Báo đảng Trung Quốc đòi "dạy Mỹ một bài học" ở Hoàng Sa

19/02/2016 16:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Có thể bao gồm điều động tàu khu trục ra ngăn cản, thậm chí đâm thẳng vào tàu Mỹ trong trường hợp xấu nhất, để dạy cho Mỹ một bài học.

South China Morning Post ngày 19/12 đưa tin, phiên bản điện tử quốc tế của tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa có bài xã luận dọa bắn cảnh cáo, thậm chí húc thẳng vào tàu chiến Hoa Kỳ nếu tiếp tục tuần tra bên trong 12 hải lý các thực thể ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp).

HQ-9, loại tên lửa được cho là Trung Quốc đã kéo ra cài đặt bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều.
HQ-9, loại tên lửa được cho là Trung Quốc đã kéo ra cài đặt bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều.

Một bài xã luận trên Nhân Dân nhật báo ngày hôm nay nói rằng, hành động cứng rắn của quân đội Trung Quốc sẽ "dạy cho Mỹ một bài học".

Cuối tháng trước, tàu khu trục Hoa Kỳ đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng Sa. Đây là một hoạt động bình thường được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cho phép, trong đó Trung Quốc là một thành viên phê chuẩn Công ước.

Bài báo này tuyên truyền rằng, quần đảo Hoàng Sa đã nằm dưới sự kiểm soát (phi pháp thông qua vũ lực, xâm lược) trong suốt hơn 40 năm qua, đây là điểm mấu chốt để Trung Quốc bảo vệ (yêu sách bành trướng trên) Biển Đông.

"Trung Quốc phải làm rõ lập trường của mình trong khu vực bằng cách hành động cứng rắn chống lại bất kỳ cuộc xâm nhập nào. Hành động này có thể bao gồm điều động tàu khu trục ra ngăn cản, thậm chí đâm thẳng vào tàu Mỹ trong trường hợp xấu nhất, để dạy cho Mỹ một bài học", bài xã luận sặc mùi hiếu chiến viết.

South China Morning Post nhận xét, căng thẳng gia tăng nhanh chóng trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên một số thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng (phi pháp) ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Sức ép chống bành trướng tăng vọt

Trong một động thái có liên quan, The Guardian ngày 19/2 đưa tin, Chính phủ Thủ tướng Úc Turnbull đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phe đối lập, buộc nước này điều động tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, bảo vệ tự do hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế trong lúc căng thẳng tăng cao.

Stephen Conroy, người phát ngôn của phe đối lập Úc về quốc phòng, an ninh cho biết, các nước như Úc nên chứng minh rằng, họ không thể để Trung Quốc bắt nạt thông qua các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hang không bên trong 12 hải lý các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng (trái phép) ở Biển Đông.

Kêu gọi được đưa ra sau khi Thủ tướng Úc Malcolm Turbull và người đồng cấp New Zealand, John Key đã gặp nhau tại Sydney hôm nay để thảo luận các vấn đề về an ninh khu vực. Căng thẳng tăng vọt trên Biển Đông sau khi Trung Quốc kéo giàn tên lửa HQ-9 ra cài đặt bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.

Các lực lượng quốc phòng Úc đã tiến hành thường xuyên các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, nhưng chưa khi nào tiến lại gần (bên trong 12 hải lý) các thực thể tranh chấp.

Conroy nói với hãng tin ABC: "Trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cần những nước đang hưởng lợi từ nó phải đứng lên, phải chứng minh rằng mình không thể để Trung Quốc bắt nạt như vậy.


Các điều ước quốc tế, luật pháp quốc tế về biển cho phép chúng tôi đi qua vô hại bên trong 12 hải lý lãnh hải của tất cả các vùng lãnh thổ tranh chấp",
Conroy nói. Chính phủ Úc cần chuẩn bị  các phương án để bảo vệ trật tự quốc tế.

Trước tình hình căng thẳng leo thang, theo Nikkei Asian Review ngày 19/2, Nhật Bản cũng đang kêu gọi Mỹ đẩy mạnh các hoạt động tuần tra ở BIển Đông sau khi Trung Quốc kéo tên lửa ra Hoàng Sa.Trong khi đó từ Thứ Ba đến Thứ Năm tuần này, hải quân Nhật Bản lần đầu tiên có cuộc tập trận chung với hải quân Việt Nam ở Biển Đông.

Hai máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản cũng đã hạ cánh xuống Đà Nẵng trên đường trở về từ Somalia. Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản phải đi qua Biển Đông, vùng biển này có vai trò chiến lược quan trọng với kinh tế Nhật Bản.

Hồng Thủy