Những bộ xương
Trong một lần trả lời báo chí, Lý Xuân Hải đã nói về bí quyết chế ngự lòng tham và sự sợ hãi trong nghề kinh doanh tiền tệ, đó là sợ và tham lam một cách hợp lý.
Nhưng, những nhà lãnh đạo của ACB đã đi ngược lại chính phát biểu của mình. Những ông “sếp” từng trải, nhiều kinh nghiệm, nhiều thành tích lần lượt vướng vòng lao lý. Ấy là những bộ “xương sống”: Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; Lê Vũ Kỳ; Trịnh Kim Quang; Phạm Trung Cang; Lý Xuân Hải; Huỳnh Quang Tuấn.
Sự hiểu biết về luật pháp của những “bộ xương sống” trên chắc là không thiếu nhưng chính họ lại thực hiện các hành vi ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các tổ chức tín dụng khác và hành vi chỉ đạo, tổ chức việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB gây thiệt hại trước hết cho chính các cổ đông của ngân hàng do mình lãnh đạo, làm “méo mó, rối loạn thị trường tiền tệ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoạch định và ban hành các chính sách vĩ mô quản lý thị trường tiền tệ.
Kết quả điều tra cho thấy, tính từ tháng 3/2010 đến 9/2011, ACB đã thực hiện ủy thác gửi tiền vào tổng số 29 tổ chức tín dụng với số tiền 37.760.057.501.863 đồng và 71.358.329 USD với lãi và phí từ 11,2 đến 27%/năm, tổng lãi đã thu là 1.586.718.168.352 đồng và 1.271.498 USD, trong đó khoản lãi vượt trần thu lợi bất chính trên 243 tỷ đồng.
Chính chủ trương và việc triển khai chủ trương này đến nay còn gây ra thiệt hại cho ACB 718 tỷ đồng khi đã mắc phải bẫy lừa của Huỳnh Thị Huyền Như.
Sự tham lam đã không còn hợp lý như lời Lý Xuân Hải. Ảnh mang tính minh họa |
Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn là những cá nhân có trách nhiệm với các cổ đông ACB trong việc hoạch định các chủ trương kinh doanh tuân thủ pháp luật nhằm đem lại lợi nhuận hợp pháp cho ACB nhưng ngày 22/03/2010 lại ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.
Lý Xuân Hải từng “toả sáng” với nhiều đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của toàn hệ thống ACB như mở rộng mạng lưới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ hiện đại, hợp tác quốc tế, nhưng lại đề xuất chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên ngân hàng ACB và các công ty thành viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.
Lê Vũ Kỳ, một trong những gương mặt làm nên mô hình quản trị độc lập tại ACB và là người tạo nền móng cho hệ thống ngân hàng lõi của ACB; Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang những gương mặt gắn bó và đồng hành cùng ACB nhiều năm - cũng “buông bút” đồng tình với chủ trương sai trái.
Huỳnh Quang Tuấn, dù là thành viên tham dự cuộc họp nhưng đã đồng tình với chủ trương ủy thác sai trái nên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngôi sao tắt
Nhân vật chính của vụ án này dĩ nhiên là Nguyễn Đức Kiên, hay bầu Kiên, là người có tiếng trong giới tài chính ngân hàng, không chỉ ở tiềm lực tài chính mà còn nổi bật với tính cách “lạ” và những phát ngôn mạnh miệng.
Kết quả điều tra cho thấy, từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do bầu Kiên là Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền trên 21.490 tỷ đồng. Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng, ông ta đã thực hiện các hành vi như góp vốn mua cổ phần lẫn nhau (sở hữu chéo); góp vốn mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác; phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu của nhau, của các công ty khác, hoặc để bán cho ngân hàng khác…
Không chỉ thực hiện hành vi kinh doanh trái phép, ông bầu này còn lợi dụng việc mua bán cổ phần để tự mình và đẩy Trần Ngọc Thanh – Giám đốc ACBI cùng Nguyễn Thị Hải Yến – Kế toán trưởng ACBI phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
“Tội đẻ ra tội”, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng xác định, thông qua việc kinh doanh vàng trạng thái trái phép, ông Kiên còn bị Cơ quan điều tra khép tội trốn thuế theo điều 161 của Bộ luật hình sự.
Trong năm 2009, lợi dụng Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, Công ty B&B của Kiên đã thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái được lãi số tiền 100.046.895.705 đồng, chỉ bằng việc ký Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25/12/2008, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của Công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên và cổ đông của Công ty B&B) để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 25.011.723.928 đồng.
Nguyễn Đức Kiên – người từng được đánh giá là “thổi vào ACB những tham vọng tưởng chừng như không thể đạt được”, người một thời gian dài đã thao túng thị trường chứng khoán, thao túng ngân hàng đang phải đối mặt với tội trạng có mức án phạt tù chung thân.
Không biết “tham vọng tưởng chừng như không thể đạt được ấy” đã thực hiện được đến đâu, nhưng ông và dàn lãnh đạo “đi lầm đường” của ACB đã không chỉ gây tổn thất về tài chính cho ACB, mà đã đánh mất cả uy tín thương hiệu, lòng tin của khách hàng và chính nội bộ Ngân hàng này.
Bi kịch này không chỉ là sai phạm của một, hai cá nhân mà dư luận không thể không đặt câu hỏi liệu đó có phải là sai phạm có tính hệ thống của cả HĐQT, Ban điều hành ACB, là sự thất bại trong công tác quản trị điều hành từ HĐQT, Ban điều hành cho tới cấp quản lý trung gian, các cấp triển khai?
- Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB từ năm 2003 đến tháng 8-2012, Phó Chủ tịch HĐQT ACB từ 1994 -2008.
- Năm 2007, bầu Kiên đề nghị HĐQT lập Hội đồng Sáng lập ACB và làm Phó Chủ tịch. Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, tiếng nói của bầu Kiên có ảnh hưởng và chi phối, quyết định nhiều hoạt động quản trị, điều hành của ACB.
- Trong các năm từ 2006 – 2008, Kiên liên tiếp thành lập và làm người đứng đầu (Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV) của 6 công ty:
1. Công ty CP Phát triển SX và XNK Thiên Nam (thành lập 01/1995)
2. Công ty CP ĐT ACB Hà Nội (ACBI, thành lập 11/2006)
3. Công ty CP Đầu tư Á Châu (ACI, thành lập 11/2006)
4. Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG, thành lập 01/2007)
5. Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN, thành lập 03/2008)
6. Công ty CP ĐTTM B&B (thành lập 12/2008).