Công an, VKS TP.HCM bỏ lọt tội phạm trong vụ án chiếm đoạt 12 tỷ đồng?

14/11/2014 10:08
Hải Ninh
(GDVN) - Hiến pháp 2013 quy định nguyên tắc điều tra, xét xử phải theo hướng "suy đoán vô tội" nhưng Công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM lại làm điều ngược lại...

Có nhiều bằng chứng cho thấy, cả Tổng giám đốc và Chủ tịch Công ty TNHH L&M Foundation Specialist Việt Nam đều tham gia vào đường dây chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng nhưng không bị khởi tố. 

Trong khi đó, kế toán trưởng của Công ty là nạn nhân lại phải “chịu trận” khi bị cả Công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh khởi tố, truy tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin phân tích vụ việc dưới góc nhìn pháp lý, khách quan và đa chiều như sau:

Lãnh đạo liên minh “rút tiền”, kế toán phải chịu tội?

Ngày 01/8/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an TP.Hồ Chí Minh ra Quyết định số 319-01 khởi tố vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH L&M Foundation Specianlist Việt Nam (Công ty L&M Việt Nam) trụ sở tại quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh).

Ngày 01/8/2013, Cơ quan CSĐT – Công an TP.HCM ban hành Quyết định khởi tố bị can số 635-50 đối với bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, nguyên Kế toán trưởng Công ty L&M Việt Nam về hành vi “giả mạo hồ sơ, tài liệu, chứng từ để chuyển tiền từ tài khoản của Công ty L&M Việt Nam sang tài khoản Công ty TNHH MTV Đại Hồng Tùng (Công ty Đại Hồng Tùng), sau đó rút ra chiếm đoạt một số tiền lớn của Công ty L&M Việt Nam”.

Ngày 29/7/2014, Cơ quan CSĐT-Công an TP.HCM ban hành Kết luận điều tra số 319-25/KLĐT-PC46 (Đ9) do Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký với nội dung: Trong thời gian làm kế toán, bà Tuyết lợi dụng ông Yee Lip Chee (Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam) không biết tiếng Việt, quản lý đơn vị lỏng lẻo, biết được việc vay vốn của công ty mẹ ở nước ngoài và phải trả nợ, việc cam kết giữa Công ty và ngân hàng trong việc chuyển tiền chỉ cần bản scan…Ngoài ra, Nguyễn Thị Bạch Tuyết còn làm giả bản cam kết ngày 05/1/2010, giữa Tuyết và ông Yee để đối phó và trình bày số tiền rút ra được đưa cho ông Yee… Hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự….

Có nhiều bằng chứng cho thấy ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam là người biết rõ và trực tiếp thực hiện, chỉ đạo và hưởng lợi từ phi vụ "rút tiền" của Công ty nhưng đến nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tự do ra nước ngoài.
Có nhiều bằng chứng cho thấy ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam là người biết rõ và trực tiếp thực hiện, chỉ đạo và hưởng lợi từ phi vụ "rút tiền" của Công ty nhưng đến nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tự do ra nước ngoài.

Đến ngày 05/9/2014, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã ban hành Cáo trạng số 393/CTr-VKS-P1 do Phó Viện trưởng Nguyễn Nhật Nam ký với nội dung truy tố Nguyễn Thị Bạch Tuyết ra trước Tòa án nhân dân TP.HCM để xét xử về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4, Điều 139 Bộ luật hình sự.

Phần kết luận của cáo trạng khẳng định: Bằng thủ đoạn gian dối, dùng dấu chữ ký trên chứng từ lệnh chuyển tiền bằng bản fax và scan, từ ngày 01/02/2010 đến ngày 31/03/2012, Nguyễn Thị Bạch Tuyết với vị trí Kế toán trưởng của Công ty L&M Việt Nam  đã 51 lần fax và scan lệnh chuyển tiền của Công ty L&M Việt Nam từ 2 Ngân hàng OCBC và Ngân hàng UOB vào tài khoản số 086.10.00082.002 của Công ty Đại Hồng Tùng do Tuyết là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản để chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng của Công ty L&M Việt Nam…

Trong quá trình điều tra và sau khi nhận được Kết luận, Cáo trạng, bà Tuyết và gia đình đã gửi nhiều đơn khiếu nại, đơn kêu oan đến cơ quan có thẩm quyền phản ánh về việc: Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm sai lệch hồ sơ, bỏ lọt tội phạm dẫn đến việc kết luận oan sai tội trạng đối với bà Tuyết.

