Ông Duterte ngầm cảnh báo: Trung Quốc sẽ chiếm nốt các bãi cạn ở Nam Biển Đông?

07/04/2017 09:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Xét cả tham vọng lẫn thực lực và sự chuẩn bị trên thực tế, ai là kẻ thèm muốn "vồ lấy" các cấu trúc địa lý này, nếu không phải là Trung Quốc?

The Straits Times ngày 7/4 đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, ông có thể ra thị sát đảo Thị Tứ, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam, đảo này đang bị Philippines chiếm đóng trái phép cùng 8 cấu trúc khác) ngày 12/6 dự lễ chào cờ dịp kỷ niệm 119 năm Philippines độc lập.

Ông cũng ra lệnh cho quân đội của mình cố gắng củng cố 9 cấu trúc Philippines đang chiếm đóng ở Trường Sa. Tổng thống Philippines phát biểu tại một căn cứ quân sự trên đảo Palawan ngày hôm qua 6/4:

"Có vẻ như tất cả các bên đang cố gắng để lấy quần đảo này. Chúng ta hãy đòi lại những gì là của mình bây giờ, và dựng một tiền đồn mạnh ở đó, nơi thuộc về chúng ta.

Hiện có rất nhiều hòn đảo, tôi nghĩ là 9 hoặc 10. Chúng ta hãy đặt các cấu trúc và cắm cờ Philippines ở đó". [1]

Còn theo Reuters, ông Rodrigo Duterte nói rằng:

"Những cấu trúc còn trống là của chúng ta. Chúng ta hãy sống ở đó.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Kenyanwallstreet.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Kenyanwallstreet.

Có vẻ như tất cả các bên đang (tìm cách) vồ lấy các đảo này. Vì vậy tốt hơn hết là chúng ta nên đưa người đến những cấu trúc này khi chúng còn chưa bị chiếm.

Đó là những gì của chúng ta bây giờ, chúng ta đòi nó và xây dựng một tiền đồn mạnh ở đấy". [2]

Philippines hiện chiếm đóng (trái phép) 9 cấu trúc trong quần đảo Trường Sa, lớn nhất là đảo Thị Tứ với khoảng 100 người gồm dân cư và lính thủy đánh bộ.

Các cấu trúc địa lý còn lại chỉ có một vài người lính đóng giữ rời rạc trên các công trình bằng sắt và gỗ.

Bộ Quốc phòng Philippines cho hay, ông Rodrigo Duterte muốn quân đội nước này xây dựng doanh trại nhiều hơn, xây một cảng mới và sửa chữa đường băng và các công trình hiện có trên đảo Thị Tứ, xây dựng hải đăng, nhà máy xử lý nước và nước thải ở các tiền đồn này. [1]

Tổng thống "thích nói đùa"

Phát ngôn gây chú ý của ông Rodrigo Duterte được đưa ra trong bối cảnh ông Tập Cận Bình vừa đặt chân đến Hoa Kỳ và đang đàm phán với Tổng thống Donald Trump về các vấn đề song phương, quốc tế, trong đó rất có thể bao gồm cả Biển Đông.

Nó càng thu hút dư luận hơn vì từ khi bước vào Điện Manacanang, ông Rodrigo Duterte liên tục tìm cách tán tỉnh Trung Quốc, trong khi chỉ trích chính quyền Hoa Kỳ thời Tổng thống Barack Obama không tiếc lời.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về phát biểu này của ông Rodrigo Duterte.

Chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế viết trên Twitter:

Ông Duterte ngầm cảnh báo: Trung Quốc sẽ chiếm nốt các bãi cạn ở Nam Biển Đông? ảnh 2

Về "lỗ hổng chết người" trong chính sách của Tổng thống Duterte với Trung Quốc

"Duterte cũ rích, chỉ nói chứ không dám làm. Dường như ông Duterte phải chịu áp lực lớn hơn từ những chỉ trích trong nước về các vấn đề hàng hải.

