Người lao động nghèo khổ, người bị bệnh tật, sắp chết... cần gì?

22/05/2015 09:53
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng: "Có những người lao động họ vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa, và họ cần một khoản tiền để mưu sinh..."

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016), tại Điều 60 thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu (không thanh toán bảo hiểm một lần).

Đây là mấu chốt của vấn đề dẫn đến những sự việc đáng tiếc, điển hình là vào ngày 26/3 vừa qua, công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam 100% vốn nước ngoài (Đài Loan), trụ sở tại quận Bình Tân (TP.HCM) và một số doanh nghiệp tại tỉnh Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã ngừng việc.

Người lao động kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên quy định theo hướng giải quyết linh hoạt, người lao động được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già.

Trước tình hình trên, ngày hôm qua (21/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi Điều 60 theo hướng:

Thứ nhất, tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Thứ hai, đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn sau khi nghỉ việc không tiếp tục tham gia vào thị trường lao động và cũng không có khả năng, nguyện vọng tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hàng nghìn công nhân Công ty PouYen Việt Nam đình công để bày tỏ ý kiến phản đối về Điều 60 Luật BHXH. ảnh: infonet.
Hàng nghìn công nhân Công ty PouYen Việt Nam đình công để bày tỏ ý kiến phản đối về Điều 60 Luật BHXH. ảnh: infonet.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đa số các Đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với hướng sửa đổi trên, bởi nó sẽ đảm bảo chặt chẽ quyền lợi của người lao động, giải quyết được những vấn đề trước mắt để có thêm thời gian tính toán lộ trình lâu dài.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Khi xây dựng luật bảo hiểm xã hội năm 2014 Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị giữ nguyên điều này vì để cho người lao động có quyền lựa chọn. Nhưng đa số lại không chịu nên thông qua.

Theo đánh giá về lâu dài thì điều 60 như thế là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi nên chúng tôi mới đồng tình.

Nhưng có những người lao động họ vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa, và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp".

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. ảnh: LDO.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. ảnh: LDO.

Cũng theo ông Tùng, về lâu dài, người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí thì có lợi hơn. Trong khi số tiền hàng tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng một năm tính ra là phải 2,6 tháng lương, nhưng khi nhận một lần họ chỉ nhận được 2 tháng lương.

Như vậy là họ thiệt thòi mất 0,6 tháng, 10 năm là họ thiệt thòi mất 6 tháng lương. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có một bộ phận không thể duy trì theo hướng này.

“Họ cần một khoản tiền để mưu sinh khác, về quê làm ruộng, mở một cửa hàng hay kinh doanh thì chúng ta cũng phải đáp ứng được nguyện vọng đấy của họ.

Nên để cho người lao động họ có quyền lựa chọn. Cực chẳng đã nên họ mới nhận một lần, vì cuộc sống của họ nên ta phải để cho họ có quyền lựa chọn, chứ đa số người ta muốn nghỉ hưu cho ổn định.

Đặc biệt là những lao động làm việc trong ngành dệt may, da dầy, có trường hợp chủ sử dụng muốn sử dụng lao động trẻ khỏe hơn nên họ chấm dứt hợp đồng lao động, mà ra ngoài họ không xin được việc nên buộc lòng họ buộc phải mưu sinh, và cần một khoản tiền để tìm việc khác. Tuy nhiên, chúng ta phải giải thích cho người lao động thấy nhận một lần rất là thiệt thòi".

Cùng có chung quan điểm trên, Đại biểu Bùi Thị An đánh giá: “Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi theo hướng khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là rất nhân văn.

Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc sửa đổi Điều 60 của luật là nên để theo hướng mở, vì chúng ta vẫn còn một bộ phận người lao động vì hoàn cảnh quá khó khăn nên không thể chờ đợi tới lúc hưởng lương hưu, hoặc là có những người điều kiện sức khỏe quá yếu cũng không thể chờ tới lúc hưởng lương hưu.

Rồi có cả những trường hợp muốn nhận một lần ra nước ngoài sinh sống, hoặc có những người chỉ đi làm công nhân một thời gian rồi trở về quê buôn bán, mưu sinh bằng nghề khác mà không đóng bảo hiểm xã hội nữa.

Ngay từ đầu, tôi đã nói về việc này rồi là cần phải có sự linh hoạt để người lao động dễ lựa chọn. Điều đó cũng phù hợp với Chương 2 của Hiến pháp, đảm bảo quyền con người, quyền công dân”.

Đại biểu Bùi Thị An đề nghị cần có sự linh hoạt để người lao động dễ lựa chọn, như vậy là phù hợp với Hiến pháp. ảnh: ddk.
Đại biểu Bùi Thị An đề nghị cần có sự linh hoạt để người lao động dễ lựa chọn, như vậy là phù hợp với Hiến pháp. ảnh: ddk.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Đình Quyền thì thiết kế của Điều 60 cơ bản là đúng, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì vẫn còn một phận người lao động có mong muốn khác, vì vậy lần này điều chỉnh nhưng cần phải ghi rõ lộ trình.

“Chúng ta biết rằng định hướng như vậy là đúng thì theo tôi Quốc hội nên ra Nghị quyết trong đó nói rõ về thời gian thực hiện việc chi trả Bảo hiểm xã hội một lần, và tới thời gian nào thì không thực hiện nữa.

Như vậy sẽ tránh được chuyện lần này sửa luật, nhưng rồi sau này đến một lúc nào đó lại phải sửa luật”.

Tuy nhiên, cá biệt cũng có Đại biểu Quốc hội không tán thành việc trả bảo hiểm một lần.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Vẫn còn một bộ phận người lao động muốn lấy bảo hiểm một lần, tôi cho là không phải luật của chúng ta không phù hợp mà là do tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa tốt nên người dân chưa hiểu.

Trong khi ở các tỉnh khác, các khu công nghiệp khác không có chuyện đó thì chỉ riêng ở điểm đó (Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang – PV) xảy ra chuyện, nên không thể nói là Chính phủ lại phải đi xin lỗi.

Theo tôi, bây giờ chúng ta đã thấy chủ trương đảm bảo an sinh cho người lao động rồi, điều đó là rất tốt, vậy thì các cấp ủy đảng và chính quyền ở địa phương phải vào cuộc tuyên truyền cho nhân dân hiểu”.

Sáng nay (22/5), Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này, tới ngày 27/5 tiếp tục thảo luận tại hội trường.

Ngọc Quang