Ts Trần Công Trục: Cái bẫy nguy hiểm của giàn khoan 981 Trung Quốc năm nay

28/05/2015 07:54
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Trung Quốc có thể "lý sự bắc cầu" rằng, hạ đặt giàn khoan 981 ở "vùng đặc quyền kinh tế Hoàng Sa" mà ta không phản đối, tức là ta thừa nhận.

Xung quanh thông tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại một vùng biển  ngoài cửa vịnh Bắc Bộ mà họ gọi là “mỏ Lăng Thủy 25-1-3”, ngày 21/5 Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích về  bản chất vụ việc này, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Mới đây Cục Hải sự Trung Quốc thông báo trên cổng thông tin điện tử của họ rằng, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động "trên Biển Đông" từ ngày 17/5 đến 7/7 tại khu vực họ gọi là "giếng Lăng Thủy 25-1-3".

Phía Trung Quốc nói rằng, giàn khoan Hải Dương 981 nằm tại tọa độ 17°08′14″.0N/110°00′30″.7E, cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, khoảng 72 hải lý về hướng đông nam và yêu cầu các tàu thuyền cần tránh khu vực hoạt động của giàn khoan trong bán kính 2.000 m để bảo đảm an toàn. 

Hiện nay, đã có những nhận xét đánh giá khác nhau về vị trí hoạt động của giàn khoan và những cảnh báo liên quan đến phạm vi hoạt động của giàn khoan này. Thực chất thì vị trí hoạt động của giàn khoan này chính xác là ở đâu?

Liệu có phải nằm ngoài vùng biển của Việt Nam hay không? Sự hiện diện của giàn khoan ở vùng biển này và vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa gì?

Phải chăng Trung Quốc tiếp tục giăng bẫy để rộng đường triển khai một bước mới trong kế hoạch  thực hiện ý đồ khống chế toàn diện Biển Đông?

Theo tính toán ban đầu thì vị trí này ở cách đường cơ sở ven bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, cách đường cơ sở ven bờ đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 70 hải lý, cách đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp khoảng 84 hải lý.

Với cự ly khoảng cách của vị trí này thì có thể thấy đây là vị trí được Trung Quốc tinh toán, lựa chọn khá kỹ để, một mặt, dễ bề áp đặt quan điểm có lợi cho mình trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ và mặt khác, để bảo vệ cho lập trường không thể chấp nhận của họ: “Tây Sa hoàn toàn của Trung Quốc, không cần bàn cãi, không chấp nhận đàm phán giải quyết…”  

Có 2 nội dung cần được  làm sáng tỏ để nhận ra “cái bẫy pháp lý” này:

1. Vị trí này nằm lệch về phía Đông của một “đường trung tuyến giả định” khoảng 20 hải lý, dễ  tạo ra cảm giác rằng giàn khoan này  hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc, nếu tình theo đường trung tuyến giả định nào đó.

2. Vị trí này, nếu theo quan điểm của Trung Quốc, là ở trong vùng Đặc quyền kinh tế của quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), nếu tình từ đảo Đá Bắc, một điểm cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã bóp méo quy định của UNCLOS 1982 về việc thiết lập hệ thông đường cơ sở cho quốc gia quần đảo để thiết lập và công bố chính thức vào năm 1998. 

Chúng ta hãy cùng nhau phân tích kỹ từng nội dung một:
   
Một là, đường trung tuyến được sử dung như thế nào trong đàm phán phân định ranh giới biển?

 Về nguyên tắc, theo quy định của UNCLOS 1982, vùng chồng lấn được tạo thành bởi phạm vi của vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa giữa 2 quốc gia ven biển nằm đối diện hay liền kề nhau, trong khi đàm phán mà chưa có được ranh giới cuối cùng thì không bên nào được tự ý đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác hay bất cứ hành động nào để khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong toàn bộ  khu vực biển chồng lấn này.

Nếu muốn có hoạt động thăm dò, khai thác hay các hoạt động kinh tế - khoa học nào  khác thì phải được thỏa thuận giữa 2 bên về một giải pháp tạm thời có tính thực tiễn và khi áp dụng giải pháp này không được làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán phân định theo nguyên tắc công bằng mà hai bên có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, hiên nay còn có ý kiến cho rằng, trong khi chưa có đường phân định cuối cùng, có thể tạm thời sử dụng một “đường trung tuyến giả định” làm căn cứ giải quyết các hoạt động của hai bên tại khu vực chồng lấn  này. Liệu ý kiến này có hoàn toàn phù hợp với Luật pháp và Thực tiễn quốc tế không?

Đúng là trong phần lớn vùng biển chồng lấn, các quốc gia hữu quan khi đàm phán phân định, người ta thường sử dụng phương pháp đường trung tuyến làm đường phân định ranh giới vùng biển liên quan.

Vì vậy, theo luật pháp và thực tiễn quốc tế thì đường trung tuyến hay đường trung tuyến có điều chỉnh là phương pháp phân định có khả năng đáp ứng được nguyên tắc công bằng.

Đánh dấu trên bản đồ của Google vị trí giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt năm nay theo tọa độ Cục Hải sự nước này công bố 17°08′14″.0N/110°00′30″.7E
Đánh dấu trên bản đồ của Google vị trí giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt năm nay theo tọa độ Cục Hải sự nước này công bố 17°08′14″.0N/110°00′30″.7E

Tuy nhiên trong thực tế, qua một số bản án của Tòa án Trọng tài quốc tế, nhất là vụ xét xử việc phân định biển Manche giữa Pháp và Anh, các thẩm phán có bình luận rằng trung tuyến là phương pháp thường được sử dụng trong phân định, nhưng không phải lúc nào phương pháp này cũng đảm bảo được nguyên tắc công bằng.

Bởi vì, trung tuyến sẽ được xác định tính từ các điểm cơ sở nhất định mà những điểm này thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiện hữu của các vị trị địa lý được thống nhất lựa chọn nằm dọc theo bờ biển của mỗi bên để tính toán xác định, thông thường thì phải điều chỉnh do phải tính đến các hoàn cảnh, điều kiện có liên quan…

Cho nên, có thể nói rằng khó có thể có một “trung tuyến” duy nhất và đích thực là trung tuyến theo đúng đinh nghĩa khoa học. Trong một khu vực biển có thể có nhiều trung tuyến có điều chỉnh thích hợp, phụ thuộc vào phương pháp tính toán xác định của các chuyên gia kỹ thuật.

Và vì vậy, việc vạch ranh giới phải dựa trên cơ sở địa lý, dựa vào nguyên tắc đất thống trị biển và nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển cũng là một thước đo phỏng chừng cho sự công bằng.

Thậm chí, dù tỷ lệ diện tích bằng tỷ lệ chiều dài bờ biển, vẫn có thể tồn tại những sự bất công mà nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển không phát hiện được.

Vì vậy cần phải xét đến các khía cạnh địa lý, quan trọng nhất là đường trung tuyến được vạch giữa những điểm nào và ảnh hưởng của các đảo trong việc vạch và điều chỉnh đường trung tuyến như thế nào?

Hơn nữa, theo quy định của UNCLOS 1982 thì đường trung tuyến chỉ được phép sử dụng làm ranh giới tạm thời cho vùng lãnh hải chồng lấn giữa các quốc gia ven biển có bờ biển kế cận hay đối diện nhau:

Điều 15: Việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau: 

“Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác.”

Còn vùng chồng lấn giữa hai vùng Đặc quyền kinh tế, UNCLOS 1982  không có quy định nào đề cập đến đường trung tuyến theo nghĩa được coi là giới hạn tạm thời để phân biệt vùng biển của bên này hay bên kia:

Điều 74. Hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau:

1. Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.

2. Nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.

3. Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.

4. Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó.

Vả lại, hai bên đàm phán cho đến nay, dường như cũng chưa hề thống nhất áp dụng đường trung tuyến, dù là một đường tạm thời hay một đường phân định cuối cùng.

Cho nên, nếu đơn phương dùng nó để phân biệt phạm vi biển thuộc bên này hay bên kia để xử lý các mối quan hệ có thể được hiểu đó là phương án tối đa của ta về con đường phân định mà trong đàm phán có thể ta chưa đưa ra hoặc đã đưa ra mà phía Trung Quốc chưa chấp nhận. Điều này sẽ gây khó khăn, bất lợi cho ta, kể cả trong khi đang đàm phán, lẫn  ứng xử trên thực tế …

Nhân đây, cũng xin được cung cấp kỹ hơn về giải pháp “gác tranh chấp cùng khai thác” mà Trung Quốc thường nêu ra như là một giải pháp tạm thời để áp dụng cho hầu hết Biển Đông, tất nhiên là trừ vùng biển quần đảo Hoàng Sa và có thể cả vùng chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ nếu việc xác định nó lại có dính dáng đến quần đảo Hoàng Sa.

