Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vừa qua. |
Tờ Japan Times ngày 21/11 có bài xã luận phân tích, tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc và một số thành viên ASEAN đã đứng đầu chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN cuối tuần trước ở Naypyidaw, Myanmar. Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị kêu gọi tăng tốc quá trình đàm phán COC, nhưng biểu hiện của khối nhìn chung là yếu so với tuyên bố hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đầu năm nay.
Dư luận đang tự hỏi liệu các nhà lãnh đạo ASEAN có thể hình thành một mặt trận thống nhất để buộc Trung Quốc thay đổi thái độ hung hăng mà cho đến nay mọi nỗ lực của ASEAN thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán COC vẫn thất bại.
Trong tuyên bố chung lần này các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh những tiến bộ trong các cuộc "tham vấn về thực hiện DOC" mà ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002 nhưng không có tính ràng buộc. Hội nghị cũng đồng ý tăng cường "tham vấn" với Trung Quốc về việc sớm kết thúc COC ở Biển Đông.
Tuy nhiên trong hội nghị lần này ASEAN đã kiềm chế bày tỏ quan ngại trước một loạt hành vi leo thang của Trung Quốc trong khu vực mặc dù Bắc Kinh đã (ngang nhiên) hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và đang cải tạo (trái phép) một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).
Trung Quốc đang xây dựng 1 sân bay trên đá Chữ Thập vốn đã có một căn cứ quân sự kiên cố cùng khoảng 200 lính thủy quân lục chiến đồn trú (bất hợp pháp). Trong tuyên bố chung hồi tháng 8 các Ngoại trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại hơn về những diễn biến căng thẳng leo thang trên Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do hàng hải trên Biển Đông.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng tại Naypyidaw tuần trước, Nhật Bản và Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế hành vi của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn nói rằng tình hình ở Biển Đông "cơ bản vẫn ổn định" (?!).
Bắc Kinh nhiều lần đã nói rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán tay đôi với các nước liên quan trực tiếp, một nỗ lực để ngăn cản sự tham gia của Mỹ và Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện quan điểm khá yếu ớt khi Trung Quốc cố gắng chứng minh rằng các chiến lược của Bắc Kinh có thể đã được triển khai hiệu quả ở mức độ nào đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ động "kêu gọi cải thiện quan hệ" với Việt Nam và Philippines trước và trong hội nghị APEC.
Còn ông Lý Khắc Cường khi tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc đã cam kết khoản vay 20 tỷ USD vay vốn phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, cố gắng mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Đông Nam Á.
Japan Times kết luận, Trung Quốc nêng dừng các nỗ lực để củng cố các hoạt động (bất hợp pháp - PV) của họ ở Biển Đông và nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, ký kết COC. Nhưng về phần mình, các nước ASEAN cần gạt sang một bên sự khác biệt trong những ý định làm ăn của họ với Bắc Kinh do mức độ phụ thuộc khác nhau vào nền kinh tế Trung Quốc, để cùng nhau đưa ra một lập trường mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh về an ninh hàng hải trong khu vực.