Sáng 14.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đã họp với các thành viên Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và yêu cầu các thành viên tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương. Trong đó, tập trung vào những địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của bão như Bình Sơn, Trà Bồng, Tây Trà, Lý Sơn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thường xuyên liên lạc với các tàu đang hoạt động ngoài biển để thông báo diễn biến cơn bão và hướng dẫn ngư dân tìm hướng tránh bão an toàn. Ngoài ra, các huyện ven biển tuyệt đối cấm không cho tàu thuyền ra khơi.
Gió bão tạo nên những cột sóng |
Tin từ văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN Quảng Ngãi cho biết, tính đến 10 giờ ngày 14.10, tổng số tàu thuyền của Quảng Ngãi còn trên các vùng biển là 927 phương tiện, với trên 8.356 lao động.
Trong đó, vùng biển quần đảo Trường Sa còn 163 phương tiện với 3.299 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc còn 309 phương tiện với 2.196 lao động; vùng biển phía Nam còn 156 phương tiện với 1.031 lao động và vùng biển Quảng Ngãi còn 299 phương tiện với 1.830 lao động.
Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với máy Icom cộng đồng thông báo diễn biến của bão, duy trì thông tin liên lạc với các tàu thuyền trên biển để chủ động phòng tránh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn.
Chiều 14.10, tại huyện đảo Lý Sơn đã có gió bão mạnh cấp 5 cấp 6 giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,5 – 3m liên tục xô bờ.
Khẩn trương đổ bê tông hoàn thiện tuyến kè chắn sóng Đông Nam trên đảo Lý Sơn. |
Theo dự báo vùng biển Quảng Ngãi từ ngày 15.10, có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Tàu thuyền không được ra khơi. Vùng ven biển (chú ý khu vực phía bắc tỉnh: huyện Bình Sơn, SơnTịnh) sẽ có gió cấp 6, sau tăng lên cấp 7, có lúc cấp 8, giật trên cấp 9. Trong đất liền sẽ có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Tờ Tuổi Trẻ đưa tin: Bão số 11 đang tiến mỗi lúc một sát bên, uy hiếp, đe dọa các tỉnh ven biển miền Trung. Sáng nay 14-10, đoàn chỉ đạo của Chính phủ do phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã vào miền Trung để thị sát tình hình chuẩn bị ứng phó của các địa phương.
Trong khi đó, một đoàn khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cũng đã có mặt tại Thừa Thiên Huế để thị sát tình hình. Trước tình hình nguy cấp, Ban phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở UBND TP Đà Nẵng để kịp thời chỉ đạo ứng phó với những tình huống khẩn cấp.
Tại TP Đà Nẵng, địa phương này vừa phát thông báo cho phép học sinh được nghỉ học từ chiều hôm nay (14-10) và cả ngày mai (15-10). UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu tất cả các sở, cơ quan ban ngành, đoàn thể tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả bão số 11.
Các đơn vị chức năng chỉ đạo đưa tàu về neo đậu đúng quy định của thành phố, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế, chuẩn bị phương tiện để thực hiện công tác di dân, thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp. Khi bão “đổ bộ” vào thành phố từ cấp 12 trở lên, Công an thành phố sẽ tạm dừng phương tiện giao thông trên các tuyến đường.
Tại Quảng Nam: đến thời điểm này hầu hết các hồ thủy điện đã tích đầy nước. Sáng nay 14-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp trực tuyến với 18 huyện, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 11 có khả năng đổ bộ vào địa bàn tỉnh.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến 10 giờ sáng ngày 14-10, Quảng Nam còn 88 tàu với 2.605 lao động đang hoạt động trên biển. Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương liên tục thông tin cho ngư dân biết để vào bờ và di chuyển phòng tránh bão số 11. Hiện trên địa bàn tỉnh có 32/73 hồ chứa thủy lợi và 3 hồ thủy điện là A Vương, ĐăkMi 4 và Sông Bung 5 đã tích đầy nước. Các địa phương như Núi Thành, Hội An, Thăng Bình… đã triển khai phương án di dời dân và cho học sinh ở các vùng xung yếu nghỉ học.