Quan điểm này đã được cựu Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đề xuất từ năm 1978. Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 25-10-1978, Phó thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda rằng, có thể để các thế hệ sau giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và trong quan hệ ngoại giao, hai nước nên lấy quyền lợi chung làm ưu tiên.

Trong các cuộc đàm phán về sau, Trung Quốc vẫn luôn nhắc lại với dụng ý rằng, hầu hết Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nằm trong yêu sách đường lưỡi bò, đang có tranh chấp, thì cần áp dụng chủ trương quá độ, “chủ quyền của Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Và tất nhiên không ai có thể chấp nhận chủ trương này.

Trong thỏa thuận nguyên tắc giữa Việt Nam và Trung Quốc , Trung Quốc không thể đưa câu “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” vào Tuyên bố chung, thay vào đó Trung Quốc đồng ý “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên”.

Với ý tứ này, Trung Quốc đang muốn “đánh đồng” đề xuất gác tranh chấp cùng khai thác với giải pháp  hợp tác cùng khai thác có ý nghĩa thực tế theo quy định của UNCLOS 1982, để áp dụng cho hầu hết Biển Đông nhằm mục đích biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, từng bước giành thế chủ động độc chiếm Biển Đông theo yêu sách "đường lưỡi bò" mơ hồ mà họ đã chính thức hóa trên trường quốc tế cũng như đang có những hoạt động cụ thể để giành lấy sự công nhận quốc tế đối với yêu sách này.

Ông Đặng Tiểu BÌnh và Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda.
Ông Đặng Tiểu BÌnh và Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda.

Rõ ràng là quan điểm gác tranh chấp cùng khai thác của Trung Quốc đã vượt qua mọi quy định của UNCLOS 1982, thậm chí không có trong tiền lệ các án lệ của luật pháp và thực tiễn quốc tế đã áp dụng đối với giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo, quần đảo trên biển.

Như chúng ta đã biết, mặc dù  Trung Quốc luôn luôn chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, nhưng họ chỉ muốn “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên vùng biển và thềm lục đia hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của UNCLOS 1982.

Còn đối với vùng biển mà Trung Quốc thấy bất lợi, ảnh hưởng đến lập trường vô lý “quần đảo Tây Sa là lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm” của họ thì họ tìm cách khước từ.  

Vì vậy, Trung Quốc không nặm mà, nếu không muốn nói là đã phớt lờ, đối với đề xuất áp dụng giải pháp tạm thời “cùng khai thác” (joint development) trong vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ theo đúng quy định của UNCLOS 1982.

Hai là, vị trí giàn khoan này có phải chỉ liên quan đến  vùng biển quần đảo Hoàng Sa theo quan điểm của Trung Quốc không?

Nguy hiểm hơn nữa là vị trí hạ đặt giàn khoan 981 năm nay cũng khá gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp hoàn toàn từ năm 1974 đến nay.

Có thể Trung Quốc đã tính toán rằng nếu như không vấp phải phản đối của Việt Nam, sau này Trung Quốc lý sự rằng vị trí hạ đặt giàn khoan 981 lần này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa để cố tình sửa đổi hiệu lực pháp lý của quần đảo này.

Bởi vì theo UNCLOS 1982, Hoàng Sa là một quần đảo không có đời sống kinh tế độc lập và do đó không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Nó chỉ có 12 hải lý tính từ mỗi đảo nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, vì vậy không thể vạch đường cơ sở bao lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Nếu một khi thừa nhận dù là vô tình rằng Hoàng Sa có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, là thừa nhận quan điểm của Trung Quốc và cũng là mục đích tối hậu của họ, thừa nhận họ có cái gọi là "chủ quyền" với quần đảo này.

Đây là cái bẫy nguy hiểm nhất. Bất chấp thực tế xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa của Việt Nam, cho đến nay Trung Quốc vẫn khăng khăng không chịu đàm phán và tuyên bố Hoàng Sa thuộc về họ, không có tranh chấp.

Trung Quốc có thể "lý sự bắc cầu" rằng, hạ đặt giàn khoan 981 ở "vùng đặc quyền kinh tế Hoàng Sa" mà ta không phản đối, tức là ta thừa nhận.

Do đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của ta cần có phương án phản ứng phù hợp để bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vốn dĩ hoàn toàn hợp pháp, tránh những cái bẫy pháp lý hết sức nguy hiểm mà Trung Quốc đang cố tình giăng ra trước mặt chúng ta.

Ts Trần Công Trục