Xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hóa rồng vào năm 2045

09/05/2019 14:59
Ngọc Quang
(GDVN) - "Chính phủ luôn làm hết sức mình để tạo ra môi trường tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng nay (9/5), tại Diễn đàn quốc gia phát triển công nghệ Việt Nam với tinh thần "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường", sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và diễn giả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu sâu sắc, đánh giá cao nỗ lực, sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Thủ tướng khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta có đủ điều kiện căn bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm công nghệ. Người Việt Nam chúng ta có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ.

Chúng ta cần tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng về một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.

Việt Nam làm chủ công nghệ và làm chủ trong lao động sản xuất đang là tuyên bố của chúng ta tại diễn đàn này”.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết để cùng nhau xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. ảnh: NQ.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết để cùng nhau xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. ảnh: NQ.

Những doanh nghiệp đang phát triển trong lĩnh vực công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần nhận thức đúng là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự nó làm thay đổi chính chúng ta. Những người đứng đầu các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay cần đặt xứng tầm doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu quốc gia.

Hiện nay các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có những ý tưởng lớn, kể cả doanh nghiệp sản xuất dịch vụ đều đủ khả năng để vươn ra khu vực và toàn cầu, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

Xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hóa rồng vào năm 2045 ảnh 2

Kinh tế Việt Nam sẽ hùng mạnh ra sao?

“Tôi nói vai trò của doanh nghiệp lớn như thế để các cấp, các ngành của chúng ta quan tâm hơn nữa để phát triển doanh nghiệp nói chung và phát triển doanh nghiệp công nghệ nói riêng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Chính phủ phải sớm ban hành chiến lược chuyển đối số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vươn lên.

Đồng thời, Thủ tướng gợi ý, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì những sản phẩm ấy khi được làm ra, ngay Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan nhà nước phải là những đơn vị đầu tiên sử dụng. Những động viên thiết thực ấy sẽ góp phần hỗ trợ đáng kể cho giai đoạn phát triển đầu của các doanh nghiệp.

Thủ tướng đánh giá: “Hiện nay, có các Bộ trưởng ở đây, tôi muốn nói cái này để có một thị trường tốt cho các tỉnh thì phải phẳng định không có gì lan tỏa nhanh hơn sức mạnh công nghệ.

Vì vậy để phát triển Việt Nam thành công thì đầu tiên và then chốt nhất phải là toàn diện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đặc biệt quan trọng đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển của từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp.

Mọi doanh nghiệp, mọi ngành tham gia các mô hình kinh tế nhà nước, tất cả các địa phương đều ứng dụng công nghệ. Còn nếu như anh chỉ ứng dụng những nét cũ vào quản lý nhà nước, quản trị nhà nước vừa chậm, vừa xuống cấp vừa không có thị trường cho đổi mới công nghệ”.

Thủ tướng nhận định, trong giai đoạn vừa qua vẫn thể chế ấy, chính sách ấy nhưng nhiều lĩnh vực công nghệ có kết quả tốt. Điều đó chứng tỏ là có những chính sách tốt, với đà phát triển như vậy cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển.

“Tại hội nghị này chúng tôi đồng ý với chủ trương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng việc thí điểm xây dựng khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo.

Cho nên việc hoàn thiện các chính sách pháp luật để loại bỏ những chi phí không hợp lý để tạo điều kiện không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước.

Và đặc biệt tôi nhấn mạnh càng đổi mới giáo dục, ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 1 để nâng cao năng lực. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục việc dạy và ngoại ngữ cấp tiểu học để nâng cao trí tuệ và kỹ năng.

Chúng tôi sẽ đưa ra một số vấn đề cụ thể ví dụ như liên kết nghiên cứu những trường đại học, những doanh nghiệp có thể thương mại hóa, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, hình thành các quỹ đầu tư công nghệ. Xây dựng quỹ quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thông qua hình thức xã hội hóa theo nghị định số 38, năm 2018 về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Đổi mới các môn học về khoa học công nghệ ở các cấp để nâng cao năng lực tiếp cận khoa học công nghệ.

Đặc biệt, tôi nhấn mạnh việc hôm nay chúng ta phải làm ngay, làm thực đó là có một lớp kỹ sư giỏi của các trường đại học, của các ngành học. Nghiên cứu xây dựng các chính sách để thu hút nhân lực nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ”, Thủ tướng cho biết.

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thông qua diễn đàn này, một lần nữa khẳng định lại vai trò quan trọng của công nghệ trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045.

Theo số liệu thì hiện nay từ nền tảng số mang lại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD và dự báo đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030. Dù vậy, con số và tỷ lệ này cần phải cao hơn nữa, cần tăng theo cấp số nhân chứ không phải theo cấp số cộng.

Xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hóa rồng vào năm 2045 ảnh 3

Vingroup ra mắt điện thoại thông minh Vsmart

“Qua phân tích đều thấy tiềm năng cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam là rất lớn, không cần phải bàn cãi.

Con người Việt Nam của chúng ta thông minh, sáng tạo, cần cù lao động, một thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào ngõ ngách cuộc sống để tạo ra một quốc gia thông minh.

Chúng ta có những thành công bước đầu trong khởi nghiệp sáng tạo phát triển doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực trong thời gian qua.

Trong lĩnh vực doanh nghiệp công nghệ chúng ta cần có hàng chục nghìn hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong những năm tới.

Đây là bài toán đặt ra yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam nói riêng”, Thủ tướng đánh giá.

Theo Thủ tướng, chính cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới hay phát triển kinh doanh.

Với cuộc cách mạng số cuộc cách mạng lần thứ 4, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như là giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo, các quốc gia đang xác định những con đường tốt nhất để khai thác cơ hội và giải pháp đối phó với lợi ích đặt ra.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả trong nước và quốc tế cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. ảnh: NQ.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả trong nước và quốc tế cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. ảnh: NQ.

Tại diễn đàn, Thủ tướng đã chỉ ra cơ hội phát triển: “Cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng lần thứ 4 cũng mang lại đầy đủ những cơ hội, thách thức cho Việt nam chúng ta.

Việt Nam trước hết cần nhận thức đầy đủ về thách thức to lớn về ngành công nghệ mang đến lợi thế cạnh tranh, thu hẹp sản xuất….

Cơ hội của chúng ta trong cuộc cách mạng này đến từ chính sự nỗ lực đó, cho nên phải tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi tăng trưởng nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ khai thác tài nguyên lao động giá rẻ, công nghiệp lạc hậu sang chủ yếu dùng công nghệ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.

Tôi tin tưởng rằng với không ít lợi thế về phát triển công nghệ thông tin, nguồn lực, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu chúng ta nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, có những hành động cụ thể, kịp thời triển khai thực thi quyết liệt hiệu quả”.

Thủ tướng nêu thí dụ nhiều doanh nghiệp đã rất thành công khi áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như Vingroup, Trường Hải, Vinamilk, Misa, VC Corp, TH truemilk, FPT, Viettel, VNPT... tin tưởng rằng, bằng thách thức, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, khát vọng tầm nhìn, Việt Nam sẽ sớm làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất, trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển.

Muốn vậy chúng ta phải hành động với khẩu hiệu “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.

Các doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Chính phủ làm hết sức mình để tạo ra môi trường tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Ngọc Quang