Cụ thể, theo quy định của Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội phải có thủ đoạn gian dối đối với người có tài sản hoặc người quản lý tài sản. Tuy nhiên, tất cả các chứng cứ đều cho thấy, bà Tuyết đã không gian dối đối với Công ty TNHH L&M Việt Nam cũng như với ông Wong Kong Hee (Chủ tịch Công ty) và ông Yee Lip Chee (Tổng giám đốc) để âm mưu nhằm chiếm đoạt tài sản của Công ty L&M Việt Nam.

Bởi, trong lý lịch tự khai của bà Tuyết khi nộp đơn và hồ sơ xin việc vào Công ty L&M Việt Nam tháng 4/2010 có ghi rõ: từ tháng 8/2005 đến tháng 6/2008 làm việc tại Công ty Đại Hồng Tùng với chức danh kế toán trưởng.

Ông Wong Kong Hee, Chủ tịch của Công ty L&M Việt Nam xác nhận trong lời khai của mình với Cơ quan CSĐT là: “Nhân viên công ty có in cho tôi đơn kèm theo lý lịch cá nhân của chị Tuyết, xắp xếp phỏng vấn chị Tuyết vào lúc 12h ngày 02/12/2009; Bà Tuyết do tôi trực tiếp phỏng vấn, tôi không coi các văn bằng của bà Tuyết, chỉ phỏng vấn các công việc phải làm cho Công ty, tôi thấy đáp ứng các yêu cầu cho nên chấp nhận bà Tuyết với mức lương khởi điểm là 18.000.000 đồng/tháng, sau 2 tháng thử việc sẽ trả 22.000.000 đồng/tháng”. Hợp đồng lao động của Tuyết do ông Yee Lip Chee ký ngày 01/1/2010.

Như vậy, cả 2 ông Wong Kong Hee và Yee Lip Chee đều biết bà Tuyết là kế toán của Công ty Đại Hồng Tùng, điều này cũng phù hợp với lời khai của ông Yee Lip Chee: “Theo thông tin do chính bà Tuyết cung cấp trong sơ yếu lý lịch khi xin việc vào công ty chúng tôi thì bà Tuyết là kế toán trưởng của Công ty Đại Hồng Tùng từ tháng 8/2005 đến tháng 6/2008”.

Vì vậy, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng, các ông Wong Kong Hee và Yee Lip Chee không biết Công ty Đại Hồng Tùng là công ty nào, mối liên hệ giữa công ty này và Nguyễn Thị Bạch Tuyết là trái với lời khai của các đối tượng.

Ký hàng chục lần, lĩnh hàng tỷ đồng nhưng “chối bay” không biết “vì sao lại ký”

Tại kết luận của Cáo trạng số 393 có nêu: “Bằng thủ đoạn gian dối dùng dấu chữ ký trên chứng từ lệch chuyển tiền bằng bản fax và scan từ ngày 01/02/2010 đến 31/03/2012, Nguyễn Thị Bạch Tuyết với vị trí Kế toán trưởng của Công ty TNHH L&M Việt Nam đã 51 lần fax và scan lệnh chuyển tiền Công ty TNHH L &M Việt Nam từ hai ngân hàng OCBC và UOB vào tài khoản 086.10.000.82.002 của Công ty Đại Hồng Tùng do Tuyết là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản mở tại Ngân hàng TMCP An Bình – phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi, chiếm đoạt tổng cộng: 12.747.022.464 đồng của Công ty TNHH L&M Việt Nam”. Kết luận nêu trên là không có cơ sở bởi:

Ông Wong Kong Hee và ông Yee Lip Chee cũng thừa nhận chữ ký của mình tại các phiếu yêu cầu chuyển tiền ngày 30/01/2010 cho Công ty Đại Hồng Tùng số tiền 556.706.842 đồng; phiếu yêu cầu chuyển tiền ngày 01/02/2010 chuyển cho Công ty Đại Hồng Tùng số tiền 509.040.128 đồng; phiếu yêu cầu chuyển tiền ngày 17/3/2010 chuyển cho Công ty Đại Hồng Tùng số tiền là 493.275.494 đồng.

Theo chính lời khai của 02 ông Yee, Wong và phía Ngân hàng (được cam kết trong hợp đồng giữa Công ty L&M Việt Nam và Ngân hàng), mỗi lần chuyển số tiền nhiều hơn 400.000.000 đồng (hoặc trên 20.000USD) thì phải có chữ ký của cả 2 ông này, Ngân hàng sẽ điện thoại cho ông Wong Kong Hee hoặc ông Yee Lip Chee để xác nhận lại trước khi chuyển tiền đi.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát ND TP.Hồ Chí Minh có nhiều tình tiết mâu thuẫn, suy diễn theo hướng buộc tội bị can và bỏ lọt tội phạm.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát ND TP.Hồ Chí Minh có nhiều tình tiết mâu thuẫn, suy diễn theo hướng buộc tội bị can và bỏ lọt tội phạm.

