Ireland là một nước thuộc địa da trắng của người Anh, nằm sát cạnh nước Anh, nói hai thứ tiếng Ireland và tiếng Anh. Ireland được mô tả là một “người bà con nghèo khổ” của châu Âu giàu có. Điều này chỉ đúng trong các thế kỷ trước cho đến gần cuối thập niên 1960 của thế kỷ 20, khi đất nước này nổi tiếng về nạn đói và nội chiến, về tỉ lệ dân di cư qua các nước khác để kiếm sống, đặc biệt là sang Mỹ.
Thủ đô Dublin |
Còn giờ đây vào đầu thế kỷ 21, xét về GDP đầu người (tính theo sức mua của đồng tiền) quốc gia nhỏ bé này đã nổi tiếng là một trong ba nước giàu nhất thế giới, đứng sau Luxembourg và Na Uy. Trong các nước thuộc Cộng đồng châu Âu thì Ireland chỉ còn đứng sau Luxembourg và vượt xa người láng giềng đầy ảnh hưởng từng đô hộ mình là Anh (36.360 USD so với 26.150 USD vào năm 2002 theo số liệu của UNDP công bố năm 2004). Sự thay đổi có tính chất bước ngoặt ở Ireland, sự khởi đầu cho mọi cuộc chuyển biến lớn lao ở Ireland lại bắt đầu chính từ một lĩnh vực lâu nay được xem là nằm ngoài kinh tế, phụ thuộc kinh tế, đó là giáo dục. Vào cuối thập niên 1960, chính quyền Ireland bắt đầu thực hiện giáo dục trung học miễn phí, tạo điều kiện cho con em người lao động có điều kiện vào học trung học hoặc trường dạy nghề. Kết quả là đến khi gia nhập Cộng đồng châu Âu năm 1973, Ireland đã có được nguồn nhân lực có trình độ giáo dục tốt. Đến năm 1996, chính quyền nước này lại thực hiện tiếp chủ trương táo bạo là miễn phí về cơ bản cho giáo dục đại học - cao đẳng, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đủ sức làm việc trong và phục vụ những ngành kinh tế mũi nhọn.
Giant"s Causeway, Bắc Ireland. Theo truyền thuyết, những cột đá basalt này là đường đi của những người khổng lồ qua lại giữa Ireland và Scotland
|
Sự thay đổi quan trọng thứ hai là thay đổi chính sách bảo hộ nền công nghiệp trong nước. Song chính sách này đã khiến Ireland dù được hưởng ưu đãi của EU trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vẫn không sao có được hàng hóa đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Kinh tế chậm phát triển kéo theo mức sống thấp đã khiến đến tận những năm 1980, phần lớn người tốt nghiệp đại học cứ phải ra nước ngoài định cư để có mức sống tương xứng với năng lực của mình. Chính phủ đã ngồi lại cùng các nghiệp đoàn, các chủ trang trại và nhà công nghiệp để cùng thỏa thuận về việc hạ thuế suất, điều hòa giá cả và tiền công, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước. Sự thay đổi quan trọng thứ ba là Ireland rất tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Ireland cho biết trong vòng hai năm gần đây đã năm lần tiếp xúc với thủ tướng Trung Quốc và đất nước châu Á đầy tiềm năng này đã trở thành nhà đầu tư thứ hai sau Mỹ tại Ireland.