Tôi có khuynh hướng tin rằng, bình luận mới nhất của ông ta bị lái bởi chính trị trong nước". [2]

Đài Sputnik của Nga ngày 6/4 cũng đăng bài phỏng vấn Tiến sĩ John Rennie từ Đại học Maryland về phát biểu này của ông Rodrigo Duterte. Vị học giả này nói:

"Đây là chuyện rất lạ, vì mấy tháng qua ông Duterte khuyến khích mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Vì vậy, việc tăng cường quân sự tại các cấu trúc Philippines kiểm soát ở Trường Sa sẽ làm tăng phiền toái cho người Trung Quốc".

Ông cho rằng, hiện tại Bắc Kinh đang đánh giá tình hình và các lựa chọn:

"Họ (Trung Quốc) được coi là có mối quan hệ gần gũi và sâu sắc với Duterte, Philippines và sự công nhận của ông ấy với yêu sách của họ ở Biển Đông.

Vì vậy, đây có vẻ là một động thái khiêu khích. Ông Duterte thuộc tuýp chính khách không thể đoán trước, kể cả trong lời nói và hành vị.

Trước đó ông từng đưa ra các tuyên bố gây sốc về Tổng thống Obama, về Hoa Kỳ. Vì vậy, ông là điều tồi tệ nhất đối với đồng minh Trung Quốc do tính cách khó đoán.

Lúc đầu, bạn nghĩ ông ấy là bạn của mình, nhưng bây giờ nó có vẻ như ông ấy đang tham gia vào hành vi khiêu khích bạn.

Đây có thể là một kế hoạch để thu hút sự chú ý từ dư luận Philippines khỏi các vấn đề trong nước bằng vấn đề quốc tế, vì vậy động thái này nhằm mục đích đối nội nhiều hơn là một động thái địa chính trị khu vực đích thực".

Tiến sĩ John Rennie cho biết thêm, không có nhân viên quân sự Philippines nào được điều động, đó chỉ là võ mồm. [3]

Bình luận của Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc

Xã luận Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/4 viết:

"Bình thường ông Rodrigo Duterte ăn nói tương đối tùy tiện, cũng có khá nhiều các lãnh đạo quốc gia trong những tình huống khác nhau, phát ngôn của họ thường có các trọng tâm khác nhau.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện ở Scarborough, ảnh: ABS CBN News.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện ở Scarborough, ảnh: ABS CBN News.

Ví như trước phát ngôn vừa nêu, ông Rodrigo Duterte từng châm biếm Hạ nghị sĩ Gary Alejano đòi Tổng thống Philippines phải chống lại (yêu sách bành trướng của) Trung Quốc, rằng:

"Gary Alejano muốn đánh Trung Quốc, cứ để ông ta dẫn đầu".

Mọi người cần chú ý, phát biểu cứng rắn của ông Duterte hôm 6/4 không nhắc trực tiếp tên Trung Quốc, cũng không nhắc đến Scarborough. 

Ngoài ra, dư luận cho rằng Philippines kiểm soát thực tế 8 cấu trúc ở Trường Sa, nhưng phía Manila lại thường xuyên nhấn mạnh họ kiểm soát 9 cấu trúc.

Hôm 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng lưu ý thêm, Philippines đã bố trí hải quân đóng giữ 9 cấu trúc này.

Nói chung, khẩu khí của ông Duterte trong phát biểu ngày 6/4 khá mạnh.

Điều này có khả năng nhằm đáp ứng lại những quan điểm cứng rắn (về Biển Đông và Trung Quốc bành trướng) trong dư luận nội bộ Philippines, đặc biệt là phía quân đội.

Ông Rodrigo Duterte phát biểu tại một doanh trại quân đội ngày hôm qua, nhưng xem nội dung thì những giải pháp ông nói không có nhiều khả năng gây mâu thuẫn trực tiếp với Trung Quốc.

Ông Duterte ngầm cảnh báo: Trung Quốc sẽ chiếm nốt các bãi cạn ở Nam Biển Đông? ảnh 4

Tạp chí hải quân Trung Quốc: Bắc Kinh đã đảm bảo thống trị quân sự ở Biển Đông

Đảo Thị Tứ đã có sân bay từ lâu, hiện tại nếu có xây dựng thêm cũng không phải là chuyện gì tối kị.

Khả năng gây mâu thuẫn lớn nhất với Trung Quốc trong tuyên bố của ông Duterte là, ý định dùng tàu mới để thay con tàu cũ đánh chìm tại bãi Cỏ Mây.

Nếu quả thực Philippines làm như vậy, chắc chắn Trung Quốc sẽ ngăn cản. Ngoài ra, nếu Rodrigo Duterte ra đảo Thị Tứ chào cờ, Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ phản đối.

Xung quanh vấn đề Biển Đông, dư luận nội bộ Philippines có nhiều lực lượng khác nhau đang giằng co. Phát ngôn và hành động của ông Duterte rất khó bảo đảm sự nhất quán trong thời gian dài.

Nhưng chính sách của ông Duterte với Biển Đông kể từ khi lên nắm quyền đến nay là cơ bản ổn định, tương lai cũng sẽ không có biến động nhiều.

Không thể nói vì phát ngôn hôm 6/4 mà chính sách của Duterte với vấn đề Biển Đông đã thay đổi. Nhưng phát biểu lần này của ông ấy về Biển Đông rõ ràng khác trước.

Cứ theo phong cách lâu nay của ông ta, thì nhiều khả năng phát biểu hôm 6/4 chỉ mang tính tình huống, tạm thời, đặc biệt là trong bối cảnh hợp tác Trung Quốc - Philippines đang diễn ra thuận lợi.

Tuy nhiên, chính trị nội bộ Philippines rất phức tạp, chủ trương ôn hòa với Trung Quốc của ông Duterte phải đối mặt với nhiều áp lực, tới đây ông ấy sẽ nói đến Biển Đông như thế nào, cần phải quan sát thêm.

Việc Rodrigo Duterte có ra đảo Thị Tứ kéo cờ hay hải quân nước này có dùng tàu mới thay tàu cũ ở bãi Cỏ Mây hay không sẽ là một động thái rất quan trọng.

Nếu Philippines làm vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải phản đối". [5]

Ẩn ý sâu xa của Tổng thống Duterte

Khá thú vị là cả 2 học giả phương Tây được báo Anh (Reuters), báo Nga (Sputnik) phỏng vấn hoặc dẫn lời, lẫn Thời báo Hoàn Cầu - Trung Quốc đều có chung nhận định: ông Duterte phát biểu những điều này là để giảm áp lực chính trị, hay "lái" dư luận trong nước.

Cá nhân người viết xin không bàn về bình luận này, nhưng đặc biệt cảm thấy cần lưu ý một thông điệp khác ông Duterte thầm nhắn gửi:

"Có vẻ như tất cả các bên đang (tìm cách) vồ lấy các đảo này". 

Đúng như Thời báo Hoàn Cầu nói, Tổng thống Duterte không chỉ đích danh Trung Quốc trong phát biểu này.

Ông Duterte ngầm cảnh báo: Trung Quốc sẽ chiếm nốt các bãi cạn ở Nam Biển Đông? ảnh 5

Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma

Nhưng xét cả tham vọng lẫn thực lực và sự chuẩn bị trên thực tế, ai là kẻ thèm muốn "vồ lấy" các cấu trúc địa lý này, nếu không phải là Trung Quốc?

Và rõ ràng, các cấu trúc ấy không phải của họ mà thuộc về nước khác, thì họ mới toan tính "vồ lấy".

Rõ ràng xét về khả năng, thực lực cũng như bối cảnh chính trị Philippines và cục diện Biển Đông hiện nay, rất khó có thể xảy ra những chuyện ông Duterte nói:

Ra đảo Thị Tứ kéo cờ, chiếm các cấu trúc địa lý ngập dưới mặt nước ở Trường Sa hiện chưa có bên nào đóng giữ.

Ông Duterte cũng nhiều lần công khai thừa nhận chuyện này. Nhưng ông vẫn nói những chuyện "viễn tưởng", thiết nghĩ không nằm ngoài mục đích cảnh báo cả khu vực Đông Nam Á lẫn Hoa Kỳ, Nhật Bản và những quốc gia nào có lợi ích trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông:

Bắc Kinh sẽ chờ thời cơ "vồ lấy" các cấu trúc địa lý ngập dưới mặt nước ở phía Nam Biển Đông chưa bên nào đóng giữ.

