Đến thời điểm này, dư luận tiếp tục đòi hỏi phải minh bạch công khai thí sinh gian lận điểm thi cùng phụ huynh. Bởi, nếu không đưa tội ác ra ánh sáng thì là đồng lõa, nương tay với những kẻ phạm tội.
Chúng ta đòi hỏi sự tôn trọng pháp luật của tất cả người dân. Vì thế cần đưa mọi việc ra ánh sáng để có giá trị răn đe cho những đối tượng khác đã làm ảo thuật với kỳ thi quan trọng bậc nhất này.
Nhiều cán bộ ngành giáo dục Sơn La bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vì liên quan đến sai phạm tại kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Bộ Công an. |
Trong vụ bê bối thi cử vô tiền khoáng hậu này, bức xúc lớn hơn của dư luận là ở chỗ, rõ ràng theo logic thông thường, không ai tự dưng đi sửa điểm cho các thí sinh (mà tình cờ hơn, đa phần đều là con quan chức), nhưng chiểu theo các quy định lại không xử lý được gì, ngoài mỏi mòn chờ đợi cơ quan điều tra.
Xét theo lý lẽ thông thường, những người đã bị bắt giữ vì sửa điểm ấy, không có ai tự dưng bất chấp tất cả các quy định, bật máy tính lên, sửa điểm cho người khác, để sau đó ngồi tù.
Một học sinh chỉ cần mang máy tính không đúng chủng loại hay bất cứ có hành động nào vi phạm quy chế đã lập tức bị đình chỉ. Quy chế nghiêm túc đó làm con kiến cũng khó chui lọt.
Vẫn ngỡ, con voi không thể chui lọt lỗ kim nhưng trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang thì cả đàn voi chui lọt!
Để xảy ra tình cảnh này, chắc chắn “quản tượng” đã tốn không ít công sức, thủ thuật phù phép giúp các vi phạm được vô tư thực hiện như vậy.
Bao nhiêu người mua điểm để đỗ vào đại học thì có bấy nhiêu em điểm thực bị trượt đại học. Ai từng kinh qua 12 năm học phổ thông và mong muốn vào đại học đều biết để đỗ phải tranh nhau từng 0,25 điểm.
Còn ở Sơn La, công bố danh sách 44 thí sinh gian lận điểm thi thi tốt nghiệp phổ thông đều theo kiểu ''siêu nhảy vọt''.
Những môn thi 0 điểm biến thành 9-10 điểm! Hỏi công bằng ở đâu cho hàng nghìn thí sinh khác.
Vì vậy, càng phải sớm công khai để làm sạch môi tường giáo dục quốc gia, để có được lực lượng rường cột vững chắc cho tương lai đất nước.
Những ai nói đến nhân văn để giấu giếm danh tính các thí sinh, phụ huynh có con được nâng điểm nên hiểu rằng, các em nhận điểm không phải của mình và cướp đi cơ hội của người xứng đáng hơn. Đó là kẻ cướp, thứ mà họ cướp là cơ hội, niềm tin của biết bao người vào tương lai, vào giáo dục nước nhà.
Tôi không tin là các em được nâng điểm không biết điểm mình được nâng ? Bởi thi xong, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án, thí sinh thừa biết mình được bao nhiêu điểm. Trừ phi các em chưa rành phép tính cộng nên mới nhầm từ làm được 1 điểm lên 10 điểm. Nếu các em đã "nhầm" vậy thì càng không đủ khả năng để bước chân vào các trường đại học.
Có ý kiến bảo vệ việc không nên công khai danh tính thí sinh vì cho rằng các em bị gia đình ép! Rõ ràng, các em đã 18 tuổi mà không nhận thức được đúng sai, chấp nhận theo cái sai thì đã là sai. Các em bắt dầu bước vào đời bằng sự dối trá thì hy vọng gì sau các em sẽ làm việc tử tế!
Đáng ngại nhất là rất nhiều trường hợp nâng điểm lại vào các trường đại học ngành công an. Theo đó, các trường công an trực thuộc Bộ Công an đã buộc thôi học 25 sinh viên đến từ Sơn La, 28 sinh viên đến từ Hòa Bình liên quan gian lận thi cử.
Ai bịt mắt các Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình? |
Bộ Công an đã bàn giao 53 thí sinh có điểm gian lận về đơn vị sơ tuyển tại Sơn La, Hòa Bình và xử lý theo quy định.
Nếu không bị phát hiện, biết đâu trong số này sẽ là những điều tra viên trong tương lai, chỉ nghĩ thôi cũng đủ thấy rùng mình...
Sẽ rất kinh khủng nếu những người yếu kém về thực lực sau khi tốt nghiệp, họ là con ông cháu cha sẽ được nâng đỡ lên các chức vụ cao hơn nữa. Đó sẽ là một mối họa cho đất nước.
Vì vậy, đề nghị xử lý thật nghiêm những thí sinh và phụ huynh này. Hãy mạnh dạn cắt bỏ những phần ung nhọt, xấu xa để cứu lấy phần còn lại của cơ thể, hãy lấy lại uy tín cho ngành giáo dục.