Được đánh giá là năm đầy khó khăn của nền kinh tế với hơn 6 vạn DN phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, năm 2013, áp lực thực hiện cân đối ngân sách lên ngành tài chính rất nặng nề. Đã có thời điểm tưởng chừng dự toán ngân sách sẽ không thể hoàn thành. Tuy nhiên, với cuộc chạy đua nước rút khá ngoạn mục, ngành tài chính đã hoàn thành 100,4% dự toán thu ngân sách vào những tháng cuối năm.
Trước thềm năm mới Giáp Ngọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những tâm sự với phóng viên Báo Lao Động về giải pháp giúp ngành tài chính hoàn thành mục tiêu ngân sách 2013 và việc triển khai thu - chi ngân sách 2014.
- Thưa Bộ trưởng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như DN, thì năm 2013 tình hình sản xuất kinh doanh rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch thu ngân sách. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng, ngành tài chính đã hoàn thành được dự toán ngân sách Quốc hội giao. Xin ông cho biết những giải pháp nào đã giúp ngành tài chính đạt được kết quả như vậy?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Năm 2013, theo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn năm 2012, lạm phát được kiểm soát, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn và đi đôi với đó, tình hình thu ngân sách cũng rất khó khăn. Hết 6 tháng, thu ngân sách mới đạt 43% dự toán và sau 9 tháng là 66,6%, thấp hơn rất nhiều so với mức yêu cầu là 75%. Trong bối cảnh đó, qua sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị và báo cáo với Quốc hội một loạt giải pháp mang tính đột phá để đảm bảo thực hiện dự toán thu ngân sách.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 54 và 57 về thu tiền cổ tức của các Cty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ ngành, địa phương quản lý và lợi nhuận sau trích lập các quỹ của các tập đoàn, TCty có 100% vốn nhà nước và khoản lãi của nước chủ nhà ở Liên doanh Vietsovpetro... Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách, bộ đã phát động phong trào toàn ngành cùng với kết hợp chặt chẽ các địa phương để triển khai thực hiện dự toán ngân sách. Sự phối hợp và ủng hộ của chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng, hỗ trợ cho các cục thuế, hải quan thu ngân sách trên địa bàn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thu ngân sách, bộ cũng phối hợp với các ngành liên quan siết chặt quản lý, chống thất thu, thất thoát, gian lận thuế. Như sau thanh tra tài chính tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngành tài chính đã phối hợp cùng Bộ Công an xử lý một số trường hợp gian lận hoàn thuế với 17 vụ và 22 đối tượng bị khởi tố. Qua đó, 6 tháng cuối năm hoàn thu giảm rõ rệt, còn thu thuế tăng lên. Cùng với đẩy mạnh tăng thu, 6 tháng cuối năm, ngành tài chính tập trung giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc của DN và địa phương để đảm bảo dự toán thu như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh,...
- Với kết quả đạt được của năm 2013, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện dự toán thu - chi ngân sách năm 2014?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Năm 2014 như dự báo thì kinh tế sẽ ấm lên, nhưng khả năng phục hồi của DN vẫn còn yếu. Mặc dù số lượng DN thành lập mới nhiều hơn số DN ngừng hoạt động, giải thể, nhưng vì DN mới nên chưa có phát sinh thu. Bên cạnh đó, một loạt luật thuế mới có hiệu lực theo hướng tạo nguồn lực cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, vì vậy cũng ảnh hưởng đến nguồn thu trước mắt.
Tuy nhiên, những tác động làm giảm thu ngân sách từ những ưu đãi này cũng đã được tính toán để loại trừ trong dự toán thu ngân sách. Vì vậy, một cách khách quan thì mức tăng 12% của dự toán thu ngân sách 2014, tôi cho rằng là phù hợp với chỉ tiêu về tăng trưởng và lạm phát mà Quốc hội đã thông qua.
Sau khi tổng kết hoạt động năm 2013, ngành tài chính rút ra được 3 bài học rất quan trọng là phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu nợ đọng thuế và quyết liệt giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN và địa phương trong thực hiện dự toán thu ngân sách. Với kết quả đạt được thì năm 2014 ngành tài chính sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp này với tinh thần quyết liệt, ráo riết hơn nữa để thực hiện hoàn thành cân đối thu ngân sách ngay từ những tháng đầu năm.
- Thưa Bộ trưởng, để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách cũng có ý kiến đề xuất đưa nguồn tiền thu được từ quá trình cổ phần hóa DNNN vào cân đối ngân sách. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Trước hết, theo nghị quyết của Quốc hội không đưa khoản tiền thu được từ cổ phần hóa vào cân đối ngân sách mà chủ trương là đưa vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp... Tuy nhiên, về dài hạn thì cổ phần hóa sẽ có tác động tích cực tới thu ngân sách hằng năm. Mục đích của việc cổ phần hóa DNNN nhằm nâng cao chất lượng quản trị DN, để DN hoạt động hiệu quả hơn. Khi DN sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn thì chắc chắn thu ngân sách sẽ nhiều hơn. Đấy mới là mục tiêu của quá trình cổ phần hóa DNNN.
- Đóng góp một phần không nhỏ vào thu ngân sách là nguồn thu từ xuất nhập khẩu. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2014?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Tình hình kinh tế khó khăn, nên hoạt động xuất nhập khẩu cũng không tăng trưởng mạnh như những năm trước. Tuy vậy, với việc tăng trưởng xuất khẩu được dự đoán là 10% cùng với sự phục hồi sản xuất trong nước thì khả năng thu cân đối dự toán ngân sách từ xuất nhập khẩu là khả thi. Bản thân ngành tài chính cũng phát động tăng thu ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 3% so với dự toán được giao.
Để làm được điều này yêu cầu phải tiếp tục đà của năm 2013 là quyết liệt thực hiện các giải pháp đã làm có kết quả, tăng cường quản lý, chống gian lận. Năm 2013 đã xảy ra một số vụ việc cho thấy sự lỏng lẻo trong kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo đối với ngành hải quan nâng cao kiểm tra, rà lại quy trình, kiểm soát con người chặt chẽ hơn nữa, giảm tối đa gian lận trong hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu.
- Xin cảm ơn ông!