92% người đồng ý tăng cước 3G: Nhà mạng "đặt hàng"?

25/04/2015 07:54
Mai Anh
(GDVN) - Khảo sát mang tên “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3g tại Việt Nam năm 2014” của GfK đưa ra kết luận 92% người đồng ý tăng giá cước 3G.

Kết quả khảo sát trên của Công ty Nghiên cứu thị trường và bán lẻ GfK Việt Nam và báo Bưu điện Việt Nam tổ chức từ tháng 11/2014 - tháng 1/2015 khiến dư luận bức xúc.

Từ đây người tiêu dùng đặt ra nghi vấn phải chăng kết quả nghiên cứu của GfK được thực hiện theo “đơn đặt hàng” của nhà mạng để chuẩn bị cho việc cước 3G tăng giá?. 

GfK khảo sát theo "đơn đặt hàng" của nhà mạng?

Cụ thể trong khoảng thời gian hai tháng, GfK thực hiện khảo sát "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014". GfK thực hiện khảo sát khoảng 576 người tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Kết quả được GfK công bố cho rằng chỉ có... 8% người dùng phản đối tăng giá cước 3G. Nói các cách khác, có tới 92% người dùng "đồng ý" với giả định nhà mạng sẽ tăng cước 3G do GfK đưa ra. 

Cũng theo khảo sát của GfK, hầu hết người dùng được khảo sát cho rằng cước 3G hiện tại là chấp nhận được (60%) và phản ánh đúng chất lượng mà họ nhận được (84%).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khảo sát của GfK, đơn vị này đặt ra câu hỏi giả định về việc tăng giá cước 3G trong thời gian tới, theo đó kết quả GfK cho rằng chỉ có 8% tuyên bố họ tuyệt đối không chấp nhận.

Nếu tăng giá, 82% người dùng cho biết họ chỉ "chịu" được mức tăng 5% hoặc thấp hơn. Với mức tăng từ 5-10%, 59% người dùng sẽ chuyển qua gói cước rẻ hơn. Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người dùng khẳng định họ sẽ đổi qua nhà cung cấp khác. 

Ngay sau khi GfK công bố, kết quả nghiên cứu này đã vấp phải phản đối của dư luận. Việc GfK đưa ra kết quả nghiên cứu chỉ có 8% người dùng phản đối tăng cước được cho là thấp một cách bất bình thường so với thực tế. 

Được biết, câu hỏi mà GfK đặt ra cho những người được khảo sát là "Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?", với những câu trả lời tương ứng là Dưới 5%, từ 5-10%, từ 10-20%, trên 30% và Không đồng ý tăng. 8% người dùng phản đối tăng giá cước mà GfK đưa ra chính là nhóm người chọn câu trả lời cuối cùng này.

Ngay lập tức, một số ý kiến cho rằng câu hỏi này đã mang tính " đóng khung lựa chọn", thậm chí là "gài bẫy" người dùng, khi mặc định rằng họ đồng ý với việc tăng cước, chỉ có điều chấp nhận mức tăng nhiều hay ít mà thôi.

Việc GfK giải thích rằng: "Thay vì đặt 2 câu hỏi riêng biệt là: Anh/chị có đồng ý tăng cước 3G hay không? Và mức tăng chấp nhận được là bao nhiêu? Thì gộp lại thành câu hỏi như đã đưa ra trong khảo sát cũng không dẫn tới câu trả lời khác nhau là mấy", cũng không tỏ ra thuyết phục. 

Vì vậy với câu hỏi này, GfK đưa ra suy luận 92% người dùng đồng ý tăng cước 3G là không khách quan. Từ đây người tiêu dùng đặt ra nghi vấn phải chăng kết quả nghiên cứu của GfK được thực hiện theo “đơn đặt hàng” của nhà mạng để chuẩn bị cho việc giá cước 3G tăng giá?.

Câu hỏi khảo sát "gài bẫy" người dùng?

