Ông Đặng Hoàng Lâm là ai mà ra sức che chắn cho trường Nguyễn Trường Tộ?

26/12/2018 07:42
Phan Tuyết
(GDVN) - Các nhà giáo chân chính không hề thơ ơ, không hề im lặng nhưng trả lời cho sự đấu tranh của họ là sự quy chụp của quyền thế, đẩy họ vào diện “chống đối”...

Có hay không sự đối phó theo hệ thống trong việc xử lý giáo viên vi phạm?

Vừa qua, tại Phú Thọ sự việc hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn dâm ô nhiều học sinh nam đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Trong khi nghi can Đinh Bằng My đã bị tạm giam để điều tra hành vi dâm ô với trẻ dưới 16 tuổi, dư luận bức xúc đặt câu hỏi tại sao vụ việc được cho diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện?

Liệu có sự thờ ơ trước cái xấu ngay trong môi trường sư phạm?

Dư luận đã vô cùng bức xúc, giận dữ bởi sự im lặng và thờ ơ của đội ngũ giáo viên của ngôi trường này thậm chí đã căm phẫn khi chính lãnh đạo ngôi trường này đã trả lời báo chí rằng không hề biết chuyện gì xảy ra và các giáo viên khác cũng vậy. [1]

Có một kiểu "tra tấn" kinh dị trong trường học

Như vậy, câu hỏi có hay không sự đối phó theo hệ thống trong việc giải quyết xử lý việc giáo viên có hình thức phạt “kinh dị” đối với học sinh tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ khiến chúng tôi quyết tâm tìm hiểu sâu hơn.

Trong phiên họp có sự tham gia đầy đủ các ban ngành, của chính quyền địa phương được tổ chức ngày 22/12, thực tế cho thấy chính các nhà giáo có tâm huyết với sự trong sạch của ngành đã khẳng khái đấu tranh với những hành vi phi giáo dục nhưng sự đấu tranh ấy hoàn toàn không đạt được hiệu quả bởi những người có thẩm quyền giải quyết sẵn sàng dùng mọi biện pháp để che chắn.

Các nhà giáo chân chính không hề thơ ơ, không hề im lặng nhưng trả lời cho sự đấu tranh của họ là sự quy chụp của quyền thế, đẩy họ vào diện “chống đối”, thậm chí quy chụp họ “có động cơ phá hoại uy tín ngành giáo dục”.

Việc thông tin, phản ánh những tiêu cực ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng rất cần thiết và ngay trong ngành giáo dục lại càng cần thiết và trở nên ngày càng cấp bách trong giai đoạn này.

Tuy nhiên đáp lại thì gần như chưa bao giờ có được sự hợp tác của người trong cuộc mà chỉ là sự che giấu và né tránh.

Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)

Sau khi có sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm tra làm rõ vụ việc đã xảy ra ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, người đứng đầu ngành giáo dục Kiên Giang - bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định:

“Nếu đúng như nội dung bài báo đăng tải thì kiên quyết xử lý nghiêm giáo viên và nhà trường có hành vi sai phạm, xử phạt học sinh phản cảm, phản tác dụng giáo dục, không dung túng, bao che.

Nếu báo đăng tải thông tin không chính xác, sai sự thật, phóng viên lợi dụng quyền trẻ em viết bài thổi phồng vụ việc, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục Kiên Giang, xúc phạm danh dự đội ngũ thầy, cô giáo, chúng tôi sẽ kiến nghị, yêu cầu ngành chức năng có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, làm rõ động cơ và công bố công khai sự thật vụ việc, trả lại môi trường yên bình cho giáo dục để các thầy, cô giáo an tâm giảng dạy”.[2]

Nhưng trái với tinh thần công khai thông tin của người đứng đầu ngành giáo dục Kiên Giang, cuộc họp được tổ chức với quán triệt ngay từ khi bắt đầu bằng chỉ thị của ông Lưu Hoàng Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường: “Không ghi âm, chụp hình và đưa tin lên mạng xã hội”.

Trường Nguyễn Trường Tộ có bao che cho giáo viên?

Với các thông tin đã phản ánh ở những bài trước, ngoài việc chỉ ra những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý tổ chức và quản lý giáo dục học sinh của ngôi trường này, thông điệp chúng tôi đã và đang quan tâm là niềm mong ước chung của toàn xã hội đó là:

Từ cấp học mầm non đến các cấp học phổ thông hãy quan tâm hơn nữa đến việc dạy dỗ những đứa trẻ về tình yêu thương và để có được điều đó thì không cách nào hay hơn bằng cách chính những nhà giáo hãy bày tỏ tình yêu thương để uốn nắn trẻ.

Bởi chính những cử chỉ yêu thương từ người lớn sẽ đi vào tâm trí lũ trẻ suốt cả cuộc đời.

