Tỷ phú người Thái thâu tóm Sabeco, chuyện gì xảy ra?

18/12/2017 06:55
Vũ Phương
(GDVN) - Các chuyên gia cho biết, tỷ phú người Thái thâu tóm Sabeco có thể dẫn đến độc quyền, người dân bị thiệt, khống chế doanh nghiệp trong nước.

Chiều 17/12, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã công bố kết quả tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần Bộ Công Thương tại Sabeco.

Tính đến thời điểm hết hạn đăng ký tham gia là 16h ngày 17/12 đã có 2 nhà đầu tư tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần Nhà nước tại Sabeco.

Kết quả được Bộ Công Thương công bố gồm có một tổ chức trong nước và một cá nhân trong nước. Không có cá nhân cũng như tổ chức nước ngoài nào đăng ký.

Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là 343.682.587 cổ phần. Thời gian nộp chiếu tham dự chào bán dự kiến là 9-14h ngày 18/12.

Thời gian tổ chức chào bán là 14h30 cùng ngày. Địa điểm tổ chức chào bán Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Vietnam Beverage là công ty duy nhất đăng ký mua khới lượng lớn cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco lên đến 51%. Ảnh: Vũ Phương.
Vietnam Beverage là công ty duy nhất đăng ký mua khới lượng lớn cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco lên đến 51%. Ảnh: Vũ Phương. 

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage là tổ chức đã đăng ký chào mua cổ phần Nhà nước tại Sabeco lần này.

Vietnam Beverage đang là công ty duy nhất đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu trên 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco.

Khối lượng doanh nghiệp này mong muốn mua là 327,05 triệu cổ phiếu, tương ứng với 51% toàn bộ vốn điều lệ của Sabeco.

Vietnam Beverage có vốn của nước ngoài nắm giữ 49% thì không thuộc đối tượng áp dụng của quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài nói trên. Điều này có nghĩa, Vietnam Beverage được phép mua với tỷ lệ tối đa 51%.

Ước tính Vietnam Beverage sẽ phải bỏ 105 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ Đô la Mỹ) để sở hữu 51% cổ phần Sabeco.

Trước đó, phía Bộ Công Thương cũng cho biết, tường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage có vốn của nước ngoài nắm giữ 49% thì không thuộc đối tượng áp dụng của quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49%.

Điều này có nghĩa, Vietnam Beverage được phép mua với tỷ lệ tối đa 51%.

Như vậy, không còn là đồn đoán tỷ phú người Thái muốn thâu tóm Sabeco mà đã là hiện thực khi vị tỷ phú này thông qua Vietnam Beverage, doanh nghiệp có trụ sở tại một con ngõ nhỏ trong một khu tập thể tại Lý Nam Đế (Hà Nội).

Được biết, Vietnam Beverage là công ty nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú người Thái – ông Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu 100% có trụ sở tại Hồng Kông.

Thông qua Vietnam Beverage là chiêu thức để tỷ phú Thái Lan chào mua Sabeco với tư cách một nhà đầu tư trong nước và có thể mua tối đa số cổ phần tại Sabeco mà Bộ Công Thương chào bán (lên tới 53,59%).

Thoái vốn nhà nước tại Sabeco đã rõ mục đích thâu tóm Sabeco của tỷ phú người Thái bằng việc mượn tay của một doanh nghiệp Việt để mua lượng cổ phần lớn mà không bị khống chế tối đa 49%. 

Tỷ phú người Thái - ông Charoen Sirivadhanabhakdi bày tỏ tham vọng thâu tóm Sabeco từ lâu. Ảnh: Getty
Tỷ phú người Thái - ông Charoen Sirivadhanabhakdi bày tỏ tham vọng thâu tóm Sabeco từ lâu. Ảnh: Getty

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: “Có thể nói doanh nghiệp tham gia đăng ký mua cổ phần của Sabeco đã là doanh nghiệp hàng đầu về nước uống tại Thái Lan.

Bên đó họ đã rất là mạnh rồi, nếu thương vụ này thành công họ sẽ khai thác tiếp thị trường Việt Nam thông qua hệ thống của Sabeco, cũng như thị phần lớn của Sabeco trên thị trường.

Tại thị trường trong nước, Sabeco là doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực đồ uống, cụ thể là bia. Phía doanh nghiệp Thái Lan quan tâm đến thương vụ Sabeco thoái vốn nhà nước là điều tất nhiên.