Khi ký với lệnh chuyển tiền hàng tỷ đồng, chắc chắn cả ông Wong và ông Yee phải biết rõ nội dung là chuyển tiền cho Công ty Đại Hồng Tùng, giả sử có không biết thì Ngân hàng cũng nhiều lần gọi trực tiếp lại cho 02 ông xác nhận. Như vậy, không có lý do nào để nói ông Yee và ông Wong không biết Công ty Đại Hồng Tùng và việc chuyển tiền trên.

Mặc dù thừa nhận mình ký nhưng khi giải thích với Cơ quan điều tra, cả 2 ông này đều đồng thanh “không hiểu vì sao ký”(?!). Cách giải thích như vậy của ông Wong Kong Hee trước pháp luật là khó chấp nhận vì có thể ông Wong bị nhầm lẫn một lần nhưng ở đây ông đã ký trực tiếp vào phiếu chuyển tiền 3 lần liên tiếp và trong phiếu ghi rõ chuyển cho Công ty Đại Hồng Tùng. Ông này cũng thú nhận là các phiếu yêu cầu chuyển tiền này không phải do bà Tuyết chuyển đến cho mình ký mà là người khác.

Không hiểu căn cứ vào đâu mà cả cơ quan điều tra và VKS lại có cơ sở tin vào lời khai “không hiểu vì sao ký” rất thiếu thuyết phục, đầy mâu thuẫn này của các đối tượng này?

Chưa hết, ngay tại các phiếu chuyển tiền của Công ty L&M Việt Nam cho Công ty Đại Hồng Tùng qua Ngân hàng OCBC do ông Yee Lip Chee ký, ông Yee đã tự nhận chính tay mình ký vào 25 phiếu chuyển tiền (các phiếu chuyển này đều có số tiền là 240 triệu đồng). 

Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật KHHS - Công an TP.HCM và kết luận giám định của Phân Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh cũng kết luận: 25 chữ ký do Yee Lip Chee ký trực tiếp trên phiếu chuyển tiền (không có việc giả mạo), 5 phiếu chuyển tiền gốc đóng dấu chữ ký của ông Yee, 12 phiếu chuyển tiền do cơ quan điều tra yêu cầu giám định là chữ ký photo, 4 lệnh chuyển tiền là chữ ký photo mờ nhòe nên không giám định được.

Như vậy, chỉ có 5/51 phiếu chuyển tiền được cơ quan giám định xác định là “đóng dấu chữ ký của ông YEE LIP CHEE” nhưng cơ quan giám định cũng cho biết phần dấu tròn đỏ trên các phiếu chuyển tiền này là dấu thật, được đóng trên con dấu của chính công ty.

Theo kết quả này, việc kết luận “bằng thủ đoạn gian dối dùng dấu chữ ký trên chứng từ lệch chuyển tiền bằng bản fax và scan…” thì VKS cũng chỉ có cơ sở xem xét trên 5 phiếu chuyển tiền được cơ quan giám định xác định đóng dấu chữ ký của ông Yee chứ không thể là “51 lần đóng dấu chữ ký”.  

Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà Viện KSND lại cố tình kết luận những căn cứ không có thật theo hướng “buộc tội”, “suy đoán có tội” và “bắt phải có tội” cho bị can.

Điều kỳ lạ là, trong toàn bộ bản kết luận điều tra và bản cáo trạng cũng không có một dòng nào nói về việc xác định ai đóng dấu chữ ký “giả mạo” vào 5 phiếu chuyển tiền cụ thể này. Diễn biến của việc đóng dấu giả này như thế nào? con dấu chữ ký giả kia ở đâu ra, ai làm; nhân chứng nào nhìn thấy bà Tuyết sử dụng con dấu giả này để đóng vào 5 phiếu chuyển tiền … 

Một trong những căn cứ quan trọng nhất để xác định “đóng dấu chữ ký” là việc tìm ra và thu giữ con dấu chữ ký này cũng không được CQĐT và VKS đặt ra, không một chữ nào trong cáo trạng và kết luận điều tra nhắc tới vật chứng có ý nghĩa quyết định này.