Nếu thầy (cô) giáo chọn cách dùng các hình phạt “lạ” để dạy trẻ thì dù không gây thương tích lên cơ thể trẻ nhưng chắc chắn sẽ gây thương tích trong tâm hồn và sẽ hằn sâu trong tâm trí trẻ suốt đời.

Nhưng lạ lùng thay, cách xử lý không phải là việc kiểm tra và rút kinh nghiệm ở cơ sở mà lại là biện pháp quay lại “tấn công” nhà báo.

Hành xử lạ lùng của người quản lý trường này đó là dùng Ban đại diện cha mẹ học sinh làm “bệ đỡ” và bỏ qua tất các các tổ chức hiện có trong nhà trường.

Như vậy có thể nói rằng, câu chuyện này dù đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh nhiều lần nhưng chỉ đến khi Bộ Giáo dục trực tiếp chỉ đạo thì mới có sự tham gia của các cấp quản lý địa phương, việc này không chỉ là sự chậm trễ đơn thuần mà câu hỏi cần làm rõ đó là: có hay không sự bao che vì thành tích?

Bởi chỉ cần phụ huynh không phản ánh, khiếu nại thì mọi chuyện cho dù giáo viên trong đơn vị có bức xúc, có kiến nghị thì tất cả vẫn lặng thinh bởi đã có “sự gợi ý” của Phòng Giáo dục.

"Cả 3 đời hiệu trưởng về trường đều rất lùm xùm, giờ cần đóng cửa bảo nhau, đừng vạch áo cho người ta xem thẹo"

Đây chính là ý kiến của ông Đặng Hoàng Lâm - Trưởng Ban Đại diện phụ huynh học sinh nhà trường phát biểu trong buổi họp.

Cụ thể, ông Lâm phát biểu như sau: “Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng liên tiếp 3 lần nên đã báo cáo với Thường trực Ủy ban phường Rạch Sỏi với vai trò vừa là cán bộ cấp dưới vừa là trưởng ban phụ huynh học sinh nên đã đến nhà học sinh làm biên bản xác minh nhưng gia đình cho là đây là hình phạt bình thường, đồng tình với cách phạt của cô Mai.

Không biết lý do nào mà nhà báo đưa tin không đúng sự thật, thấy buồn vì nội bộ giáo viên nhà trường không đoàn kết.

Cả 3 đời hiệu trưởng về trường đều rất lùm xùm, giờ cần đóng cửa bảo nhau, đừng vạch áo cho người ta xem thẹo”.

Trường Nguyễn Trường Tộ gần một năm nay không có hội đồng trường

Vị này cho biết bản thân rất bức xúc vì sự mất đoàn kết của nội bộ nhà trường, và cũng bức xúc vì thông tin báo chí đã phản ánh nên chính ông đã có đơn gửi tới Phòng, Sở Giáo dục Kiên Giang để đề nghị can thiệp không để báo chí tiếp tục đăng tải thông tin.

Ngày 22/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, Ban hành kèm theo Thông tư này Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

Mỗi lớp có một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm từ 3 đến 5 thành viên, trong đó có trưởng ban và một phó trưởng ban.

Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.

Đồng thời mỗi trường có một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm trưởng ban, các phó trưởng ban và các thành viên thường trực (nếu cần thiết).

Thành viên tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh trường là trưởng ban hoặc phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Tuy nhiên, theo nguồn tin nội bộ nhà trường phản ánh, hiện nay ông Đặng Hoàng Lâm không có con (hoặc cháu được giám hộ) theo học tại trường nhưng nhà trường vẫn “cơ cấu” để ông được bầu là Trưởng ban Đại diện Cha mẹ học sinh khiến giáo viên nhà trường rất thắc mắc nhưng không được giải đáp.

Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân mà trường “rất lùm xùm” như lời ông đã phát biểu trong cuộc họp?

Như vậy, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 55, ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động ngày càng hiệu quả, nhiều Ban đại diện hội cha mẹ học sinh không chỉ đại diện tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh;

Là “cầu nối” để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình thực hiện tốt việc phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh;

Và Ban đại diện cha mẹ học sinh còn góp phần không nhỏ trong việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo tốt đời sống cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Nhưng để đảm bảo tốt vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì việc các nhà trường cần nghiêm túc thực hiện một cách đảm bảo tính pháp lý trong cơ cấu tổ chức cũng như trong các hoạt động chung của Ban đại diện cha mẹ học sinh là điều bắt buộc mang tính pháp quy chứ không thể tùy tiện “cơ cấu” để từ đó gây ra các hiệu ứng không tốt cho hoạt động của tổ chức này.

Tài liệu tham khảo:

https://news.zing.vn/hieu-truong-bi-to-xam-hai-hoc-sinh-nam-im-lang-tho-o-la-toi-ac-post901388.html[1]

https://www.vietnamplus.vn/thuc-hu-viec-thoi-phong-chuyen-giao-vien-xu-phat-tra-tan-hoc-sinh/542882.vnp[2]

Phan Tuyết