"Vùng tối" khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

06/05/2019 06:15
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
(GDVN) - Còn hơn 500 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Thống kê của Vietnam Report về 500 doanh nghiệp lớn của Việt Nam năm 2017, khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang đóng góp doanh thu hơn một nửa trong bảng tổng sắp, chiếm tới 52% danh sách VNR500 và mặt tại hầu hết lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, như điện, khoáng sản, xăng dầu, tài chính, thực phẩm, viễn thông…

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu và đổi mới hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Quá trình này không phải đẩy nhanh bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước lớn, nhưng cũng không thể để chậm trễ, dễ gây thất thoát tài sản công và cản trở quá trình đổi mới, phát triển chung của nền kinh tế.

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh còn chậm (Ảnh minh họa: Báo Công Thương Điện Tử).
Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh còn chậm (Ảnh minh họa: Báo Công Thương Điện Tử).

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 đang bị chậm chững lại đáng quan ngại.

Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng, cả nước mới có 10 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa (gồm 9 doanh nghiệp Nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp), với giá trị trên 30.000 tỷ đồng, tức khoảng 12% tổng số 85 doanh nghiệp Nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa năm 2018 theo kế hoạch phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 (riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội phải đảm nhận 78% kế hoạch này, nhưng vẫn chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp Nhà nước nào).

Nhìn chung, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không chỉ chậm về tiến độ, mà việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo tài chính hoạt động cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đến nay, còn hơn 500 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Sau hơn 20 năm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, tính đến 31/12/2017, cả nước mới chỉ phê duyệt phương án cổ phần hóa của 32 đơn vị sự nghiệp công lập và tỷ lệ thoái vốn nhà nước mới đạt khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hơn nữa, ước hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách nhà nước từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác.

"Vùng tối" khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước        ảnh 2Chống “đi đêm” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa.

Nguyên nhân sự chậm trễ và thiếu hiệu quả, thậm chí méo mó trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua không chỉ do sự chưa đồng bộ và hoàn thiện của luật định liên quan, mà còn do hạn chế về nhận thức, quyết tâm chính trị và cả sự chi phối của lợi ích nhóm và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước, cũng như đơn vị chủ quản.

Theo Bộ Tài chính, đơn vị nào mà bộ phận lãnh đạo có sự quyết tâm và minh bạch cao, công tâm và nghiêm túc thì kết quả cổ phần hóa tốt và hoạt động sau cổ phần hóa cũng được cải thiện như: Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm…

Để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ và hài hòa lợi ích, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, kể cả thu hút vốn nước ngoài vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cùng với việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một cách thực chất, cần rà soát và chốt chặt, làm rõ kế hoạch và trách nhiệm cá nhân cụ thể về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước cho từng năm.

Đề cao kỷ luật chấp hành chỉ đạo trong công tác cổ phần hóa của các bộ, ngành và địa phương; có phương án cụ thể, có nhiều bước đi hơn và minh bạch về nhân sự và xử lý lợi ích để giải tỏa tâm lý lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước sợ mất vị trí, quyền lợi sau cổ phần hoá.

Tăng cường minh bạch thông tin và cụ thể hóa cơ chế tính giá trị, nghĩa vụ và quyền sử dụng đất đai, khắc phục tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm và ngại bộc lộ nhiều “vùng tối” về các mối quan hệ pháp lý, đất đai, nợ nần và quyết toán tài chính của doanh nghiệp Nhà nước; tăng cường xúc tiến đầu tư hướng đến nhà đầu tư chiến lược đích thực, gắn bó với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa…

Hơn nữa, cần chú ý cân nhắc kỹ tỷ lệ bán cổ phần và lộ trình thoái vốn nhà nước sao cho hợp lý, chỉ giữ cổ phần khống chế trong trường hợp cần thiết; đẩy nhanh lộ trình thoái vốn nhằm tránh rủi ro giảm giá trị cổ phần còn lại của Nhà nước sau khi không còn nắm giữ tỷ lệ cổ phần khống chế sau cổ phần hóa.

Đồng thời, tăng cường kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, nhận diện đầy đủ và sớm xử lý nghiêm các sai phạm.

Đặc biệt, cần kiện toàn bộ máy và tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước với tư cách là cơ quan đầu mối lớn nhất, đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tạo lực đẩy mới, toàn diện và mạnh mẽ cả về tiến độ, hiệu quả và độ sâu của quá trình cổ phần hóa;

"Vùng tối" khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước        ảnh 3Cán bộ nào nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp còi cọc, chậm phát triển?

Góp phần đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng quản trị, bảo đảm vốn Nhà nước được quản lý chặt chẽ và sử dụng có lợi nhất, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế đầy đủ ở nước ta.

Việc tuyên truyền về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới cần được đẩy mạnh và phù hợp cho các đối tượng liên quan, theo đó:

Đối với những người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, cần chú ý tuyên truyền để họ nhận thức đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà họ đang là thành viên.

Đối với người lao động, cần nói rõ những quyền lợi về việc làm, bảo hiểm xã hội và quyền lợi có liên quan đến mua và bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước;

Riêng đối với cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, cần tuyên truyền để họ thấu suốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên và nhất là về phương án vị trí quản lý, việc làm và quyền lợi của họ khi doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa.

Đối với các cơ quan chức năng khác, cần tuyên truyền để làm rõ trách nhiệm và cơ chế xử lý các sai phạm của mỗi cơ quan chủ quản, tư vấn và cả trách nhiệm liên đới cá nhân lãnh đạo trong quá trình chỉ đạo và hỗ trợ lập phương án và thúc đẩy tiến độ, bảo đảm hiệu quả các hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt, không chỉ tuyên truyền và làm rõ trách nhiệm các hành vi cố tình trì hoãn tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mà cũng cần làm rõ trách nhiệm và chế tài cho các hành vi tư vấn và tính toán sai, hạ thấp cố ý giá trị doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa để trục lợi cá nhân, vì lợi ích nhóm…

Trong tuyên truyền cũng cần quán triệt quan điểm không nóng vội thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả, nhất là với các dự án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng quỹ đất lớn và vị trí thuận lợi, nhằm tránh thất thoát tài sản công, nhất là đất đai và bảo đảm an ninh quốc gia trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong