Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ lớn

02/05/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Buông lỏng quản lý khiến 12 dự án, nhà máy thuộc ngành Công Thương lâm vào cảnh thua lỗ, đình trệ, do đội vốn quá cao.

Ngày 21/4, Tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc về tiến độ xử lý các tồn tại, yếu kém ở một số dự án và doanh nghiệp ngành công thương, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng yêu cầu phải làm rõ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan với các dự án mà trong quá trình đầu tư có sự thay đổi so với phê duyệt ban đầu và không đúng pháp lý.

“Việc đánh giá từng dự án cũng phải làm rõ trách nhiệm, tại sao để xảy ra chậm trễ, khó khăn trong xử lý vướng mắc bắt nguồn từ đâu và nguyên nhân là gì?” - ông Dũng nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến – Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) nhận định, chỉ đạo của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật cá nhân vi phạm trong Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một trong những dự án thua lỗ lớn của ngành Công Thương. ảnh: Công Thành/Báo Đấu Thầu.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một trong những dự án thua lỗ lớn của ngành Công Thương. ảnh: Công Thành/Báo Đấu Thầu.

Phải có người chịu trách nhiệm

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho biết, điểm chung của 12 dự án kém hiệu quả gây bức xúc dư luận thời gian qua là đều sử dụng vốn ngân sách nhà nước, được đầu tư bởi các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Công thương quản lý.

Trong số 12 dự án chỉ có 6 dự án đang vận hành nhưng thua lỗ, 3 dự án dừng thi công và 3 dự án dừng sản xuất do giá thành cao và dẫn tới thua lỗ lớn. 

Nhìn vào Luật đầu tư 2014, Luật đầu tư công 2014 hay Luật đầu tư 2005 trước đây, có thể thấy các dự án được kiểm soát rất chặt chẽ từ giai đoạn hình thành phê duyệt chủ trương đầu tư, tới báo cáo khả thi và thẩm tra, hoạt động đấu thầu, giám sát và thẩm định đầu tư. 

Ngay từ Luật đầu tư 2005 tại Điều 71 đã quy định: “Tổ chức, cá nhân được giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chịu trách nhiệm bảo toàn, phát triển và sử dụng vốn có hiệu quả”, phải hoạt động theo sự quản lý của nhà nước. 

Hơn nữa, ngay từ Luật đầu tư 2005, Điều 81 đã ràng buộc trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư: Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư đối với lĩnh vực được phân công.

Trong Luật đầu tư từ 2005 cũng quy định, cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư phải tổ chức việc theo dõi, đánh giá và báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt Luật đã quy định tại Điều 87 là người có hành vi vi phạm luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Đối với 12 dự án đầu tư đầu tư kém hiệu quả tại Bộ Công thương, trách nhiệm đầu tiên trước hết và rất rõ ràng chính là cá nhân đại diện phần vốn nhà nước tại các tổng công ty nhưng sử dụng nguồn vốn không hiệu quả sẽ phải nhận trách nhiệm trực tiếp. 

Liên đới cũng có phần trách nhiệm của Bộ Công thương khi đã chưa quản lý, đánh giá và giám sát hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn tại các đơn vị thành viên”, ông Chiến phân tích.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng không nên níu kéo dự án yếu kém - ảnh nhân vật cung cấp.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng không nên níu kéo dự án yếu kém - ảnh nhân vật cung cấp.

Thạc sĩ Chiến cho rằng, chính từ việc căn cứ vào quy định của luật nên khi xảy ra thua lỗ nghiêm trọng tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 cũng như cá nhân ông Đinh La Thăng.

“Trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương có thể thấy trách nhiệm đã rõ ràng, nhưng quá trình làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức rất chậm trễ, kéo dài đã gây bức xúc trong dư luận, khiến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phải quyết liệt hơn”, ông Chiến nhận định. 

Theo Thạc sĩ Chiến, chính những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mà mới đây trong thông báo chính thức trên website Bộ Công Thương khẳng định: Kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền vào các dự án.

Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ lớn ảnh 3

Không được phép lạm dụng "tái cơ cấu" với doanh nghiệp nhà nước

Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ lớn ảnh 4

Thêm 7 dự án, nhà máy lớn ngành Công Thương thua lỗ, kém hiệu quả

Tập trung thực hiện tái cơ cấu các dự án, ưu tiên các phuơng án bán, chuyển nhượng hoặc thoái vốn, đồng thời xem xét thực hiện phá sản, giải thể các doanh nghiệp (dự án) không có điều kiện phục hồi theo qui định của pháp luật.

 “Những định hướng của Bộ Công Thương đưa ra với dự án thua lỗ rất đúng đắn không nên níu kéo dự án yếu kém”, Thạc sĩ Chiến cho biết.

Thua lỗ do buông lỏng quản lý

Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, nguyên nhân dẫn tới những dự án như Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học do ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí giai đoạn 2009 – 2015 thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư.

Chung quan điểm với đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thạc sĩ Chiến khẳng định: Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ. 