Có thể bạn quan tâm
> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông
> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông
Kết quả mà Ireland thu được trong vài thập kỷ qua là hết sức ấn tượng. Năm 1990, nguồn nhân lực của nước này là 1,1 triệu người, đến năm 2005 là 2 triệu người trong khi nước này có chưa đầy 4 triệu dân. Nguồn cung cấp việc làm thật dồi dào. Từ một nước chuyên xuất khẩu lao động qua thị trường Âu - Mỹ, Ireland giờ đây đã phải nhập khẩu 200.000 lao động nước ngoài, trong đó có 50.000 người từ Trung Quốc. Chín trong 10 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, 16 trong 20 tập đoàn sản xuất thiết bị y tế lớn nhất thế giới, 7 trong 10 công ty phần mềm lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Ireland. Xin chú ý đây là những ngành kinh tế có tỉ suất lợi nhuận cực kỳ cao mà nhiều nước trên thế giới muốn thu hút vào mình nhưng đã thất bại, vì không đáp ứng nổi những đòi hỏi quá khe khắt về chất lượng nguồn nhân lực. Vì sao Ireland lại lôi cuốn được hầu hết các đại gia trong những ngành kinh tế mũi nhọn đến đầu tư tại đây? Michael Dell, nhà sáng lập Công ty Dell Computer - nhà xuất khẩu lớn nhất hiện nay tại nước này, giải thích: “Điều gì tại nước này hấp dẫn chúng tôi à? Đó là: a/ Nguồn nhân lực được đào tạo kỹ và các trường đại học tốt đóng ở gần. b/ Có chính sách công nghiệp và thuế rất thuận lợi cho nhà đầu tư, bất kể trong thời cầm quyền của đảng nào. c/ Có cơ sở hạ tầng tốt và vị trí thuận lợi để chuyển hàng hóa qua các thị trường lớn tại châu Âu. d/ Người Ireland có tính cạnh tranh cao, muốn thành đạt, khao khát chiến thắng và biết cách để thắng; nhân tài tại Ireland là một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho Công ty Dell”. Có thể thấy trong bốn lý do quyến rũ các nhà đầu tư thì hai lý do đầu và cuối là thành quả trực tiếp của giáo dục.
Ngôi nhà nông thôn truyền thống ở quần đảo Aran, bờ biển phía tây của Ireland |
Ông Jarrephó chủ tịch Tập đoàn Intel nổi tiếng về sản xuất chip cho máy vi tính trên thế giới, đã mở nhà máy sản xuất con chip tại Ireland vào năm 1993 - cũng công nhận là nguồn nhân lực trẻ ở Ireland được đào tạo rất tốt (kỹ sư Ireland đã chế tạo được loại chip cao cấp), chính sách thuế hấp dẫn và nhiều thứ ưu đãi khác, nhờ đó Intel đã tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đôla trong mười năm qua. Rõ ràng để “rước” được những tập đoàn lớn vào đầu tư, mỗi nước phải có những điều kiện bảo đảm trước. Chính nhờ những chính sách kịp thời và thích hợp mà quốc gia nhỏ bé này đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng cận kề trong những năm 1960 trước để tiến lên với một tốc độ chóng mặt: GDP/đầu người hằng năm tăng 6,8% trong giai đoạn 1990-2002, gấp 2-3 lần những nước Tây Âu khác; chỉ số phát triển con người (HDI) từ chỗ thuộc hàng thấp nhất Tây Âu năm 1975 vươn lên đứng thứ 18 trên thế giới với chỉ số HDI bằng 0,936 vào năm 2002, ngang với Thụy Sĩ và Anh, vượt cả Pháp. Bài học thành công của Ireland được đúc kết ngắn gọn như sau: 1. Thực hiện giáo dục trung học và đại học miễn phí. 2. Thực hiện chính sách thuế thấp, đơn giản và công khai. 3. Tích cực tìm kiếm đối tác nước ngoài. 4. Mở rộng cạnh tranh trong kinh tế. 5. Giữ cho ngân sách nhà nước thật sạch sẽ. 6. Dùng tiếng Anh. 7. Đạt được thỏa thuận trọn gói giữa người lao động và người thuê mướn lao động nhằm tránh những va chạm khi thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, dù đã hết sức nỗ lực trong lĩnh vực đầu tư cho nguồn lực con người nhưng đến giữa thập niên 1990, theo đánh giá của UNDP, so với 17 nước thuộc khối OECD thì Ireland còn đang đứng thứ 16 về chỉ số nghèo khổ (HPI-2), chỉ hơn có Mỹ. Bài học của Ireland thật đáng cho chúng ta suy ngẫm và vận dụng để đất nước Việt Nam sớm hóa rồng như nguyện vọng tha thiết của tất cả những ai còn tha thiết với vận mệnh của một dân tộc đã từng gánh chịu quá nhiều hi sinh và thiệt thòi này, với vận mệnh của một nước 60 năm sau ngày giành được độc lập vẫn chịu nỗi nhục là nước nghèo.>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn
Theo TuoiTre