Dê núi Trường Yên 6 món (Ninh Bình): Dê núi Ninh Bình sống hoang dã được ăn nhiều loại cây cỏ tự nhiên, chính vì vậy nên thịt chắc, thơm mùi thảo dược và đậm đà hơn những loại dê nuôi khác. Từ thực phẩm dê được chế biến thành rất nhiều món độc đáo: tiết canh dê, áp chảo, hấp sả gừng, xào sả ớt, xào lăn, tái dê, dê nướng, lẩu dê, cà ri dê, dê hầm thuốc bắc, cháo dê… Bên cạnh đó, rất nhiều bộ phận của dê làm thành món đặc biệt: đùi dê, sườn dê, chân dê, nậm dê, ngọc dương dê… ăn với lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, quả sung, ngò gai, húng, quế… . |
Cơm cháy (Ninh Bình): Món cơm cháy hấp dẫn thực khách gồm:cơm cháy, thịt bò hay tim, cật heo xào với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt, cà chua và các loại nước chấm ăn kèm. Để cơm được ngon thì người ta dùng gạo nếp hơng, hạt gạo tròn và trong. Khi nấu tốt nhất là cho vào nồi gang và dùng than củi. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên hai, ba nắng thì mới đạt lúc ăn mới chiên giòn. Miếng cơm cháy được chấm với nước sốt sóng sánh vị của nước mắm mỡ hành, ruốc (chà bông) hoặc tương nếp. |
Bún bò Huế (Thừa Thiên Huế): Với nguyên liệu là những sợi bún trắng nõn mềm mại cùng nước dùng vừa đậm đà vừa ngọt ngào, tô bún bò Huế như mang cả vị tinh túy của đất cố đô. Lát thịt bò thái mỏng, lớp váng nhìn rõ cả sả băm, ớt sa tế, hạt điều phủ lên bề mặt vàng óng, màu xanh của hành lá, màu trắng của hành tây…với màu sắc bắt mắt. Bún bò Huế ăn kèm với các loại rau như: rau má, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, cải xanh, giá sống… |
Bánh bèo (Thừa Thiên - Huế): Bột đổ làm bánh bèo sao cho khéo để cho bánh thật mỏng và hình dáng giống như một cánh bèo rồi xếp vào mê (20 chén mỗi mê) đem hấp hơi (hấp cách thủy). Đến lúc bánh chín, cho thêm gia vị lên trên. Bánh bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy và nhất là nước chấm đặc biệt. Nước mắm hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và béo. Khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một mái chèo nhỏ. |
Bánh bột lọc nhân tôm (Thừa Thiên Huế): Bánh bột lọc làm từ bột năng, có nhân tôm thịt, dùng với nước chấm chua ngọt, trước đây được trang CNNGo giới thiệu là một trong 30 món bánh hấp ngon trên thế giới. Đây là món bánh đặc sản của miền Trung, phổ biến ở Huế và Đà Nẵng. Bánh bột lọc có hai loại: bánh gói lá chuối (hấp) và bánh trần (luộc). Ở các hàng quán Việt Nam người ta thường bán bánh này chung với một số loại khác như bánh bèo, bánh nậm, bánh canh... giá khoảng 10.000 đến 15.000 đồng một dĩa. |
Bánh khoái Huế: Bánh là sự hòa trộn màu sắc: màu vàng ươm của lớp vỏ bánh có pha chút bột nghệ, màu trắng nõn nà của những cọng giá căng tròn, màu đỏ au của mấy con tôm, màu nâu xám của những tai nấm tươi, màu ngà của mấy lát thịt heo ba chỉ hoặc thịt băm, màu vàng tươi của trứng gà, màu xanh của những lá hành hương, tất cả gói gọn trong một chiếc bánh hình tròn vừa bằng cái đĩa nhỏ, khi ăn thì kèm thêm rau sống. Nước lèo chấm bánh khoái được làm từ nguyện liệu chính là tương đậu nành. Mùi vị của bát nước lèo trong món bánh khoái có người cho là chiếm hết 50% cái ngon của món ăn. Đó là sự kết hợp vị mặn của tương, vị béo của gan neo băm nhuyễn, vị ngọt của đường, vị bùi của đậu phụng rang giã nhỏ... |
Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da (Đà Nẵng): Bí quyết chính của món là nằm ở nguyên liệu thịt lợn là loại thịt hai đầu da được chọn từ phần ngon nhất của con lợn. Thịt lợn được hấp để giữ vị thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra có mỡ trong là đạt tiêu chuẩn. Ăn kèm với món này không thể thiếu rau sống. Từng cuốn bánh, thực khách có thể cảm nhận được sự tươi mát của xà lách, vị thơm nồng của rau quế, rau thơm, diếp cá, vị chát nhẹ của chuối trái xắt lát mỏng cùng với vị là lạ của tía tô… Mắm nêm là thức chấm duy nhất của món bánh tráng cuốn thịt heo, nếu thay bằng thức chấm khác sẽ làm mất đi hương vị và nét đặc trưng của món ăn này. |
Phở Hà Nội: Phở là một trong những niềm tự hào của người Hà Nội. Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị ngọt thanh mát và bổ dưỡng, bánh phở mềm, dai đi cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Phở ăn kèm với các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Phở ngon ngọt không chỉ khi thưởng thức mà còn hấp dẫn bởi giãi bày trên những trang viết của nhiều nhà văn nổi tiếng như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Phở có thể dùng làm bữa điểm tâm, ăn trưa, chiều hoặc tối. |
Gà Tiên Yên (Quảng Ninh): Gà Tiên Yên là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt thơm, nước ngọt. Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, vẫn không làm mất vị đặc trưng. Nhưng món ngon nhất vẫn là chế biến theo cách đơn giản nhất: luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc, da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Thoạt trông, bạn có thể ngấy vì chất béo, nhưng khi cắn một miếng, bạn mới thấy nó thật giòn và ngọt. Thịt gà Tiên Yên ăn kèm là bánh gật gù. Bánh được tráng bằng bột gạo, cuộc thành từng cuộn cỡ ngón chân cái, bánh trong, mềm, dẻo mà không dính. |
Chả mực Hạ Long (Quảng Ninh): Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là món chả được làm từ con cá mực (chỉ mực mai) mới làm được món ăn này. Chất lượng chả mực Hạ Long (giòn và dai) còn do kỹ thuật chế biến đặc thù của người dân thành phố Hạ Long: mực giã nhuyễn bằng tay, nêm chút hạt tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ dẹt, tròn, đem chiên, khi chín phồng lên như cái bánh rán, màu hơi vàng... |
Thi Trân (tổng hợp)