Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ

25/11/2017 06:56
Vũ Phương
(GDVN) - Quy định tréo ngoe ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ của ngành tài nguyên như một bước thụt lùi, thêm “hủ tục” phiền hà cho người dân.

Chưa bao giờ từ khóa “sỏ đỏ” lại trở thành tâm điểm của dư luận và nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân đến vậy trong mấy ngày qua khi mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 33/2017 với quy định ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Có thể nói sổ đỏ ở xứ ta nó quan trọng như thế nào, bởi vậy, mỗi một chính sách, quy định mới về sổ đỏ nếu tích cực thì không sao, nhưng khó hiểu và rối rắm sẽ gây tác động lớn đến cuộc sống của người dân. Bởi vậy, mấy ngày qua những câu hỏi của người dân đặt ra vẫn chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp một cách thấu đáo và rõ ràng.

Ngay sau khi thông tin sổ đỏ phải ghi tên các thành viên trong gia đình đã gây nhiều tranh cãi và không ít ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước quy định không giống ai của ngành tài nguyên và đó như một “hủ tục ngành tài nguyên".

Quy định ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ còn bộc lộ sự non kém về kiến thức pháp luật của cơ quan ban hành bởi Luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ con cái trong gia đình được nhận quyền thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật.

Con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản.

Đặc biệt, chuyện tài sản là chuyện cẩn thận, không phải cứ một ngày đẹp trời ngành tài nguyên muốn đưa tên ai vào sổ đỏ một cách vô cớ cũng được, điều đó sẽ gây phản cảm, bức xúc và như một bước lùi trong cải cách hành chính.

Thực tế, vừa qua Chính phủ đã và đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, bỏ sổ hộ khẩu tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính nhận được sự hài lòng từ nhân dân.

Tuy nhiên, quy định tréo ngoe ghi thêm thông tin các thành viên vào sổ đỏ của ngành tài nguyên không khác gì dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực cải cách hành chính của nước nhà.

Nhiều người băn khoăn với quy đinh mới của thông tư 33, sổ đỏ đã làm có phải làm lại và việc mua bán sang nhượng quyền sử dụng đất có phải xin đầy đủ chữ ký của các thành viên trong sổ đỏ. Ảnh: Hải Yến
Nhiều người băn khoăn với quy đinh mới của thông tư 33, sổ đỏ đã làm có phải làm lại và việc mua bán sang nhượng quyền sử dụng đất có phải xin đầy đủ chữ ký của các thành viên trong sổ đỏ. Ảnh: Hải Yến

Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng với cung cách cấp sổ đỏ và sang nhượng sổ đỏ hiện nay đâu đó không ít nơi vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, “hành” người dân đủ kiểu để họ phải “lòi tiền” ra mọi việc mới xong thì nay với quy định mới trên có hiệu lực ai dám đảm bảo thủ tục hành chính cấp, nhượng sổ đỏ sẽ giản tiện hơn và giảm tiêu cực.

Và cũng không ít ý kiến đặt thẳng thắn câu hỏi về mục đích của việc ghi tên đầy đủ các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là gì của ngành tài nguyên?

“Sáng kiến” của ngành tài nguyên sẽ giúp gì cho người dân hay chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, rối ren, người dân lại quay cuồng với cả đống thủ tục khi đi làm sổ đỏ, chuyển nhượng sổ đỏ.

Cùng với quy định đầy khó hiểu trên, nhiều ý kiến bày tỏ việc ghi tên đẩy đủ các thành viên vào sổ đỏ thì những sổ đỏ đã làm trước đó có phải làm lại hay không.

Cũng như nếu phải ghi đầy đủ các thành viên vào sổ đỏ, vậy trường hợp gia đình nào mỗi lần có  người sinh ra hay mất đi lại phải làm lại sổ đỏ hay sao.

Cũng như việc sau này muốn chuyển nhượng nhà đất lại phải xin xác nhận của từng người?...

Người dân chờ đợi câu trả lời thỏa đáng của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định khó hiểu của thông tư 33. Ảnh: V.P
Người dân chờ đợi câu trả lời thỏa đáng của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định khó hiểu của thông tư 33. Ảnh: V.P

Vấp phải những ý kiến trái chiều tư dư luận, cũng như những câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi ra một văn bản được cho là thiếu trách nhiệm và khó hiểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ngay sau đó đã chỉ đạo Tổng cục quản lý đất đai báo cáo và trả lời dư luận.

Ngay sau đó thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường phát đi vào lúc nửa đêm lý giải về việc ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ.

Tuy nhiên, những lý giải của ngành tài nguyên vẫn hết sức chung chung, khó hiểu và người dân vẫn chưa thỏa đáng.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó cũng lý giải, việc chỉ ghi tên chủ hộ như thời gian qua có nhiều vướng mắc bất cập, ví dụ khi giao đất nông nghiệp cho các thành viên trong hộ gia đình, trong sổ đỏ trước đây chỉ ghi là hộ ông/bà đứng nên có chuyện bố mẹ đứng tên trên sổ đỏ, trong đó có quyền sử dụng đất của con, nhưng lại tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất con cho doanh nghiệp từ đó phát sinh những khiếu nại, tranh chấp vì vậy quy định mới nhằm đảm bảo quyền cho các thành viên trong gia đình.

Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ  ảnh 3

Bản tin lúc nửa đêm của Bộ Tài nguyên về "hủ tục ghi tên trên sổ đỏ"

Rõ ràng, cách lý giải của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa làm rõ Thông tư 33 quy định chỉ áp dụng cho trường hợp nhà nước giao đất cho hộ gia đình không thu tiền sử dụng đất như đất nông nghiệp hay áp dụng cho tất cả các loại đất và khi có nhu cầu chuyển nhượng có phải cần chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình hay không.

Trong khi đó, chỉ còn hơn 10 ngày nữa Thông tư 33 có hiệu lực (Thông tư có hiệu lực từ 5/12), bởi vậy người dân đang chờ đợi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin một cách rõ ràng và giải thích cho người dân hiểu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nên nhìn nhận trực diện vấn đề một cách thẳng thắn, dám nhận trách nhiệm về mình như thế vừa đảm bảo thông tư ban hành là bước tiến trong cải cách hành chính và phục vụ nhân dân theo hướng giản tiện.

Thiết nghĩ ngành tài nguyên nên xem xét cẩn trọng trước khi thông tư trên có hiệu lực, đừng ban hành ra khiến người dân thất vọng và giảm lòng tin vào năng lực của cơ quan ban hành. 

Vũ Phương