Trong những ngày qua dư luận phản ánh việc trên thị trường xuất hiện nhiều sách tham khảo, luyện thi trắc nghiệm cho học sinh, phản ánh về tình trạng cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT tham gia viết sách hướng dẫn ôn tập thi THPT quốc gia.
Điều này dẫn đến tâm lý không khỏi băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh rằng nếu chỉ ôn tập theo sách giáo khoa và tài liệu do giáo viên biên soạn có đủ đạt yêu cầu so với cách ra đề thi THPT quốc gia hay không?
Vậy tính chính thống của những loại sách tham khảo này như thế nào, nên chọn ra sao?
Trả lời báo chí vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết:
Trước hết, phải khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn, không chủ trương phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các kì thi.
Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm các nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và giáo viên lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua sách hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, luyện thi hoặc ép buộc học sinh học thêm, luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào.
Bộ sẽ tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (Ảnh: Xuân Trung) |
Cũng theo Thứ trưởng Ga, ngay sau khi có phản ánh của báo chí về việc một số sách ôn thi xuất hiện trên thị trường có tên tác giả là một số cán bộ đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ, Bộ đã kiểm tra, xác minh.
Thứ trưởng khẳng định rằng, các cán bộ này chỉ tham gia với tư cách cá nhân như các tác giả khác, không liên quan đến việc chỉ đạo chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ.
“Vì vậy, nội dung của các cuốn sách này cũng chỉ có giá trị tham khảo như các sách tham khảo khác có trên thị trường” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại diện lãnh đạo Bộ này cũng thừa nhận việc cán bộ của Bộ tham gia xuất bản sách nói trên dù với tư cách cá nhân cũng không phù hợp với chủ trương của Bộ.
Từ nhà trường đến tổ ấm ở Việt Nam đang tràn ngập trong 2 chữ “bài tập”(GDVN) - “Tôi cứ suy nghĩ mãi rằng, liệu giáo dục Việt Nam có quá tải? Liệu trẻ em Việt Nam có được học nhiều và sắp trở thành các thiên tài, thần đồng?". |
“Bộ đã yêu cầu các cá nhân này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Bộ sẽ xem xét và có hình thức xử lý phù hợp nếu có vi phạm”.
Bộ cũng đề nghị các nhà xuất cần thận trọng hơn trong việc xuất bản và phát hành các tài liệu có sự tham gia của các cán bộ đang làm việc tại Bộ GD&ĐT để tránh hiểu nhầm không đáng có”, Thứ trưởng Ga khẳng định.
Thứ trưởng lưu ý học sinh rằng những câu hỏi trong đề thi minh họa và đề thi kỳ thi THPT quốc năm 2017 sắp tới được xây dựng theo một quy trình khoa học, khách quan, nghiêm ngặt và đặc biệt được thử nghiệm cẩn thận để chuẩn hóa.
Nếu học sinh sử dụng những tài liệu luyện thi và các bộ câu hỏi, đề thi trong các tài liệu ôn tập trên thị trường không đảm bảo được các yếu tố vừa nêu thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học tập, ôn tập và kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Cách tốt nhất để các em học tập, ôn tập có kết quả tốt là thực hiện theo đúng chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Các thầy, cô giáo là những người có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn các em ôn tập tốt.
"Điều quan trọng là, giáo viên cần hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; biết cách tham khảo, phân loại các câu hỏi, bài tập trong sách bài tập để luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các loại câu hỏi, bài tập đó;
Với mỗi loại câu hỏi, bài tập học sinh cần phải suy nghĩ, lật đi, lật lại vấn đề, liên hệ với thực tiễn, nghĩa là biết "tự ra đề cho mình từ những câu hỏi, bài tập đã có" để vừa khắc sâu về kiến thức, vừa thành thạo về kĩ năng vận dụng kiến thức.
"Giáo viên và học sinh cũng có thể sử dụng một vài tài liệu tham khảo nhưng trước hết cần phải làm tốt những điều nói trên để có đủ cơ sở lựa chọn được tài liệu tham khảo phù hợp nhất đối với mình", Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhắn nhủ.