Âm nhạc học là ngành phân tích, nghiên cứu về âm nhạc và các vấn đề có liên quan đến âm nhạc. Tuy nhiên, có một số ý kiến nhìn nhận, đây là ngành học khá khó, đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng và cần có niềm đam mê thực sự; đặc biệt, khi cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp.
Cơ hội việc làm dành cho sinh viên ngành Âm nhạc học ngày càng thắt chặt
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đinh Lăng - Trưởng khoa, Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Ngành Âm nhạc học là ngành học phân tích, nghiên cứu về âm nhạc và các vấn đề có liên quan đến âm nhạc. Sinh viên ngành Âm nhạc học sẽ được đào tạo và trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn; nắm vững các hệ thống kiến thức về lĩnh vực âm nhạc học: Phê bình âm nhạc; Âm nhạc dân tộc học; Lịch sử và lý luận âm nhạc… Có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá, nghiên cứu và phê bình trong âm nhạc.
Sau khi học xong, sinh viên ngành Âm nhạc học sẽ biết được lối tư duy, phân tích, tổng hợp, tiếp cận và phát triển vấn đề. Bên cạnh đó, sinh viên được học thêm về đàn piano và một số môn học khác liên quan đến biểu diễn sân khấu”.
Tiến sĩ Trần Đinh Lăng cho biết thêm, trong những năm gần đây, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh có rất ít thí sinh đăng ký vào ngành Âm nhạc học. Năm học 2023-2024, hệ trung cấp chỉ có 2-3 sinh viên, hệ đại học không có sinh viên nào.
Mặc dù ít, nhưng việc tổ chức lớp học không bị ảnh hưởng hay khó khăn. Với một số môn học chung, sinh viên ngành Âm nhạc học sẽ học cùng sinh viên ngành Sáng tác Âm nhạc, Chỉ huy Âm nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây. Những môn chuyên ngành, dù có ít hay nhiều, sinh viên sẽ được học riêng 1 thầy 1 trò.
Dự kiến, năm 2025, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh khoảng 10 chỉ tiêu ngành Âm nhạc học hệ đại học; đối với hệ trung cấp, không giới hạn chỉ tiêu. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đăng ký sẽ rất ít, gần như không có nhiều sự cạnh tranh.
Theo thầy Lăng, nguyên nhân dẫn đến việc ngành Âm nhạc học ít sinh viên theo học vì có nhiều ngành học khác về âm nhạc hấp dẫn hơn. Ngoài ra, đây là một ngành khó, khá vất vả để theo học, sinh viên cần có sự kiên nhẫn, bền bỉ. Việc đạt được kết quả xuất sắc khi tốt nghiệp là rất hiếm.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Thanh Nhàn - giảng viên Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cũng nhấn mạnh: “Âm nhạc học là ngành học mang tính đặc thù, việc tuyển chọn đầu vào rất khó. Các thí sinh khi lựa chọn ngành này thường đã tìm hiểu kỹ và có sự tính toán nhất định. Ngoài năng khiếu, đam mê, sinh viên còn cần duy trì sự nhẫn nại, kiên trì và lòng nhiệt huyết với nghề.
Để sẵn sàng thi vào ngành Âm nhạc học, thí sinh phải trang bị kiến thức nền tảng vững chắc về lý thuyết và các môn gần với chuyên ngành như: Ký xướng âm, Phân tích tác phẩm, Hoà thanh, Piano… và có kỹ năng viết bài luận tại chỗ.
Sau khi tốt nghiệp ngành Âm nhạc học, sinh viên có thể đi theo con đường giảng dạy, nghiên cứu, phê bình, biên tập các chương trình âm nhạc tại đài truyền hình, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục có đào tạo âm nhạc. Tuy nhiên, những công việc này cần khá ít nhân sự.
Về thu nhập, nhìn chung, sinh viên ngành Âm nhạc học làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan nhà nước, sẽ đảm bảo mức lương theo quy định nhà nước”.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Nhàn, trong những năm gần đây, ngành Âm nhạc học “kén” người học do “đầu vào” khó, “đầu ra” ít có cơ hội làm đúng chuyên ngành. Cơ hội của sinh viên ngành Âm nhạc học ngày càng thắt chặt hơn do thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí làm việc. Một nhân sự sẽ giữ vị trí làm việc trong một khoảng thời gian dài cho đến khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Điều này khiến sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm đúng chuyên môn khó khăn hơn.

