Cầu Prek Tamak còn được gọi là cầu hữu nghị Trung Quốc - Campuchia bắc qua sông Mê Kông dùng vốn Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công bị xói lở lộ ra chân cầu không móng. |
Tờ The Phnom Penh Post ngày 8/1 đưa tin, người dân phía Bắc Phnom Penh, Campuchia thường xuyên đi qua cây cầu Prek Tamak, còn gọi là cầu Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia số 3 chạy qua sông Mê Kông tỏ ra rất lo lắng cho sự an toàn của mình khi nước lũ đã cuốn phăng đất quanh 1 chân cầu để lộ ra chiếc chân cầu không có móng.
Cây cầu này được xây dựng bởi Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải, Trung Quốc sử dụng nguồn vốn vay 43,5 triệu USD của Bắc Kinh dành cho Campuchia, bắt đầu khởi công xây dựng tháng 6/2007 và khánh thành đưa vào sử dụng năm 2011. Cây cầu dài 1060 mét, rộng 13,5 mét với tốc độ lưu thông của các xe qua đây là 60 km/giờ. Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia từng ca ngợi cây cầu này sẽ thúc đầy sự phát triển kinh tế tại Campuchia.
Một trận lũ hồi tháng 11./2014 đã gây sạt lở và cuốn trôi khoảng đất ở chân cầu và làm lộ ra chân cầu không móng khiến người dân đi lại qua cầu rất lo cầu sập. Buon Sokhorn, một người dân huyện Pearang tỉnh Prey Veng thường xuyên phải qua lại cây cầu này cho biết: "Tôi có thể nhìn thấy rõ rằng không hề có móng bên dưới trụ cầu, chỉ có 1 lớp tráng bê tông mỏng trên bề mặt, và bây giờ đất chân cầu đã bị nước cuốn trôi. Tôi lo lở đất có thể gây hại cho cây cầu và những người đi qua sẽ gặp nguy hiểm".
Người dân địa phương đã bày tỏ lo ngại của họ trên mạng xã hội Facebook buộc các cơ quan chức năng Campuchia phải vào cuộc điều tra. Lem Sideyning, Chánh văn phòng Bộ Giao thông công chính Campuchia cho biết, sau một cuộc thanh tra, bộ này xác nhận rằng không có vấn đề gì với cấu trúc của cây cầu.
Nhưng cơ quan này sẽ cho xây dựng một bờ kè chân cầu để giảm bớt nỗi sợ hãi của người dân địa phương về một vụ sập cầu có thể xảy ra. "Theo kiểm tra của tra của chúng tôi, cây cầu không có vấn đề gì. Nhưng chúng tôi sẽ cử một đội kỹ thuật để kiểm tra lần nữa và xây dựng một con kè ở bờ sông. Xin mọi người đừng có lo", Sideyning nói.
Phóng viên The Phnom Penh Post đã liên hệ với đại diện nhà thầu là Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải để tìm hiểu thông tin nhưng không thể liên lạc được. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia thì nói rằng ông không hề biết về sự cố nào liên quan đến cây cầu Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia số 3.
Tham tán thương mại đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cũng không thể liên lạc được. Yeun Sarat, chỉ huy trưởng quân sự huyện Muk Kampul cho biết, Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải đã kiểm tra ngay sau khi sạt lở hôm 23/11/2014 và kết luận rằng không có nguy hiểm nào với người tham gia giao thông.