Vậy, tại sao cả kết luận điều tra và cáo trạng của VKS vẫn giữ quan điểm truy tố Nguyễn Thị Bạch Tuyết  “bằng thủ đoạn gian dối dùng dấu chữ ký trên 51 chứng từ lệch chuyển tiền bằng bản fax và scan”, “chiếm đoạt tổng cộng: 12.747.022.464 đồng của Công ty TNHH L&M Việt Nam”? Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) kết luận này không những trái với sự thật khách quan mà còn mâu thuẫn với chính kết luận điều tra và cáo trạng của VKS, nó cũng thể hiệu một thói quen làm án theo kiểu "cầu may", "gắp lửa bỏ tay người" trước tòa của một số cá nhân yếu về nghiệp vụ, thiếu về đạo đức nhưng lại được pháp luật trao quyền.

Cũng theo lời khai của ông Yee Lip Chee: “Khi tôi ký các lệnh chuyển tiền thì tôi có nhìn thấy chữ đánh máy chuyển tiền cho Công ty Đại Hồng Tùng, tôi có hỏi bà Tuyết sao lại chuyển tiền cho công ty này thì bà Tuyết giải trình là có quan hệ mua bán vật liệu xây dựng, hoàn toàn tôi không biết Công ty Đại Hồng Tùng là của bà Tuyết.. Bà Tuyết là người duy nhất trình tôi ký lệnh chuyển tiền. Hiện nay Công ty L&M Việt Nam không có các chứng cứ kèm theo lệnh chuyển tiền này”. Ông Wong Kong Hee khai: “Về nguyên tắc, khi chuyển tiền cho đơn vị nào thì phải có hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu chi tiền, giấy đề nghị thanh toán…”.

Như chính các đối tượng này khai thì quy trình để ký các phiếu chuyển tiền này khá phức tạp, chặt chẽ thì cơ sở nào để tin rằng họ không biết, không chỉ đạo và tham gia vào việc chuyển tiền này? Các tài liệu, chứng từ mà Yee nói "không còn lưu trữ tại công ty" hiện nay ở đâu?

Và với việc thừa nhận ký 25 lần chuyển tiền với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng, trong đó có ít nhất 03 lần Ngân hàng đã gọi điện lại xác nhận nội dung thì không ai có thể tin được rằng ông Yee Lip Chee và ông Wong Kong Hee không biết gì sự việc.

Cũng theo Luật sư Kiệm, nếu các đối tượng người nước ngoài có sẵn mục đích gian dối cứ ký vào các chứng từ và ung dung chiếm đoạt tiền của các công ty nước ngoài, khi bị phát giác lại khai “không biết vì sao ký”; “không biết tiếng Việt Nam”.. sau đó là đổ tội cho kế toán mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát lại “thông cảm”, “chia sẻ”, “đồng ý”.. sau đó xử lý hình sự những người đồng bào “máu đỏ da vàng” của mình thì sẽ tạo ra một tiền lệ cực kỳ xấu trong một xã hội pháp quyền, cho môi trường đầu tư….

Cần làm rõ đối tượng “chủ mưu” trong vụ án

Một tài liệu quan trọng mà có thể dùng làm căn cứ để điều tra theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” cho bị can (mà Hiến pháp 2013 đã quy định) lại không được Cơ quan CSĐT xem xét nghiêm túc, thậm chí cố tình suy diễn, bác bỏ. Đó là, Bản cam kết ngày 05/01/2010 do ông Yee Lip Chee ký tên và đóng dấu có nội dung: “1. Công ty L&M Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nhập một số lượng máy móc thiết bị cũ về Việt Nam trị giá khoảng 2 triệu USD của Công ty mẹ tại Singapo, để hợp thức hóa việc tăng vốn đầu tư nhưng Công ty L&M Việt Nam phải trả cho Công ty mẹ bằng tiền mặt; 2. Ông Yee Lip Chee sẽ chuyển khoản số tiền cần thiết đến tài khoản số 086.10.00082.002 tại Ngân hàng An Bình do bà Tuyết đứng tên; 3. Theo đó, bà Tuyết sẽ được hưởng một khoản tiền tương ứng 3% tổng số tiền đã chuyển vào tài khoản nêu trên theo từng lần chuyển khoản…”.