Điều này cho thấy họ có chính sách, đường lối đúng trong chiến lược kinh doanh, còn mình phải suy nghĩ, câu hỏi là có nhà đầu tư nào của Việt Nam đủ sức để mua lượng cổ phần của Sabeco hay không?

Đủ sức tổ chức thị trường tốt hay không, cái đó Việt Nam mình phải tính toán.

Rõ ràng nước ngoài họ đầu tư vào Việt Nam là vì lợi nhuận, chỗ nào đầu tư có lãi là họ nhảy vào. Mình không tự mình bảo vệ mình thì mình phải chấp nhận doanh nghiệp ngoại kiểm soát".

Nhiều luồng ý kiến cho rằng, khống chế nhà đầu tư ngoại không được mua quá 49%, nhưng nhà đầu tư nước ngoại lại tìm cách lập công ty tại Việt Nam và hoàn toàn có thể mua cổ phần không giới hạn.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Khống chế doanh nghiệp ngoại không sở hữu quá 49% để tránh việc họ sở hữu trên 50% sẽ khống chế doanh nghiệp của mình.

Nhưng họ hoàn toàn có thể thành lập công ty tại Việt Nam, có người Việt đứng ra đại diện theo pháp luật thì luật lại cho phép mua không có giới hạn.

Đó là vấn đề nhà nước phải quản lý, có thể trước khi cho họ mua cổ phần với số lượng lớn mà phải xem xét công ty Việt Nam đó là Việt Nam hay sở hữu của nước ngoài, cái đó là mình phải nắm được.

Để doanh nghiệp ngoại không lách luật sở hữu vượt quá 49% nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội thì mình phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết.

Còn thị trường mở như hiện nay, chúng ta không hạn chế nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam thì cần thiết phải tổ chức được doanh nghiệp Việt tự mua cổ phần về làm lấy, chứ để doanh nghiệp ngoại thâu tóm hết thì cũng không ổn”.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, để nhà đầu tư ngoại thâu tóm các doanh nghiệp lớn trong nước sẽ có những điểm bất lợi cho thị trường nội địa. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, để nhà đầu tư ngoại thâu tóm các doanh nghiệp lớn trong nước sẽ có những điểm bất lợi cho thị trường nội địa. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng chỉ ra không ít thương hiệu khi bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm đã khai tử thương hiệu của người Việt. “Như thương hiệu Sabeco là thương hiệu mạnh.

Có thể họ thâu tóm, nhưng vẫn giữ thương hiệu Sabeco để khai thác, nhưng có không ít thương hiệu, khi công ty khác vào mua cổ phần đã xóa sổ thương hiệu của mình thì họ cho thương hiệu của họ vào lợi dụng để phát triển thương mại của họ.

Thực tế, họ dùng bộ máy của mình để phát triển thương hiệu của họ, còn thương hiệu của mình bị tiêu diệt”.

Vấn đề độc quyền khi nhà đầu tư ngoại thâu tóm Sabeco cũng được đặt ra, không ít ý kiến bày tỏ người tiêu dùng trong nước sẽ phải mua hàng hóa theo giá nhà đầu tư ngoại áp đặt.

Tỷ phú người Thái thâu tóm Sabeco, chuyện gì xảy ra? ảnh 4Tỷ phú Thái Lan mượn tay doanh nghiệp Việt thâu tóm Sabeco?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích: “Độc quyền trong lĩnh vực đồ uống thì không đáng ngại bởi còn nguồn hàng khác từ nhập khẩu.

Việc lo ngại doanh nghiệp ngoại khi thâu tóm Sabeco người tiêu dùng bị ảnh hưởng do độc quyền là hoàn toàn có thể xảy ra.

Doanh nghiệp có quyền quyết định mức giá hàng hóa, có thể lên giá mà người dân vẫn phải chấp nhận”.

Trong khi đó ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng: “Thị trường mở thì các nhà đầu tư ngoại hoàn có thể tham gia vào việc mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước.

Dù khống chế nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 49%, tuy nhiên, họ có thể thông qua các pháp nhân có vốn trong nước để mua lượng cổ phần không bị giới hạn tại Sabeco”.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, nếu tỷ phú người Thái thâu tóm Sabeco trong thương vụ này cũng không quá lo ngại về vấn đề độc quyền, lo ngại giá cả hàng hóa tăng và vấn đề chất lượng.

Nhà đầu tư ngoại đầu tư cả tỷ Đô la Mỹ thì họ cũng phải làm sao để lấy lòng người tiêu dùng bằng giá cả và chất lượng hàng hóa. Bởi, họ cũng rất sợ người tiêu dùng tẩy chay.

Vũ Phương