Những thành tựu nghiên cứu về biến đổi khí hậu

28/10/2012 10:56
Diện Hứa
(GDVN) - Biến đổi khí hậu là một vấn đề rất phức tạp mà loài người cần quá trình dài để nghiên cứu. Trong chặng đường đó, đã có rất nhiều thành tựu đánh dấu sự nhận thức ngày càng cao về biến đổi khí hậu.


Những nghiên cứu và phát hiện tiêu biểu về biến đổi khí hậu

1824 - Nhà vật lý học người Pháp, Joseph Fourier, miêu tả hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Ông viết: “Nhiệt độ của Trái Đất có thể tăng lên do sự thay đổi của các thành phần trong bầu không khí bởi sức nóng, trong quá trình chuyển hóa nhiệt năng, khí quyển hấp thụ nhiệt năng Mặt Trời nhiều hơn là phản xạ nó trở lại không gian vũ trụ".

Biến đổi khí hậu là vấn đề của mọi thời đại. Ảnh minh họa.
Biến đổi khí hậu là vấn đề của mọi thời đại. Ảnh minh họa.
1861 - Nhà vật lý học người Ai-len, John Tyndall, cho rằng hơi nước và một số loại khí là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hiệu ứng nhà kính. “Hơi nước như một tấm chăn cần thiết cho sự sống của cây cỏ trên Trái Đất hơn là cho con người”.  Hơn một thế kỉ sau, để tưởng nhớ tới Tyndall, tại Anh, người ta đã dùng tên của ông để đặt cho một tổ chức nghiên cứu khí hậu.

1896 - Nhà hóa học người Thụy Điển, Svante Arrhenius đưa ra kết luận rằng việc đốt than trong công nghiệp sẽ đẩy mạnh hiệu ứng nhà kính. Ông tưởng rằng điều này sẽ đem lại lợi ích cho các thế hệ tương lai. Kết luận của ông về mức độ ảnh hưởng của khí nhà kính nhân tạo gần như trùng khít với mô hình khí hậu ngày nay, nghĩa là nếu lượng CO2 tăng gấp đôi, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên vài oC.

1900 - Nhà khoa học khác người Thụy Điển, Knut Angstrom, khám phá ra rằng với một nồng độ cực nhỏ trong bầu không khí, CO2 có khả năng hấp thụ các tia hồng ngoại rất mạnh. Mặc dù ông chưa nhận ra được tầm quan trọng của hiện tượng này, dẫu sao thì ông cũng đã chỉ ra được một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính.

1938 - Sử dụng số liệu của 147 trạm khí tượng trên thế giới, kỹ sư người Anh Guy Callendar chỉ ra rằng nhiệt độ đã và đang tăng lên trong suốt thế kỷ qua. Ông cũng chỉ ra rằng nồng độ CO2 cũng tăng lên trong khoảng thời gian đó và đây có thể chính là nguyên nhân của sự ấm lên. Nhưng ‘hiệu ứng Callendar’ đã bị đông đảo các nhà khí tượng học thời đó không công nhận.

1955 - Sử dụng các thiết bị thế hệ mới trong đó có các máy tính điện tử đầu tiên, nhà nghiên cứu người Mỹ Gilbert Plass phân tích tỉ mỉ mức độ hấp thụ tia hồng ngoại của một số các loại khí. Ông kết luận rằng nếu nồng độ CO2 tăng gấp đôi, nhiệt độ sẽ tăng lên 3-4oC.

1990 - Báo cáo đánh giá lần thứ nhất của IPCC đã được đưa ra. Báo cáo đánh giá và đưa ra kết luận là trong suốt một thế kỉ qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên 0.3-0.6oC. Các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của con người đã thải nhiều khí nhà kính làm nồng độ khí nhà kính tăng cao hơn rất nhiều so với nồng độ tự nhiên của chúng trong khí quyển và đây là chính là nguyên nhân cơ bản gây ra sự nóng lên toàn cầu.

2001 - Báo Cáo đánh giá lần thứ 3 của IPCC đã đưa ra ‘các bằng chứng mới và mạnh mẽ hơn’ cho thấy các khí nhà kính do con người thải ra chính là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hiện tượng nóng lên diễn ra trong suốt nửa sau của thế kỉ 20.

2006 - Stern Review kết luận rằng ‘Biến đổi Khí hậu có thể gây thiệt hại đến GDP toàn cầu đến 20% nếu không cố gắng khắc phục - trong khi đó những cố gắng giảm tác nhân gây ra Biến đổi Khí hậu chỉ làm giảm 1% GDP toàn cầu’.

2007 - Báo Cáo lần thứ 4 của IPCC đánh giá và đưa ra kết luận cho thấy hơn 90% tác nhân gây ra Biến đổi Khí hậu ngày nay là do hoạt động của con người trong đó bao gồm các phát thải khí nhà kính.

2008 - Nửa thế kỉ sau  những quan sát đầu tiên ở Mauna Loa, dự án Keeling cho thấy rằng nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng rất nhanh, chỉ sau nửa thế kỷ đã tăng thêm 65ppm (từ 315ppm năm 1958 đến 380ppm năm 2008).


Thành quả nghiên cứu sâu sắc của viện khí tượng thủy văn ở Việt Nam

Trong những năm qua , Viện Khí tượng thủy văn (KTTV) đã thực hiện nhiều nội dung hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biến đổi khí hậu và Môi trường, trong đó có một số kết quả nổi bật sau:

1. Hoàn thành dự án „Nghiên cứu chiến lược giảm khí nhà kính với chi phí thấp nhất cho Châu Á“ (ALGAS) – Hợp tác với UNDP và ADB.

2. Hợp tác với UNEP, thực hiện "Thông báo Quốc gia của Việt Nam về Biến đổi khí hậu".

3. Hoàn thành các nghiên cứu với UNEP – RISO về chi phí giảm khí nhà kính.

4. Nghiên cứu xói mòn Tây Nguyên và xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long với Ủy hội Mê Kông quốc tế.

Những thành tựu nghiên cứu về biến đổi khí hậu đáng được trân trọng.
Những thành tựu nghiên cứu về biến đổi khí hậu đáng được trân trọng.

5. Hoàn thành dự án “Nghiên cứu chiến lược Quốc gia về cơ chế phát triển sạch”, hợp tác với AusAID và World Bank.

6. Hoàn thành Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế theo dõi chỉ số Đói nghèo – Môi trường“ hợp tác với UNDP và DFID.

7. Hoàn thành dự án nghiên cứu: “Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước sông Hương và chính sách thích ứng” do chính phủ Hà Lan tài trợ trong chương trình “Hỗ trợ nghiên cứu khí hậu Hà Lan (NCAP)”.

8. Hoàn thành dự án nghiên cứu hợp tác với Đan Mạch: “Lợi ích của việc thích nghi với biến đổi khí hậu của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, đồng bộ với phát triển nông thôn”.
Diện Hứa