quyết định số 44/2013/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Hành khách được mua hàng miễn thuế trong các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. ảnh: chinhphu.vn |
Theo đó, hành khách trên tàu bay đang thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam ngoài được mua hàng miễn thuế trên tàu bay khi xuất cảnh, theo quy định mới còn được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.
Che dấu, vi phạm quản lý đầu tư sẽ bị phạt nặng
Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 có hiệu lực từ 20/11/2015 quy định về giám sát và đánh giá đầu tư quy định cụ thể các nội dung về: các chủ thể thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư; nguyên tắc giám sát, đánh giá đầu tư; giám sát và đánh giá chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; giám sát và đánh giá dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư...
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi che giấu vi phạm hoặc hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật.
Che dấu thông tin quản lý đầu tư sẽ bị phạt nặng. ảnh minh họa: Kinh tế đô thị. |
Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cố tình che giấu các trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư sẽ chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật về các sai phạm và hậu quả gây ra.
Hàng năm trên cơ sở báo cáo tổng hợp, đề xuất của các cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư, các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định xử lý đối với các chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư vi phạm quy định về giám sát và đánh giá đầu tư theo các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo; Thay chủ chương trình, chủ đầu tư; Không giao làm chủ đầu tư các dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về tình hình xử lý vi phạm trong giám sát, đánh giá đầu tư. Kiến nghị hình thức xử lý với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện báo cáo giám sát hoặc thực hiện không đúng thời hạn, không đảm bảo chất lượng.
Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có thể bị hạ lương, bị buộc thôi việc
Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực thi hành 05/11/2015.
Nghị định quy định về yêu cầu thực hiện công bố thông tin; phương tiện và hình thức công bố thông tin; ngôn ngữ công bố thông tin; tạm hoãn công bố thông tin; điều chỉnh nội dung công bố thông tin; bảo quản, lưu giữ thông tin; công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp; công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.
Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có thể bị hạ lương, sa thải. ảnh minh họa: VTC |
Theo đó, các thông tin phải công bố định kỳ gồm: Chiến lược phát triển của doanh nghiệp; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp; Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có); Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; Báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp; Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn tới hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, thì người quản lý doanh nghiệp bị kỷ luật hạ bậc lương đến buộc thôi việc. Đại diện chủ sở hữu cũng có quyền kiến nghị xử lý hình sự nếu người đứng đầu doanh nghiệp gây ra hậu quả lớn.
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản
Có hiệu lực từ 1/11/2015, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu trong kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; về chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.
Nghị định nêu rõ, trước khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản thì phải thông báo bằng văn bản cho tất cả khách hàng (nếu có) và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước 15 ngày (ít nhất 3 số liên tiếp của một tờ báo phát hành tại địa phương hoặc một đài truyền hình địa phương hoặc Trung ương và trang tin điện tử của cơ quan đầu mối (nếu có).
Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm
Nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm có hiệu lực từ 1/11/2015. Nghị định này quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia, Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp
Có hiệu lực từ ngày 1/11/2015, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 quy định về đăng ký doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và Nghị định số 5/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013. Nghị định được ban hành để hướng dẫn chi tiết các điều, khoản liên quan đến đăng ký doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014; sửa đổi, bổ sung những hạn chế tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Nghị định số 05/2013/NĐ-CP; cụ thể hóa những đổi mới, cải cách trong công tác đăng ký doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khâu gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường.
Gia cố tàu bọc vỏ thép được vay 70% giá trị nâng cấp
Theo Nghị định 89/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25/11/2015, đối với trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.