Xin lưu ý rằng, những cấu trúc ông Duterte gọi là "đảo" trong phát biểu của mình là không chính xác, bởi không có đảo hay cấu trúc địa lý nào nổi trên mặt nước ở Trường Sa hiện nay không có người đóng giữ.

Chuyện này đã từng xảy ra đầu những năm 1980 và đỉnh điểm là cuộc xâm lược đảo Gạc Ma cùng 5 cấu trúc địa lý khác ở Trường Sa năm 1988.

Năm 1995 Trung Quốc lặp lại chước cũ với đá Vành Khăn, và năm 2012 là bãi cạn Scarborough.

Còn hiện tại, ngày 5/4 tờ The Guardian, Anh quốc đưa tin, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã duy trì một sự hiện diện gần như liên tục xung quanh cụm bãi cạn Luconia, phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Borneo, Malaysia chỉ 145 km.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, 3 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc liên tục "tuần tra" quanh cụm bãi cạn Luconia, đây là các bãi cát ngầm và rặng san hô. 

Lực lượng chức năng Malaysia tìm cách xua đuổi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này, ảnh: Peace and Freedom.
Lực lượng chức năng Malaysia tìm cách xua đuổi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này, ảnh: Peace and Freedom.

Tàu Trung Quốc chở theo lính có vũ trang, hộ tống các tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở cụm bãi cạn Luconia trước đây, năm 2015 lúc cao điểm nhất có 11 tàu Trung Quốc hoạt động tại khu vực này.

Tháng Ba 2016, Malaysia đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến và yêu cầu giải thích, tại sao có số lượng lớn tàu thuyền mang cờ Trung Quốc lởn vởn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia.

Trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ có 1 tàu tuần tra của Malaysia tuần tiễu quanh bãi ngầm Luconia nhằm theo dõi sự hiện diện của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc. [6]

Người viết cho rằng, cũng giống như trường hợp Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma và 5 cấu trúc địa lý ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Bắc Kinh đã lên kế hoạch từ rất lâu, điều tra thực địa kỹ càng từ mấy năm trước đó.

Trung Quốc chuẩn bị đầy đủ lực lượng và chờ thời cơ thích hợp là "vồ lấy", đúng như cách ông Duterte miêu tả, theo bản tin của Reuters.

Một trong những động thái có thể xem như là dấu hiệu cho sự "chuẩn bị vồ lấy" đã được Reuters đề cập hôm 6/4, chiến đấu cơ J-11 Trung Quốc hiện diện (bất hợp pháp) trên sân bay ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) đúng lúc ông Tập Cận Bình đi Mỹ. [5]

Kịch bản nay hoàn toàn có thể lặp lại với các cấu trúc địa lý là các bãi cạn, các bãi cát ngầm, các rặng san hô nằm dưới mặt nước biển ở Trường Sa cũng như thềm lục địa các nước ven Biển Đông.

Khi nào nội bộ đối phương rối loạn, vai trò và sự hiện diện của các siêu cường khác ở Biển Đông suy yếu hoặc bị sa lầy vào các điểm nóng khác, hoặc giả Bắc Kinh đàm phán, đổi chác được với Mỹ, đó sẽ là thời cơ để Trung Quốc ra tay.

Chiếm được các thực thể này rồi thì chẳng mấy chốc nó sẽ biến thành đảo nhân tạo. Và đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947, cũng tự nhiên bị Bắc Kinh biến thành hiện thực.

Do đó, phát biểu của Tổng thống Philippines có lẽ là một thông điệp cảnh báo cho cả khu vực Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/duterte-to-plant-flag-in-south-china-sea

[2]http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/philippines-rodrigo-duterte-orders-occupation-of-isles-in-disputed-south-china-sea

[3]https://sputniknews.com/asia/201704061052374611-duterte-statement-on-south-china-sea/

[4]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-04/10436526.html

[5]http://www.express.co.uk/news/world/788923/south-china-sea-dispute-chinese-fighter-jet-spotted-trump-jinping-meeting

[6]https://www.theguardian.com/world/2017/apr/05/chinese-patrol-ships-keep-presence-around-malaysian-reefs

Hồng Thủy