Truyền thông Trung Quốc chủ yếu đưa tin, ít bình luận về cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Scotland. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 19/9 đưa tin, Bắc Kinh hiện đang theo dõi chặt chẽ và đánh giá tác động từ việc Scotland trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Vương quốc Anh. Hiện vẫn chưa có bình luận chính thức, mặc dù công chúng rất tò mò. Truyền thông nhà nước Trung Quốc chủ yếu đưa tin, chỉ một số báo bình luận rằng cuộc bỏ phiếu này có thể thúc đẩy phong trào ủng hộ độc lập và có thể khiến châu Âu tan rã.
Stephen Notman, một người Scotland làm việc tại Trung Quốc đã trở về nước để bỏ phiếu cho biết, một số người bạn Tủng Quốc của ông đã so sánh vụ Scotland trưng cầu dân ý độc lập với vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng. Họ cũng tự hỏi không biết người dân Trung Quốc sẽ cần phải có thị thực riêng biệt khi đến Scotland hay không.
Một người Scotland khác, Stephen Nashef làm giáo viên tiếng Anh ở Bắc Kinh nói rằng những người bạn Trung Quốc của anh gọi cuộc trưng cầu này là kỳ lạ. "Tôi cho rằng nước Anh được coi là một quốc gia hùng mạnh và thành công. Nhiều người dân ở đây có thể cảm thấy rất lạ khi một vùng lãnh thổ muốn phá vỡ nó".
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông không bình luận gì về công việc nội bộ của nước khác. Tuy nhiên Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với Thủ tướng Anh David Cameron khi đến thăm London hồi tháng 6 rằng, Trung Quốc muốn nhìn thấy một Vương quốc Anh "mạnh mẽ, thịnh vượng và thống nhất".
Các nhà quan sát cho biết vấn đề này có thể khó khăn với Bắc Kinh vì nó khuyến khích thảo luận về việc liệu "sự lựa chọn của người dân" có nên quyết định số phận của Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương thậm chí là Hồng Kông hay không.
"Từ quan điểm chính thức của Trung Quốc, Bắc Kinh chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng trưng cầu dân ý như vậy đối với Đài Loan hay bất cứ nơi nào trong phạm vi những gì được coi là lãnh thổ Trung Quốc", Dali Yang, giáo sư khoa học chính trị đại học Chicago cho biết.
Titus Chen Chih-Chieh, một giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan bình luận, bỏ phiếu ở Scotland có ý nghĩa đặc biệt với Hồng Kông và Đài Loan. Bắc Kinh rõ ràng không muốn Scotland trở thành "ví dụ" cho Đài Loan và Hồng Kông.
Hôm thứ 2, Thời báo Hoàn Cầu đăng một bài xã luận cho rằng quyết định của ông Cameron 2 năm trước đây cho phép trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland là "quá thiếu thận trọng", tờ báo này gọi Thủ tướng Anh là "kẻ tội đồ" nếu Scotland độc lập khỏi Vương quốc Anh.
Thời Ân Hoằng, một giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Nhân Dân nói rằng, nếu Scotland độc lập sẽ buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh các mối quan hệ thương mại với Anh và chuyển hướng sang hợp tác kinh tế với Scotland.