LTS: Tiếp theo bài phân tích "Hiểu như thế nào về nguyên tắc "giữ nguyên hiện trạng" ở Biển Đông?", Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ tiếp tục gửi tới bạn đọc báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về nguyên tắc "trước sau như một" trong vấn đề Biển Đông, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Nguyên tắc pháp lý "trước sau như một" trong vấn đề Biển Đông
"Estoppel" bắt nguồn từ chữ Pháp estouppail, estopper và tiếng La tinh là 'stupa'. Chữ "estoppel" được Từ điển Collins của nước Anh định nghĩa như sau: "Estoppel" là quy tắc về bằng chứng, theo đó, một cá nhân không được phép phủ nhận sự thật về điều mà trước đây người này đã tuyên bố hoặc về những sự kiện mà người này cho là có thật’. Nói một cách nôm na đó là nguyên tắc phải “trước sau như một”.
Theo thông lệ trong hệ thông luật của Pháp, Anh, Mỹ, có ít ra là 4 loại quy tắc về bằng chứng: Estoppel by conduct, Estoppel by deed, Estoppel by record và Equitable estoppel.
Trong 4 loại bằng chứng kể trên thì Equitable estopel được sử dụng nhiều nhất trong Luật Ủy thác (Law of Trust) và Luật vi phạm dân sự (người bị thiệt hại có thể đòi bồi thường, Law of Tort). Equitable estoppel lại phân ra làm hai: Proprietary estoppel (bằng chứng liên quan đến tài sản) và Promissory estoppel (bằng chứng liên quan đến lời hứa).
Trong luật pháp và thực tiễn quốc tế, nguyên tắc này cũng đã được vận dụng để xem xét những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ có liên quan đến những tuyên bố của đại diện có thẩm quyền của các bên tranh chấp. Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel”. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó gây thiệt hại cho quốc gia khác.
Vì vậy, "estoppel" phải hội đủ các điều kiện chính:
(1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch;
(2) Quốc gia khiếu nại "estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động;
(3) Quốc gia khiếu nại "estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó;
(4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án "Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án "Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án "Ngôi đền Preah Vihear”…
Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel, người Việt Nam, nhất là những cơ quan hoặc cá nhân người có thẩm quyền hay các cơ quan báo chí truyền thông cần phải thật sự thận trọng, cân nhắc khi phát biểu, tuyên bố có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Nếu phát biểu vì động cơ chính trị mà quên đi những nguyên tắc pháp lý thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên phương diện pháp lý. Trong luật quốc tế, đi đôi với chủ quyền là trách nhiệm thực thi chủ quyền và không cho nước khác làm điều mà họ cho là thực thi chủ quyền trên lãnh thổ của mình.
Đặc biệt chú ý tới các thực thể không phải đảo nổi, đảo chìm nhưng nằm trong quần đảo Trường Sa
Nhiều học giả quốc tế cho rằng: sự không khẳng định chủ quyền không phải là công nhận chủ quyền của nước khác, nhưng nếu trong khi nước khác đòi và có hành động chủ quyền mà mình không khẳng định trong một thời gian dài thì có thể dẫn đến việc mất chủ quyền.
Công sự nhà nổi Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập sau khi xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Nay Trung Quốc tiếp tục cải tạo bất hợp pháp, biến bãi đá này thành đảo nhân tạo và đặt căn cứ quân sự tại đây. |
Cho nên, quan điểm cho rằng không nên làm lớn chuyện Trung Quốc biến đá thành đảo ở 5 bãi đá ở Trường Sa, trong đó có đá Chữ Thập, để trở thành 1 căn cứ quân sự, vì chúng ta cũng xây dựng và mở rộng ở Trường Sa, vì cả làng cùng xây dựng là cực kỳ nguy hiểm và không thể chấp nhận. Bởi lẽ quan niệm này đồng nghĩa với việc đã thừa nhận Trường Sa là bãi đất vô chủ, ai làm gì thì làm.
Cho đến nay, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng.
Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực.
Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo của Việt Nam nằm giữa Biển Đông mà phạm vi của chúng đã được xác định trong các tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Tuy nhiên cho đến nay, liên quan đến phạm vi, vị trí, tên gọi của các thực thể địa lý (land features) thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm, thông tin khác nhau. Một số phương tiện truyền thông Việt Nam thời gian qua khi đưa tin về vấn đề biển đảo đã vô tình sử dụng bỏ sót một số các đảo nổi, đảo chìm, bãi đá thuộc 2 quần đảo này, mặc dù trên bản đồ hành chính quốc gia Việt Nam và các hải đồ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã ghi rất rõ vị trí, tên gọi của các thực thể địa lý của 2 quần đảo này.
Ví dụ: bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong… mặc dù là một bộ phận cấu thành chặt chẽ thuộc quần đảo Trường Sa, đã từng được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khẳng định một cách rõ ràng, nhưng vẫn có quan điểm sai trái cho rằng những khu vực này là của Philippines, vì nó nằm trong phạm vi 200 hải lý kể từ bờ biển của họ mà họ tuyên bố, hoặc chúng chỉ là những bãi cạn không liên quan gì đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nên không cần lên tiếng trước những động thái vi phạm đến các “thực thể” này.
Vậy thì các thực thể (đảo, đá, bãi cạn, đảo chìm, đảo nổi…) của 2 quần đảo này cụ thể như thế nào?
Trong một số tài liệu, bản đồ đã xuất bản từ trước đến nay đã từng đề cập đến nội dung này. Chẳng hạn, vào những năm 30 của thế kỷ trước, Cộng hòa Pháp trong khi thực thi chủ quyền ở Trường Sa, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, đã từng công khai tuyên bố rất chặt chẽ về phạm vi của quần đảo Trường Sa; cụ thể, ngày 26 tháng 7 năm 1933, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo về hành động chiếm đóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa kèm theo danh sách liệt kê tên các đảo đã chiếm hữu cùng tọa độ, bao gồm:
1. Đảo Spratly (chiếm ngày 13 tháng 4 năm 1930),
2. Đảo Caye-d'Amboine (7 tháng 4 năm 1933),
3. Đảo Itu-Aba (10 tháng 4 năm 1933),
4. Nhóm Song Tử (groupe de Deux-îles 10 tháng 4 năm 1933)
5. Đao Loaita (11 tháng 4 năm 1933),
6. Đảo Thi-Tứ (12 tháng 4 năm 1933),
7. Và các thành phần phụ thuộc của từng đảo này (ile de Spratly et y dépendances).
Chính phủ Pháp không quên đề cập đến các “phụ thuộc” (dépendances) của từng đảo nổi mà họ đã chiếm đóng. Các “phụ thuộc” đó là những thực thể không thể tách rời của 2 quần đảo này.
Sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép về việc các chúa Nguyễn thành lập Đội Hoàng Sa và Đội Bắc hải để hàng năm ra hai quần đảo này làm nhiệm vụ. Đây là bằng chứng về viêc thực thi chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ XVII. |
Ngay từ thế kỷ XVII, cha ông chúng ta, mặc dù trình độ khoa học kỹ thuật, hàng hải còn thô sơ, nhưng cũng đã từng đếm được số lượng đảo của “bãi Cát Vàng”:
“…Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt….”(Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn biên soạn năm 1776).
Đối chiếu với số lượng các đảo, đá, bãi cạn đã được liệt kê khá chi tiết hiện nay thì có thể thấy rằng các số liệu này gần tương đương nhau… Những thông tin nói trên cũng có thể đã giải đáp được phần nào những quan niệm phiến diện cho rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa chỉ bao gồm các đảo nổi; các đá, bãi cạn, không phải là những “thực thể” thuộc 2 quần đảo này.
Vì vây, nếu không kịp thời lên tiếng phản đối hay ngăn cản những hành động xâm phạm đến các thực thể địa lý nằm trong phạm vi của 2 quần đảo này hoặc phát biểu trái ngược với những nội dung nói trên, sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý tồi tệ.