Ông Yee Lip Chee xác nhận vào bản cam kết với nội dung chỉ đạo cho bà Tuyết rút tiền từ Công ty Đại Hồng Tùng sau đó đưa lại cho ông Yee Lip Chee và được hưởng 3%/lần. Cơ quan Công an trưng cầu giám định 02 cấp đều cho kết quả là chữ ký thật, trực tiếp của ông Yee và dấu đóng của Công ty nhưng cả công an và VKS "cực lực bác bỏ"
Ông Yee Lip Chee xác nhận vào bản cam kết với nội dung chỉ đạo cho bà Tuyết rút tiền từ Công ty Đại Hồng Tùng sau đó đưa lại cho ông Yee Lip Chee và được hưởng 3%/lần. Cơ quan Công an trưng cầu giám định 02 cấp đều cho kết quả là chữ ký thật, trực tiếp của ông Yee và dấu đóng của Công ty nhưng cả công an và VKS "cực lực bác bỏ"

Sau 02 lần trưng cầu giám định của Cơ quan Công an về Bản cam kết ngày 05/1/2010 đều khẳng định: là chữ ký trực tiếp của ông Yee Lip Chee và đóng dấu đỏ của Công ty TNHH L&M Việt Nam cùng dấu tên của ông Yee Lip Chee. “Không phát hiện thấy dấu vết tẩy xóa sửa chữa trên tài liệu ký hiệu A59, …..chữ có nội dung “Tôi cam kết thực hiện theo thỏa thuận đã ký giữa hai bên,…ngày….tháng….năm (ký tên đóng dấu) là không được soạn thảo cùng font chữ so với các nội dung còn lại trên tài liệu ký hiệu A59”. Như vậy, bản cam kết này là thật vì không có bằng chứng được làm giả.

Tại trang 16 Kết luận điều tra số 319-25/KLĐT-PC46 (Đ9), CQĐT chụp mũ: "Nội dung thể hiện trong Bản cam kết ngày 05/01/2010, giữa Nguyễn Thị Bạch Tuyết và ông Yee Lip Chee (ký hiệu A59) là văn bản giả mạo".

Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát số 393/CT2-VKS-P1 ngày 05/9/2014 tại phần đầu trang 6 mặc dù không phủ nhận thô thiển như CQĐT nhưng cũng suy diễn: “Ngày 30/01/2010, Tuyết mới mở tài khoản số 086.10.00082.002 tại Ngân hàng TMCP An Bình – Phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi. Ngày 05/01/2010 là ngày Yee Lip Chee ký bản cam kết thì làm sao biết được trước số tài khoản của Tuyết mở ngày 30/01/2010 để ghi vào trong bản cam kết ngày 05/01/2010”.

Về điều này, trong các bản khai của mình tại Cơ quan điều tra, bà Tuyết đã nhiều lần khai rõ: Sau buổi làm việc ngày 05/01/2010, giữa ông Yee Lip Chee và bà Tuyết tại trụ sở công ty, Tuyết đã về làm thủ tục mở tài khoản tại Ngân hàng để ông Yee Lip Chee chuyển tiền từ tài khoản Công ty L&M sang tài khoản của Tuyết tại Ngân hàng và sau khi đã chuyển tiền, Tuyết có yêu cầu ông Yee Lip Chee đưa mình bản cam kết. Sau đó ông Yee đưa cho bà Tuyết bản cam kết này thì chưa ghi ngày, tháng, năm. Tuyết có hỏi thì ông Yee trả lời ghi ngày thỏa thuận trong văn bản là ngày 05/01/2010 và Tuyết đã viết : “TPHCM ngày 05 tháng 01 năm 2010” vào bản cam kết này.

Tuy nhiên, các lời khai rất hợp lý phù hợp với kết quả của 2 cấp giám định này của bà Tuyết lại không hề được cả CQĐT và VKS xem xét, đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng?

Như vậy, tất cả các bằng chứng cho thấy rằng, ông Yee Lip Chee (Tổng giám đốc), ông Wong Kong Hee (Chủ tịch) đều biết rõ vụ việc, ngay từ đầu đã tham gia vào quá trình chuyển tiền là những đối tượng chủ mưu của vụ án. Với vai trò là Kế toán trưởng, bà Tuyết phải có trách nhiệm “phục tùng mệnh lệnh” cấp trên. Do đó, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chỉ khởi tố mình bà Tuyết là bỏ lọt tội phạm; khởi tố, truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là oan sai.

Với yêu cầu của Quốc hội không làm oan sai, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm. Chống lạm dụng bắt tạm giam, bắt khẩn cấp; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình; yêu cầu điều tra vụ án hình sự phải áp dụng phương pháp suy đoán vô tội mà Hiến pháp năm 2013 đã đề cập tới, cũng như việc suy đoán phải theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì việc nhận định cơ sở để kết luận bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh là trái với những quy định của pháp luật.

Vì vậy, các cơ quan chức năng Trung ương cần vào cuộc ngăn chặn và hạn chế kịp thời những vi phạm của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh trong vụ án này.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích sâu hơn về những vi phạm tố tụng trong khi giải quyết vụ án này ở các kỳ tiếp theo.

Hải Ninh