Đứng góc độ truyền thông xã hội Blogger Nguyễn Ngọc Long - Công ty CP Truyền thông Trăng Đen cho rằng, ngay chính trong lời trần tình của GfK đã có mâu thuẫn lớn.

Thứ nhất, là một công ty nghiên cứu thị trường, lẽ ra GfK phải hơn ai hết, cần hiểu rằng trước khi kết luận cái gì thì phải làm nghiên cứu (và họ cũng đang làm như vậy). Thế tại sao, GfK lại nói rằng chắc chắn sẽ có nhiều người chọn lựa câu trả lời không tăng giá? 

Thứ hai, nếu giả sử đã biết người ta không muốn tăng giá, sao lại đưa cho người ta "cơ hội chọn lựa mức tăng giá khác nhau"?. Bản thân 2 nội dung này đã phủ định nhau một cách... vô cùng quyết liệt!

Blogger Nguyễn Ngọc Long bình luận: “Câu hỏi khảo sát của GfK như việc hai người say xỉn hỏi nhau: Anh có uống bia không? Trả lời: Không; Người kia lại hỏi anh uống bia lon, bia chai hay bia hơi…?. Vậy trong trường hợp này, GfK có say không? Hay cố tình gài hàng, chuốc say người tham gia khảo sát”.

Phân tích về cách đặt câu hỏi khảo sát của GfK, Blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng, GfK  vi phạm 2 trong nguyên tắc vàng của lập bảng câu hỏi khảo sát (theo surveymonkey, wikieuropa, snapsurveys) đó là KISS - keep it short and simple (đơn giản ngắn gọn).

“Theo đó, một câu hỏi chỉ nên hỏi một vấn đề, và câu hỏi phải được thiết kế đơn giản nhất có thể mà vẫn rõ ràng, xúc tích. Tuyệt đối ko được dùng câu hỏi mang tính gợi ý (avoid suggestive questions). Nhưng GfK đã vi phạm cả 2: vừa đặt một câu hỏi dài, mang nội dung của 2 vấn đề, vừa đặt một câu hỏi mang tính gợi ý để đánh bẫy người tham gia khảo sát. Vì vậy, xét về mặt lý thuyết, câu hỏi như thế này là không chấp nhận được. Và trong thực tế, kết quả khảo sát mà GfK đưa ra đã bị phản ứng dữ dội”, Blogger Nguyễn Ngọc Long cho biết.

Bên cạnh đó theo Blogger Nguyễn Ngọc Long, việc trần tình của GfK là tìm cách bịt mắt bịt tai dư luận, nên có thể thấy công ty này không hướng tới quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

Còn nhớ thời điểm tháng 10/2013, khi 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đồng loạt thông báo tăng cước 3G đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Hơn nữa việc lý giải cho rằng giá cước 3G của Việt Nam thuộc loại rẻ nhất tuy nhiên cần phải nhớ tốc độ Internet Việt Nam cũng thấp nhất khu vực và toàn châu Á.

Kết quả nghiên cứu vừa được hãng quản lý lưu lượng Internet và giải pháp công nghệ Akamai (Mỹ) công bố về tình hình Internet toàn cầu trong 3 tháng quý III/2014 cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ kết nối Internet trung bình thuộc vào loại thấp nhất tại châu Á và khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, theo báo cáo của Akamai, tốc độ kết nối Internet trung bình trên toàn cầu đã giảm đi 12% trong quý III/2014 so với quý trước đó, nhưng vẫn nhanh hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tốc độ trung bình 2,5Mbps. Với tốc độ kết nối Internet trung bình này, Việt Nam xếp thứ 100 trên toàn cầu về tốc độ kết nối mạng trung bình và xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (12,2Mbps), Thái Lan (6,6Mbps), Malaysia (4,1Mbps) và Indonesia (3,7Mbps).

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tốc độ cao thấp nhất thế giới.

Như vậy với chất lượng tốc độ truyền tải như vậy nhưng kết quả nghiên cứu của GfK cho rằng người tiêu dùng đồng ý tăng giá cước 3G là nghịch lý. 

Mai Anh