Bộ trưởng Đinh La Thăng cảnh cáo nhà thầu Trung Quốc, bài học cho Thái Lan

13/01/2015 06:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính phủ Thái Lan có thể tránh được những cạm bẫy từ các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn nếu Bangkok biết học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Vneconomy.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Vneconomy.

Tờ The Nation của Thái Lan ngày 13/1 có bài xã luận với tiêu đề "Hãy cẩn thận với món quà Trung Quốc", trong đó bình luận rằng các dự án xây dựng đường sắt do Trung Quốc hậu thuẫn có thể mang lại cho Thái Lan nhiều lợi ích, nhưng cũng có những mối nguy hiểm không nhỏ.

Chính phủ Thái Lan có thể tránh được những cạm bẫy từ các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn nếu Bangkok biết học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng trong khu vực tìm cách giải quyết các trở ngại gây ra bởi đầu tư của Trung Quốc, Việt Nam và Myanmar là ví dụ.

Sự cố gần đây ở Việt Nam và Myanmar đã là những bài học cho chính phủ Thái Lan dưới thời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha về việc làm thế nào để ứng xử với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Hai nước đã ký một bản ghi nhớ về việc Trung Quốc sẽ xây dựng cho Thái Lan tuyến đường sắt cao tốc từ Nong Khai đến Bangkok và Map Ta Phut trên bờ biển phía Đông.

Trung Quốc sẽ cung cấp vốn và kỹ thuật cho dự án. Bộ Giao thông vận tải Thái Lan tháng này sẽ bắt đầu làm việc với nghiên cứu khả thi và thiết kế hệ thống đường sắt do Trung Quốc cung cấp.

Yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng không phải là một sai lầm, nhưng nước chủ nhà phải có một chiến lược mạnh mẽ cho đầu tư và phát triển nếu muốn dự án hợp tác thành công. Các quốc gia trong khu vực có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các nhà phát triển dự án của Trung Quốc, và không phải tất cả dự án do Trung Quốc đầu tư đều mang lại kết quả tốt.

Tuần trước Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã công khai cảnh cáo tổng thầu dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Nội do Tập đoàn 6 Cục Đường sắt Trung Quốc phụ trách. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải chỉ thẳng vào nhà thầu Trung Quốc cảnh cáo:

“Điều tối thiểu tôi yêu cầu khi đổ bê tông thì tạm ngăn đường mà các ông làm ăn như vậy. Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì các ông lại nhận khuyết điểm rồi cứ trơ ra vậy thôi. Tôi đề nghị phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam. Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực."

The Nation bình luận, sự mất kiên nhẫn của Bộ trưởng Thăng đã đến sau vụ tai nạn làm chết 1 người dân đi đường, 3 người khác bị thương. Và sau đó không lâu lại xảy ra vụ sập giàn giáo kinh hoàng, một chiếc xe taxi bị đè bẹp nhưng 4 người ngồi bên trong may mắn thoát chết. Báo Thái lưu ý, dự án đường sắt do Trung Quốc làm tổng thầu với một khoản vay ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc đã chậm trễ lặp đi lặp lại và đội vốn lên 300 triệu USD.

Ông Đinh La Thăng đã không thể kiên nhẫn khi nhắc nhở mãi mà nhà thầu Trung Quốc "cứ trơ ra", hứa rồi để đó.
Ông Đinh La Thăng đã không thể kiên nhẫn khi nhắc nhở mãi mà nhà thầu Trung Quốc "cứ trơ ra", hứa rồi để đó.

Tờ The Nation cũng dẫn lời Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được."

Bài học thứ 2 và cũng là một cảnh báo cho Thái Lan là sự việc một người phụ nữ 56 tuổi ở Myanmar bị bắn chết hồi tháng trước, một số người khác bị thương tại một mỏ đồng do Trung Quốc đầu tư khai thác. Chính quyền địa phương ở Myanmar gần như bất lực trong việc giải quyết.

Những người dân địa phương giận dữ nói rằng hàng ngàn héc ta đất của họ đã bị tịch thu để nhường chỗ thực hiện dự án mở Letpadaung ở Monywa, nằm cách Mandalay khoảng 100 km về phía Tây. Hồi tháng 11/2012 đã có hơn 100 người biểu tình, trong đó có ít nhất 67 nhà sư đã bị thương trong một cuộc đàn áp của cảnh sát chống bạo động tại các mỏ của doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trong nhiều năm, hủy hoại môi trường và xã hội khu vực.

Báo Thái bình luận, thường thì cái phức tạp hơn nữa là quan hệ song phương với Trung Quốc. Trong trường hợp của Việt Nam, quan hệ 2 nước đã trở nên căng thẳng vì vấn đề Biển Đông, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp). Trong bối cảnh này người Việt Nam sẽ có ít kiên nhẫn với những sự cố bất thường trong thực hiện các dự án được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc.

Trường hợp của Myanmar có khác, theo The Nation, các nhà lãnh đạo Nay Pyi Taw còn phụ thuộc vào Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn chính trị. Cái gọi là thời kỳ cải cách mở cửa của chính phủ Tổng thống Thein Sein vẫn chưa thể lái Myanmar thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mặc dù Tổng thống Thein Sein đã đình chỉ dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD do nhà thầu Trung Quốc thực hiện trong năm 2011, nhưng các dự án tương tự khác vẫn đang được triển khai gây ra nhiều cuộc biểu tình của người dân mà địa phương không giải quyết nổi. Chính phủ Thái Lan có thể tránh được những cạm bẫy từ các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn khi biết học hỏi kinh nghiệm từ các nước láng giềng.

Hồng Thủy