Báo chí thổi phồng hay Hiệu trưởng trí trá?

28/12/2018 06:44
Phan Tuyết
(GDVN) - "Hiệu trưởng biết rõ sự việc vẫn cứ nín thinh. Còn cô M. nếu sai thì sửa là được đằng này lại nói nhà báo vu khống, thổi phồng. Mình đã sai lại càng sai hơn”.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài viết phản ánh về việc bạo hành học sinh ở Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Những tưởng sau khi được báo chí phản ánh, nhà trường và cá nhân giáo viên vi phạm sẽ có những phản hồi tích cực trong việc ghi nhận, rút kinh nghiệm để không bao giờ còn xảy ra sự việc đáng buồn như vậy.

Thế nhưng động thái của nhà trường, của cá nhân giáo viên ấy lại ra sức tìm chứng cứ chứng minh mình vô tội và “tấn công” nhà báo vì cho rằng chính họ đã thổi phồng chuyện giáo viên “tra tấn” học sinh.

Để đối phó với dư luận sau khi báo chí lên tiếng phản ảnh và đối phó với sự chỉ đạo kiểm tra xác minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 17/12 ông Lưu Hoàng Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường đã tự mình cùng Trưởng Ban đại diện hội cha mẹ học sinh Đặng Hoàng Lâm đã đến tận nhà học sinh bị bạo hành (em H.T.T.) “xác minh” và lập biên bản có xác nhận của gia đình.

Trong biên bản, có ghi “lời khai” của em T. với nội dung: “Cô M. rất thương tụi em. Cô không có bắt quỳ gối cả lớp như mấy nhà báo nói.

Đây là lời con nói là sự thật, không nói sai. Chú nhà báo có gặp em và hỏi em cũng nói như vậy. Sao chú nói như vậy là không đúng”.

Biên bản có xác nhận của gia đình do ông Lưu Hoàng Hiếu và vị Trưởng Ban đại diện hội cha mẹ học sinh thực hiện (Ảnh: tác giả cung cấp).
Biên bản có xác nhận của gia đình do ông Lưu Hoàng Hiếu và vị Trưởng Ban đại diện hội cha mẹ học sinh thực hiện (Ảnh: tác giả cung cấp).

Chẳng hiểu ông Hiệu trưởng nhà trường cùng vị Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đã nói những gì mà một đứa trẻ mới 13 tuổi đã biết “phản cung”.

Bởi, chứng cứ trước đó phóng viên chúng tôi còn lưu giữ, em T. trả lời ngay trên phòng hiệu trưởng (có hiệu trưởng và phóng viên) rằng ngoài việc hít đất cô còn bắt quỳ trên ghế, bắt một tay giơ cao, một tay chép bài.

Thể hiện là cánh tay nối dài đắc lực, lấy vai trò là trưởng Ban đại diện hội cha mẹ học sinh, ông Đặng Hoàng Lâm đã gửi đơn cho Phòng giáo dục Thành phố Rạch Giá và Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang để “thanh minh” giúp cô M. bằng dẫn chứng nhận định của phụ huynh là: 

Cô phạt như thế còn nhẹ, đây là hình thức giáo dục bình thường chứ không phải là bạo hành, là hành vi bạo lực”… và yêu cầu Sở Giáo dục đừng để báo chí thông tin sai sự thật, không thổi phồng sự việc làm ảnh hưởng đến uy tín giáo viên và nhà trường.

Và chuyện giấu đầu hở đuôi đã bị bóc trần khi đơn yêu cầu gửi Sở Giáo dục (sau khi đã xác minh sự việc) ghi ngày 13/12 nhưng biên bản xác minh lại ghi ngày 17/12.

Chỉ chi tiết này, chúng tôi lại liên tưởng tới câu chuyện cười dân gian "Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông".

Những tưởng đã chắc chắn rằng có các chứng cứ chứng minh bao biện cho việc cô Đào Tuyết Mai không dùng hình phạt “kinh dị” với học sinh như báo chí nêu.

Ngày 22/12, ông Lưu Hoàng Hiếu - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ đã rất tự tin tổ chức cuộc họp có sự tham dự của các ban ngành thuộc chính quyền địa phương gồm:

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, Trưởng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Rạch Giá, Đại diện Liên đoàn lao động, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Rạch Giá…cùng với sự góp mặt của một số chi hội phụ huynh các lớp, đại diện gia đình học sinh bị bạo hành, các em học sinh bị bạo hành và các thầy (cô) giáo có (liên quan) để làm rõ sự việc.

Báo chí thổi phồng hay Hiệu trưởng trí trá? ảnh 3Ông Đặng Hoàng Lâm là ai mà ra sức che chắn cho trường Nguyễn Trường Tộ?

Thế nhưng, thật đáng tiếc vì ngay trong cuộc họp này lại phát hiện thêm nhiều tình tiết bạo hành “lạ” hơn nữa đó là cô M. không chỉ dùng các hình phạt như loạt bài trước đã phản ánh mà còn có những hình phạt khác như: nếu học sinh không thuộc bài thì bị “há họng” cho đến hết tiết học.

Việc áp dụng hình phạt “lạ kỳ” của cô M. đã được chính đồng nghiệp của cô M. phản ánh trong cuộc họp có sự xác nhận của học sinh.

Điều vô lý hết sức là cô không kiểm tra bài cũ đã học hôm trước mà kiểm tra nội dung kiến thức trong việc soạn bài mới.

Nếu chỉ kiểm tra học sinh có soạn bài hay không thì thầy cô nào cũng làm, nhưng bắt các em phải trả lời một số câu hỏi cái bài các em chưa được học, hỏi sao học sinh có thể trả lời được? Và thế là bị phạt.

Trong cuộc họp, sau khi cô M. trình bày sự việc (chỉ xoay quanh việc phạt học sinh hít đất mà tảng lờ những hình thức phạt khác đã được báo chí nêu) thì đồng nghiệp của cô M. là cô giáo L.N.X.T. giáo viên chủ nhiệm lớp 7/9 đã phát biểu thêm. Nội dung phát biểu của cô T. là:

Tôi không chứng kiến cô M. phạt học sinh nhưng cả lớp 40 em đều đồng loạt lên tiếng ngoài hình phạt bắt học sinh nằm dưới đất, cô M. còn phạt học sinh thụt dầu, một tay giơ cao lên trời một tay phải ghi bài.

Em nào trả lời được câu hỏi mới được bỏ tay xuống nếu không phải giơ hết tiết. Kinh khủng hơn còn có thêm hình phạt nếu không trả bài được hoặc nói chuyện sẽ bắt học sinh há họng hết tiết học” .

Cô L. vừa là Trưởng ban thanh tra nhân dân, vừa là giáo viên dạy Văn 3 lớp cô M. dạy (7/8, 7/9, 7/10) cho biết, học sinh 3 lớp này đều tố bị cô giáo dạy Sử dùng những hình phạt (nằm dưới đất, quỳ trên ghế, giơ một tay lên cao một tay chép bài, thụt dầu, há miệng nguyên tiết).

Thì cô M. còn “sáng tạo” thêm hình phạt khác đó là: phạt học sinh vi phạm bằng cách phải ngồi dưới đường đi (dãy giữa lớp học) quay lưng lại bục giảng vừa soạn bài vừa học thuộc.

Báo chí thổi phồng hay Hiệu trưởng trí trá? ảnh 4Giáo viên bắt học sinh không được khép miệng nguyên cả tiết học

Để chứng minh cho các thành phần tham gia cuộc họp rằng những gì bản thân cô L. nêu ra là có thật, cô hỏi: “Nếu quý vị muốn nghe, tôi sẽ mở ghi âm cho nghe” nhưng cô không thực hiện được việc mở băng ghi âm vì ông hiệu trưởng đã cắt ý kiến của cô.

Mặc dù không được tiếp tục trình bày hết bức xúc của mình, cô L. nhận định: 

Lẽ ra chuyện chỉ ở nội bộ trường, giá như khi hiệu trưởng được Trưởng Ban thanh tra báo cáo mà chủ động xử lý nó chẳng rùm beng như bây giờ. Nhưng hiệu trưởng dù biết rõ sự việc vẫn cứ nín thinh.

Còn cô M. nếu sai thì sửa là được rồi. Đằng này, lại nói nhà báo vu khống, thổi phồng. Mình đã sai lại càng sai hơn”.

Chiều 26/12, để xử lý vấn đề, Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ đã chính thức tổ chức họp Hội đồng sư phạm để lấy phiếu xác định ý kiến thi hành kỉ luật đối với cô M.

Tuy nhiên động thái này của nhà trường lại dấy lên nhiều câu hỏi nghi hoặc của nội bộ nhà trường bởi một số giáo viên cho biết họ chưa được thông qua kết luận vụ việc mà nay lại lấy phiếu xác định ý kiến thi hành kỉ luật đối với cô M. khiến họ không biết phải làm sao?

Phiếu xác định ý kiến thi hành kỉ luật đối với cô M. (Ảnh: tác giả cung cấp).
 Phiếu xác định ý kiến thi hành kỉ luật đối với cô M. (Ảnh: tác giả cung cấp).

Như vậy, sau cuộc họp ngày 22/12 với sự tham gia đầy đủ của các cấp có thẩm quyền tại địa phương cùng nhà trường thì câu hỏi “Có hay không việc thổi phồng chuyện giáo viên xử phạt “tra tấn” học sinh đã được trả lời một cách tường minh và chi tiết nhất nhưng việc xem xét kỷ luật viên chức không phải là việc làm để “đối phó” bức xúc của dư luận mà đây là việc làm cần tính khách quan, nghiêm minh nên không thể tùy tiện xử lý khi chưa có kết luận cuối cùng công khai trước tập thể nhà trường cũng như công luận.

Phan Tuyết