Báo TQ vu vạ Nhật-Phi lại tiến hành dư luận chiến Biển Đông

21/08/2014 09:53
Đông Bình
(GDVN) - Báo Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho nước khác quậy phá Biển Đông, nhưng chính Trung Quốc là người chuyên quậy phá Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 20 tháng 8 dẫn bài viết trên tờ "Tin tức bình luận Trung Quốc" Hồng Kông tuyên truyền cho rằng, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc" tổ chức cách đây không lâu, phương án "Ba bước đi" về vấn đề Biển Đông do Philippines đưa ra, cùng với sáng kiến đóng băng các hành vi làm trầm trọng hơn tranh chấp ở Biển Đông của Mỹ đều đã bị TQ "lạnh nhạt".

Theo luận điệu xuyên tạc không biết nghĩ đến bản thân của bài báo, sau khi "quậy phá" vấn đề Biển Đông "không có kết quả", Nhật Bản và Philippines lại bắt đấu tiến hành cuộc tấn công dư luận, tiếp tục đẩy tình hình Biển Đông “vừa bắt đầu yên ả” theo hướng căng thẳng.

(Có lẽ bài báo muốn nói là tình hình Biển Đông vừa yên ả do Trung Quốc rút giàn khoan 981. Nhưng, chính việc Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước khác đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Chính các hành vi phi pháp, hung hăng đe dọa, cướp biển của Trung Quốc như tuần tra, tập trận phi pháp, ăn cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2, đâm chìm tàu cá Việt Nam, mời thầu thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam, thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” v.v… mới thực sự là những hành vi thực sự quậy phá Biển Đông).

Trung Quốc dùng tàu chiến, máy bay quân sự đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hung hăng đe dọa Việt Nam (ảnh tư liệu)
Trung Quốc dùng tàu chiến, máy bay quân sự đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hung hăng đe dọa Việt Nam (ảnh tư liệu)

Luận điệu bài báo cho rằng, làn sóng "quậy phá" Biển Đông bắt đầu từ ý tưởng "tổ chức du lịch 6 đảo Biển Đông bằng tàu thủy" do Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines, tướng Catapang đưa ra, và Tổng thống Philippines Benigno Aquino chỉ trích tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Trong ý tưởng du lịch, Quân đội Philippines cho biết, tàu thủy sẽ đi vòng quanhh 6 đảo trong đó có đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, đảo Vĩnh Viễn, bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines kiểm soát), "nhằm thúc đẩy phát triển du lịch địa phương", "thúc đẩy phồn vinh của thành phố Kalayaan".

Khi Quân đội Philippines đưa ra ý tưởng du lịch, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ở bên cạnh "tạo thế". Trên chương trình truyền hình Philippines ngày 17 tháng 8, ông Benigno Aquino cho biết, 2 tàu khảo sát biển của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên dầu khí của Philippines, lo ngại chỉ ra, hành động này của Trung Quốc phải chăng sẽ làm cho quan hệ Trung Quốc-Philippines rơi vào căng thẳng.

Theo luận điệu của bài báo, Philippines "đi tiên phong" trong vấn đề Biển Đông, rất chú ý đến "quậy phá" trong vấn đề Biển Đông. Ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Ngoại trưởng Philippines đã "vội vã" đưa ra phương án "Ba bước đi" để tìm kiếm sự ủng hộ của các nước tham dự hội nghị.

Vũ khí trang bị của Nhật Bản có sức hấp dẫn rất lớn. Trong hình là tàu ngầm AIP lớp Soryu tiên tiến của Nhật Bản.
Vũ khí trang bị của Nhật Bản có sức hấp dẫn rất lớn. Trong hình là tàu ngầm AIP lớp Soryu tiên tiến của Nhật Bản.

Theo báo Trung Quốc, tìm kiếm sự ổn định của tình hình Biển Đông, trên cơ sở đó tiếp tục tìm kiếm phương án giải quyết hợp lý đã là đồng thuận của hầu hết các nước ASEAN. Nhưng, Philippines lại đi trước "khuấy đục" tình hình Biển Đông, tìm kiếm lợi ích.

Báo Trung Quốc cho rằng, để đạt được mục đích này, Chính phủ, Quân đội Philippines không ngại sử dụng các loại phương thức "nhiều lần thách thức giới hạn của Trung Quốc, kích động tình hình Biển Đông phát triển theo hướng căng thẳng".

Bài báo võ đoán, tuyên truyền và chửi bậy, cho rằng: "Cách làm này của Philippines rõ ràng không phù hợp với cân nhắc làm ổn định tình hình Biển Đông của hầu hết các nước ASEAN, cũng sẽ ảnh hưởng đến trao đổi kinh tế thương mại bình thường giữa các nước này với bên ngoài. Vì vậy, chỉ cần Philippines có các hành động không có lợi cho ổn định tình hình Biển Đông, các nước ASEAN sẽ không đứng về phía Philippines. Còn Philippines sẽ trở thành thằng hề đơn độc".

