Theo liệt kê, để tiết kiệm, bữa trưa chị tiêu 52.000 đồng cho hai con cá rô 3 lạng, một mớ rau cải nhỏ và thêm món thịt tẩm bột rán. Bữa chiều chỉ hết 30.000 đồng với món đậu phụ nhồi thịt sốt cà chua, ngọn bí luộc. Vẫn phải có hoa quả tráng miệng, nhưng không muốn tốn quá nhiều tiền nên chị Thanh chỉ mua nửa trái dưa hấu Sài Gòn giá 16.000 đồng. Không chỉ riêng chị Thanh, hàng loạt chị em khác cũng tham gia hội đi chợ 100.000 đồng trên một diễn đàn của các bà mẹ để hô hào tinh thần tiết kiệm tiền. Hàng ngày, các thành viên vào liệt kê món ăn khoe xem nhà nào "vượt chỉ tiêu". Chị nào hôm nay "trót" mua vượt 100.000 đồng thì bảo nhau phấn đấu hôm sau mua bớt đi.
Các bà nội trợ thắt chặt chi tiêu khiến giá trị trung bình của giỏ hàng trong siêu thị giảm mạnh từ 300.000 xuống 270.000 đồng. Ảnh: AQ |
Giảm lượng mua là bí quyết đầu tiên của các bà nội trợ để tiết giảm chi phí bữa cơm hàng ngày. Có chị trước thường mua ê hề rau củ mỗi tuần rồi về tống hết vào tủ lạnh, dẫn đến nhiều lúc phải vứt bớt rau củ héo, thì nay chỉ mua đủ ăn một vài ngày. Nhiều chị em cũng mách nhau cố dậy sớm đi chợ đầu mối lúc 4, 5h sáng, tiết kiệm hơn 10 đến 40% so với giá cả ở chợ bình thường. Bên cạnh đó, bà nội trợ còn cắt hẳn việc ăn sáng ở ngoài, tận dụng đồ ăn tối hôm trước cho bữa sáng. Một chị nhẩm tính, thời buổi này nếu hai vợ chồng con cái lôi nhau đi ăn phở, ăn bún sáng cũng hết đứt gần 100.000 đồng. Trong khi nếu lấy cơm nguội rang lên cho thêm quả trứng, hay lấy mì ra chan với chút canh còn lại, vẫn chắc bụng mà tốn ít tiền. Trong khi các bà nội trợ thắt chặt chi tiêu, lượng bán hàng ở chợ, siêu thị sa sút rõ rệt so với trước. Cuối chiều thứ bảy, chị Đỗ Thị Lành, một tiểu thương bán rau củ ở chợ Thành Công, Hà Nội chỉ vào những mẹt hàng la liệt cho biết đã cố ý nhập ít hàng vì còn tồn nhiều từ hôm trước, thế mà bán vẫn không được là bao. "Bây giờ người ta mua ít lắm, mớ rau thơm bé tí cũng bắt phải xẻ đôi ra mới lấy", chị Lành than thở. Sức mua giảm của bà nội trợ ảnh hưởng đến thu nhập của chị. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày chị Lành lời 150.000 đến 200.000 đồng từ việc bán hàng, thì nay có những hôm kiếm chưa đến 100.000 đồng. Còn trong giới siêu thị, khảo sát của Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho thấy nếu như trước đây, giá trị trung bình một giỏ hàng khách mua là 300.000 đồng, thì nay chỉ còn 270.000 đồng. Không chỉ giảm về giá trị, người tiêu dùng cũng có xu hướng "tập trung vào cái bụng" hơn trước. Nếu như năm ngoái, các món đồ thực phẩm chỉ chiếm 65% giá trị giỏ hàng, thì nay bà nội trợ dành tới 80% chi phí để mua đồ ăn. Những mặt hàng bị giảm mua là hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, các thứ đồ trang trí... Khi soi vào những mặt hàng thực phẩm mà các bà nội trợ mua, cũng nhận thấy có sự "thắt chặt" rõ rệt. Khảo sát trên chỉ ra rằng ở siêu thị bây giờ, những vỉ thịt có khối lượng thấp như 3, 4 lạng, bán được nhiều hơn vỉ 5 lạng trở lên. Thịt loại rẻ như thịt ba chỉ, được chọn mua nhiều hơn thịt thăn. Dù cơn bão thắt chặt chi tiêu không ảnh hưởng đến tầng lớp người tiêu dùng thu nhập cao, khảo sát cho thấy có tới 80% khách hàng ở siêu thị thuộc tầng lớp thu nhập trung bình trở xuống. "Sức mua giảm sút sẽ kéo theo hàng loạt ngành bị ảnh hưởng theo, từ sản xuất đến cung ứng. Mà những ngành này hoạt động yếu kém, lại khiến lương thưởng của người lao động bị giảm đi, lại khiến sức mua suy yếu. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn chưa biết khi nào mới giải quyết được", ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận xét. Người tiêu dùng giảm mua, khiến giới siêu thị lạc quan nhất cũng chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu tháng 4 này bằng với năm ngoái. "Tháng 5, tháng 6 tới là mùa nóng, lực mua thực phẩm dự kiến sẽ còn giảm nữa", ông Phú nói thêm.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Vnexpress