Bão số 14 tiến sát bờ biển Quảng Ngãi-Quảng Trị, hôm nay Hà Nội có mưa

10/11/2013 06:52
Liễu Phạm (THEO TTDBKTTVTW)
(GDVN) - Hồi 05 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Trị 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 9, Cù Lao Tràm (Đà Nẵng) cấp 8; Tp.Đà Nẵng, Tp.Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6, ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa), có gió giật mạnh cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. 

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 

Đường đi mới nhất của bão số 14 được ghi nhận vào khoảng 6 giờ sáng nay
Đường đi mới nhất của bão số 14 được ghi nhận vào khoảng 6 giờ sáng nay

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 12/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7. 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ trưa chiều nay (10/11) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 – 12. 

Ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Trị - Quảng Bình cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 – 3,5 m. Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh – Hải Phòng cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 4,0 – 5,0 m. Sóng biển 3 – 5m, vùng gần tâm bão 5 - 7m. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa có công hàm gửi các nước Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Philippines đề nghị hỗ trợ các tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam vào tránh trú bão trong trường trường hợp tàu thuyền và ngư dân Việt Nam không kịp về bờ. Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam.

Hôm nay Hà Nội sẽ có mưa lớn


Tờ VnExpress dẫn lời ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố đã có 2 công điện chỉ đạo các ban ngành, quận huyện tích cực phòng chống lụt bão, đặc biệt chống ngập khu vực nội và ngoại thành. Văn phòng Ban chỉ đạo thường xuyên cập nhật dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn về cơn bão Haiyan, dự kiến Hà Nội sẽ đón lượng mưa lớn từ 200 đến 300mm.

Hiện các lực lượng chống bão của các sở ngành, quận huyện khẩn trương gia cố các tuyến đê xung yếu, kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vận hành các trạm bơm tiêu úng hiệu quả, cùng với đó là kiểm tra nhà chung cư xuống cấp, tháo dỡ cần cẩu cao tầng...

Dự báo lượng mưa lớn gây ngập ở Hà Nội.
Dự báo lượng mưa lớn  gây ngập ở Hà Nội.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố kiểm tra các điểm đê xung yếu dọc sông Hồng để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu xảy ra.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, với lượng mưa từ 200 -300mm sẽ có khoảng 20 điểm úng ngập trong nội đô, phần lớn ở phía tây thành phố, dọc theo vành đai 3 và lưu vực sông Nhuệ. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã bố trí 100% lực lượng công nhân ứng trực tại các vị trí theo phương án đã có. Tại cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở, các lực lượng chống bão đã tiến hành hạ mực nước hồ điều hoà Yên Sở về mức 1,5m để chuẩn bị tích nước mưa.

Các đơn vị thoát nước đang rà soát các công trình thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng và phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để thoát nước tại các vị trí được phân công. Kiểm tra và xử lý các sự cố trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước, chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương.

Trước đó, tại cuộc họp chỉ đạo phòng chống cơn bão được cảnh báo có sức tàn phá mạnh chưa từng có này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương dốc toàn lực chống bão. Ông cũng khuyến cáo việc ngập lụt tại Hà Nội năm 2008 có thể tái diễn./.

Liễu Phạm (THEO TTDBKTTVTW)