Theo bài báo, lần này, điểm đến tàu thủy của Quân đội Philippines bao gồm các đảo tồn tại tranh chấp. Quân đội Philippines cho rằng, thông qua khai thác du lịch quốc tế, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với "đảo tranh chấp", sẽ tăng thêm ưu thế dư luận cho Philippines.

Nhưng báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, đề nghị này của Philippines không chỉ thiếu khả năng thực hiện trên thực tế, mà còn sẽ làm cho cộng đồng quốc tế càng thấy Philippines là người "quậy phá tình hình Biển Đông".

Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong hình là tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam, mua của Nga
Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong hình là tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam, mua của Nga

Sau Philippines, Nhật Bản cũng không cam chịu thể hiện tư thế yếu, mạnh mẽ "đánh con bài bán vũ khí". theo hãng Kyodo Nhật Bản ngày 18 tháng 8, Chính phủ Nhật Bản ngày 17 tháng 8 cơ bản quyết định, sẽ triệu tập các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và ASEAN tổ chức hội thảo ở Tokyo vào hạ tuần tháng 9 tới, thảo luận vấn đề Nhật Bản xuất khẩu trang bị phòng vệ cho các nước thành viên ASEAN.

Đối với các nước ASEAN, trang bị phòng vệ của Nhật Bản có sức hấp dẫn rất mạnh, đặc biệt là tàu chiến và máy bay. Một số nước ASEAN có nhu cầu tiếp nhận tổng thể thành quả trang bị phòng vệ của Nhật Bản.

Hãng tin Jiji Press Nhật Bản cho rằng, hợp tác bảo đảm an ninh giữa Nhật Bản và các nước ASEAN đang từng bước được thúc đẩy, chủ trương "chủ nghĩa hòa bình tích cực" và quan điểm "trật tự biển phải do luật pháp quốc tế chứ không phải lực lượng cưỡng chế chi phối" của Nhật Bản nhận được sự đồng tình của các nước ASEAN.

Trên thực tế, hợp tác phòng vệ giữa Nhật Bản và các nước ASEAN sớm đã không phải là vấn đề gì mới mẻ. Theo báo Trung Quốc, truyền thông Nhật Bản tuyên truyền tin về bán vũ khí cũng chẳng qua là mượn vấn đề này để gây sức ép chiến lược đối với Trung Quốc.

Nhưng, theo bài báo, mặc dù các nước ASEAN có nhu cầu đối với vũ khí Nhật Bản, điều này hoàn toàn không có nghĩa là những vũ khí này sẽ được sử dụng cho chiến tranh với Trung Quốc.

Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: định đâm chìm tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: định đâm chìm tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam.

Bài báo tuyên truyền cho rằng: "Tình hình Biển Đông và Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể đều có thể trở thành giải thích hợp lý để các nước ASEAN tăng cường khả năng phòng vệ tự thân".

Các nước ASEAN mua vũ khí tiên tiến, bất kể là của Nhật Bản cũng tốt hay của Mỹ, của Nga cũng tốt, đều nhằm tăng cường khả năng đối phó rủi ro của họ, "chứ không phải cực kỳ hiếu chiến như Mỹ, Nhật Bản, gào thét tấn công khắp nơi".

Theo bài báo, nói chung, trong đợt "sóng gió gây rối Biển Đông" lần này, Philippines vẫn chỉ "kêu gọi trống rỗng", "Trung Quốc không cần phải để ý tới. Bộ Ngoại giao lên tiếng là đủ". Trong khi đó, Nhật Bản mới thực sự tiến hành chuẩn bị đầy đủ cho "quậy phá Biển Đông", bài báo kêu gọi Trung Quốc phải tăng cường cảnh giác đối với vấn đề này.

Bài báo "quân sư" cho rằng, ngoài nâng cao khả năng ứng phó quân sự tự thân, "tăng cường liên hệ với tổ chức khu vực ASEAN, nắm chắc thời gian để xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp xung đột ở Biển Đông cũng rất cần thiết". Ngoài ra, về lâu dài, "xây dựng nhận thức an ninh tổng thể của châu Á cũng là một nhiệm vụ cấp bách".

Kiểm ngư Việt Nam vừa biên chế 2 tàu mới KN 781 và KN 781 để bảo vệ chủ quyền biển đảo
Kiểm ngư Việt Nam vừa biên chế 2 tàu mới KN 781 và KN 781 để bảo vệ chủ quyền biển đảo
Đông Bình