Đổi mới đào tạo phải gắn với thực tiễn
Tiến sĩ Đỗ Thanh Nhàn cũng chỉ ra, hiện nay, chương trình đào tạo, giáo trình ngành Âm nhạc học của cơ sở giáo dục đại học đâu đó còn chưa phù hợp với thực tiễn dẫn tới kết quả đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ngoài ra, hệ thống tài liệu về lý luận và phê bình âm nhạc chưa được cập nhật đầy đủ theo xu hướng quốc tế.
Vì vậy, xây dựng giáo trình phù hợp với thực tiễn là vấn đề cần sớm được triển khai. Chương trình đào tạo phải kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, nâng cao nhận thức và tính ứng dụng âm nhạc học trong giáo dục. Đặc biệt, chất lượng đào tạo phải gắn liền với thực tiễn.
“Để thu hút sinh viên và giải quyết được vấn đề đầu ra, chương trình đào tạo cần được thay đổi để hấp dẫn người học, đảm bảo sinh viên ra trường có khả năng tìm việc đúng chuyên môn với mức thu nhập ổn định. Các cơ sở đào tạo có thể mở rộng thêm các nhánh đào tạo mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đời sống xã hội như: Âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ, âm nhạc để chữa bệnh, chữa lành tâm hồn...” - nữ tiến sĩ đề cập.
Chia sẻ về quá trình học ngành Âm nhạc học, chị Dương Ngọc Thanh (sinh năm 1994), cựu sinh viên ngành Âm nhạc học (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay: “Hiện tại, tôi đang đi dạy đàn Piano ở một số quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm mới ra trường, tôi xác định bản thân sẽ làm đúng với chuyên môn, nên luôn tìm kiếm những cơ hội có liên quan đến ngành học. Tuy nhiên, có khá ít lĩnh vực có thể lựa chọn, chính vì vậy, tôi đã quyết định học cao học để bổ sung thêm kiến thức và tìm kiếm thêm cơ hội cho bản thân”.
Theo chị Dương Ngọc Thanh, Âm nhạc học là ngành mang tính nghệ thuật nên điều đầu tiên cần phải có là năng khiếu. Ngoài ra, người học cần có thêm đam mê, kiên trì, sự nhẫn nại với việc nghiên cứu âm nhạc.
Chị Thanh chia sẻ thêm: “Với những bạn đang có ý định lựa chọn ngành Âm nhạc học, cần trang bị cho bản thân kiến thức nhạc lý về: xướng âm, nốt, học chơi một loại nhạc cụ. Bởi, để thi vào ngành Âm nhạc học, cần phải vượt qua hai môn năng khiếu. Việc hiểu biết về nhạc lý, nhạc cụ là điều rất cần thiết.
Quá trình học ngành Âm nhạc học khá khó khăn, với nhiều môn học đòi hỏi tư duy cao và “nặng” về lý thuyết. Có một thực trạng phổ biến hiện nay, nhiều bạn bỏ qua hệ trung cấp, thi thẳng vào đại học. Tuy nhiên, đến năm 2 hoặc năm 3, sinh viên thường rơi vào tình trạng đuối sức, nản chí vì phải đối mặt với khối lượng lớn kiến thức chuyên sâu khi chưa có nền tảng vững chắc, khiến việc học trở nên vô cùng vất vả”.

Đồng quan điểm đó, chị Đinh Nguyễn Huyền Trân (sinh năm 1997), cựu sinh viên ngành Âm nhạc học (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), hiện đang công tác tại Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều sinh viên cùng ngành. Ngay từ năm học thứ 4, với sự thể hiện tốt trong quá trình học tập, tôi đã được giảng viên trong Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học của nhà trường giới thiệu và đề nghị cho được thử sức làm việc tại Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tôi, ngành Âm nhạc học của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung vào nghiên cứu, phân tích các vấn đề có trong một tác phẩm hoặc giới thiệu, tổ chức, biên đạo một chương trình âm nhạc.
Những năm gần đây, thầy cô hướng dẫn sinh viên làm khóa luận, luận văn tốt nghiệp theo hướng mở rộng với nhiều mảng đề tài hơn. Thay vì, chỉ nghiên cứu một thể loại âm nhạc, vấn đề, tác phẩm… thì nên tìm hiểu, giới thiệu về sách liên quan đến âm nhạc hoặc các chương trình âm nhạc chưa được nhiều người biết đến”.
Theo chị Trân, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Âm nhạc học có thể làm ở một số vị trí như: biên kịch, biên tập chương trình về âm nhạc, tổ chức chương trình, giảng dạy. Tuy nguồn nhân lực về Âm nhạc còn thiếu, nhưng câu chuyện làm ở đâu và khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc đến đâu lại là vấn đề khác.

Người học Âm nhạc học cần biết nhiều ngoại ngữ
Còn theo chị Lưu Nguyệt Hoàng Yến (sinh năm 1995), cựu sinh viên ngành Âm nhạc học (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), hiện đang giảng dạy tại một trung tâm Piano ở huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: “Ngành Âm nhạc học là một ngành học khá khó, đòi hỏi người học phải thực sự có đam mê về nghiên cứu âm nhạc cũng như kiến thức về hòa âm, phối khí, lịch sử, hiểu biết về tác giả - tác phẩm. Nếu không có kiến thức nền về âm nhạc, tư duy phản biện, tư duy nghiên cứu và đào sâu vấn đề, việc học sẽ rất vất vả và dễ khiến người học nản chí.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên nên trau dồi kỹ năng về ngoại ngữ. Ngoài tiếng Anh, cần tìm hiểu thêm về tiếng Đức, tiếng Pháp để học các môn về âm nhạc phương Tây, tiếng Trung Quốc để tìm hiểu về âm nhạc phương Đông. Việc biết nhiều ngoại ngữ sẽ giúp việc tìm kiếm, tiếp cận tài liệu về âm nhạc của các nước trên thế giới dễ dàng hơn”.