Nếu áp giá sàn vé máy bay, du lịch Việt Nam có nguy cơ thiệt hại nặng nề

07/04/2017 08:45
Mai Anh
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nếu áp quy định giá sàn đường bay nội địa sẽ khó hoàn thành Nghị quyết của Bộ Chính trị về mục tiêu phát triển du lịch.

Ảnh hưởng môi trường kinh doanh Việt Nam

Chuyên gia chính sách công Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ khẳng định nếu đề xuất áp giá sàn đường bay nội địa được chấp thuận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh và hình ảnh nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ phân tích, định hướng của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới.

Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN, Diễn đàn Á – Âu (ASEM)…

Đồng thời Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (2008), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê…

Nếu đề xuất áp giá sàn đường bay nội địa được chấp thuận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh và hình ảnh nền kinh tế Việt Nam với thế giới - ảnh nguồn VTV.
Nếu đề xuất áp giá sàn đường bay nội địa được chấp thuận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh và hình ảnh nền kinh tế Việt Nam với thế giới - ảnh nguồn VTV.

“Thông qua hiệp định ký kết với các nước Việt Nam đang cho thấy nền kinh tế mở tôn trọng thị trường không phải nền kinh tế sản xuất theo kế hoạch, bán theo giá nhà nước.

Tuy nhiên đề xuất quy định giá sàn đường bay nội địa dường như đang đi ngược lại với tất cả những gì chúng ta đã và đang xây dựng”, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ đánh giá.

Chỉ rõ hơn nguy cơ, Phó Giáo sư Thọ cho biết khi tham gia hiệp định thương mại tự do doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới tìm đến đầu tư tại Việt Nam lớn.

Doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam vì tin vào chính sách cởi mở thông thoáng, tôn trọng thị trường. Tuy nhiên nếu quy định giá sàn họ sẽ nghĩ khác, một nền kinh tế thị trường không thể có giá sàn, ngay cả giá trần cũng là hãn hữu bởi giá cả thị trường phải theo quy luật cung – cầu.

“Vừa qua có thông tin hãng hàng không giá rẻ Air Asia của Malaysia đang lên kế hoạch thành lập một hãng hàng không giá rẻ liên doanh tại thị trường Việt Nam. 

Air Asia đến Việt Nam vì chúng ta là một thị trường hàng không đang lên. Họ tìm đến để cạnh tranh chất lượng và giá cả với hàng không trong nước. 

Tuy nhiên nếu quy định giá sàn đồng nghĩa yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp bị loại bỏ và gián tiếp đóng cửa đầu tư với doanh nghiệp”, Phó Giáo sư Thọ lo ngại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - ảnh H.Lực
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - ảnh H.Lực

Theo Phó Giáo sư Thọ, khi doanh nghiệp nước ngòai nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam với góc độ một nền kinh tế phi thị trường, cơ quan quản lý can thiệp vào giá, kìm hãm cạnh tranh giữa doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh Việt Nam.

“Chúng ta muốn các nước công nhận nền kinh tế thị trường thì những chính sách phải tôn trọng quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp”, Phó Giáo sư Thọ nhấn mạnh.

Theo ông Thọ nếu giá sàn đường bay nội địa thông qua cũng có nghĩa nhiều mặt hàng kinh doanh khác có thể có giá sàn. 

“Cứ như vậy chúng ta dần kéo lùi sự phát triển do những chính sách không phù hợp cuối cùng quay trở lại thời kì kinh tế bao cấp, sản xuất theo kế hoạch”, ông Thọ nêu lên nguy cơ.

Cản bước tiến của du lịch

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bà Vũ Thị Bích Huệ -Phó Phòng Truyền thông –Marketing Công ty Cổ phần HanoiRedtours khẳng định hàng không có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của du lịch.

Nếu áp giá sàn vé máy bay, du lịch Việt Nam có nguy cơ thiệt hại nặng nề ảnh 3

Áp giá sàn vé máy bay là sai với tinh thần kiến tạo của Chính phủ

Theo bà Huệ hiện nay với du lịch Việt Nam chỉ khoảng 10 – 15% hành khách lựa chọn tour du lịch đường ngắn không sử dụng hàng không còn lại hơn 80% hành khách lựa chọn hàng không.

“Trong du lịch cũng chia ra các gói dành cho khách lựa chọn tour phổ thông và tour du lịch cao cấp. Dựa trên lựa chọn ấy các công ty du lịch sẽ đặt vé máy bay phù hợp. 

Lượng khách đi du lịch trong nước lựa chọn tour phổ thông rất lớn, vì thế nhu cầu sử dụng hàng không giá rẻ rất nhiều”, bà Huệ cho biết.

Trong cơ cấu giá tour du lịch theo bà Huệ vé máy bay chiếm khoảng 50% giá tiền của tour vì thế việc giá vé máy bay tăng giảm ảnh hưởng lớn đến giá thành tour du lịch.

“Nếu có giá sàn vé máy bay, vé máy bay tăng chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng lượng khách du lịch”, bà Huệ cho biết.

Từ chia sẻ của đại diện HanoiRedtours Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng quy định áp giá sàn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch.

Ông Thọ phân tích, giá vé máy bay không còn cạnh tranh thay vào đó bị kìm hãm bằng khung giá sàn sẽ ảnh hưởng lớn đến du lịch. Khi giá vé không được giảm thấp hơn giá sàn cơ hội du lịch và đi lại người dân sẽ ít đi.

“Đặc biệt nếu quy định giá sàn đường bay nội địa sẽ cản bước tiến ngành du lịch, giá vé bị kìm hãm giữa giá trần và giá sàn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp cạnh tranh, lượng khách du lịch có thể sẽ giảm từ đó khó hoàn thành Nghị quyết của Bộ Chính trị về mục tiêu phát triển du lịch”, ông Thọ nhận định.

Trước đó tháng 1/2017 Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 08/2017, trong đó đặt mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Trong nghị quyết, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Đến 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để hoàn thành mục tiêu này Bộ Chính trị yêu cầu phải hoàn thiện thể chế, chính sách, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Mai Anh