“Nguyên nhân sâu xa dẫn tới các sai phạm là sự buông lỏng quản lý từ cơ quan quản lý Nhà nước. Cơ chế đánh giá, giám sát đối với các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước còn có chỗ chưa chặt chẽ, trong khi đội ngũ giám sát cộng đồng và Mặt trận Tổ quốc thì không có nhiều thông tin về dự án để giám sát”, ông Chiến đánh giá.

Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Chiến, hiện chưa có cơ chế thúc đẩy xử lý nhanh sai phạm, ngay như trường hợp đối với 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương rất khó hoặc rất lâu mới có thể xử lý được các sai phạm ở tổ chức, cá nhân liên quan. 

“Chính phủ đang hướng tới một chính phủ kiến tạo phát triển, chỉ tham gia tạo lập chính sách để cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Chính phủ cần tăng cường cổ phần hóa, giảm bớt vốn nhà nước trong các công ty. Thực tế thời gian qua tiến độ cổ phần hóa diễn ra khá chậm, chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, cả nước đã cổ phần hóa 564 doanh nghiệp, nhưng 2 tháng đầu năm nay, không có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa. Liệu có phải do tâm lý không muốn cổ phần hóa, hoặc e ngại bị ảnh hưởng đến vị trí lãnh đạo của người đứng đầu các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa?”, Thạc sĩ Chiến nói.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên - ảnh Tạp chí kinh tế dự báo.
Nhà máy gang thép Thái Nguyên - ảnh Tạp chí kinh tế dự báo.

Thạc sĩ Chiến nhận định, việc chậm khắc phục, xử lý dự án thua lỗ càng khiến nợ công gia tăng, bởi các dự án đang sử dụng một phần ngân sách nhà nước và nguồn vay nợ ngân hàng.

Ngân sách nhà nước có một phần lớn từ tiền thuế của người dân, doanh nghiệp. Khi dự án không hiệu quả thì gánh nặng ngân sách sẽ tiếp tục đè lên người dân, doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác điều hành của Chính phủ.

Đấy là chưa kể khi dự án thua lỗ lớn thì nguồn vay nợ ngân hàng dễ trở thành "nợ xấu", gây bất ổn trong hoạt động tài chính, ngân hàng.

Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ lớn ảnh 6

Sự việc ông Đinh La Thăng là cảnh báo cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước

“Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, các dự án đầu tư từ nhà nước yếu kém; khu vực tư nhân yếu, nhỏ và đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam sẽ là thị trường cho hàng hóa nhập khẩu, hoặc là nơi để cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tìm đến sản xuất và tận dụng nhân công giá rẻ”, ông Chiến cảnh báo.

Để ngăn chặn hiệu quả những sự tương tự, các bộ, ngành cần nâng cao hiệu quả và trách nhiệm ngay từ khi lập báo cáo chủ trương phê duyệt đầu tư, bởi đây là giai đoạn đầu tiên hình thành nên ý tưởng của một dự án đầu tư trong tương lai.

Giai đoạn hình thành chủ trương đầu tư sẽ phác họa về sự cần thiết phải đầu tư, sử dụng dây chuyền công nghệ đối với dự án, quá tình đầu tư, nguồn vốn đầu tư và đặc biệt là quá trình vận hành dự án sau này, dựa trên đánh giá về báo cáo nghiên cứu thị trường. Nếu dự án không hiệu quả thì các bộ ngành cần thẳng tay loại bỏ ngay.

Ví dụ đối với dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, chủ đầu tư đã không đánh giá được sản phẩm thép sản xuất phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, và nhiều hãng thép nội địa khác. Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng lại sử dụng công nghệ Trung Quốc có trình độ công nghệ không cao, xây dựng nhà máy lại theo hình thức chìa khóa trao tay nên không kiểm soát được chất lượng. 

Mặt khác, trong quá trình lập và thẩm định báo cáo đầu tư, cần thuê đơn vị đánh giá độc lập, đặc biệt là một số đơn vị quốc tế có chuyên môn sâu, để tham gia đánh giá một cách khách quan đối với một số dự án đầu tư ở các bộ ngành, dựa trên tiêu chí hiệu quả, sử dụng công nghệ phải hiện đại.

“Các bộ, ngành cần xác định lĩnh vực gì cần đầu tư, lĩnh vực gì để khu vực tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh đầu tư. Hướng tới nhà nước giảm dần đầu tư vào những ngành mà tư nhân có thể làm tốt. 

Trong số 12 dự án ở Bộ Công Thương vừa qua, rất nhiều dự án hiện nay khu vực tư nhân có thể đầu tư, trong đó phải kể tới nhà máy giấy, nhà máy thép… Nhưng cái khó hiện nay là tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi cần tiếp cận nguồn vốn rẻ, đất đai và các ưu đãi khác. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước được nhiều ưu nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Đấy là một nghịch lý cần phải giải quyết triệt để”, ông Chiến nói.

Mai Anh