Bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm: Cần cấp trên tinh tường, không ngại trách nhiệm

17/05/2023 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo chuyên gia, phải phân định ranh giới năng động sáng tạo với khuyết điểm; chọn được lãnh đạo có tâm, có tầm, bản lĩnh thì mới bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Phân định ranh giới giữa năng động, sáng tạo với khuyết điểm

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, địa phương, hoàn thiện dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá đây là nghị định rất khó, “khó nhất trong các loại nghị định” mang tính chính trị rất cao, thể chế hóa không dễ. Nhưng lại là một nghị định cần thiết vô cùng. Bởi thúc ép về thực tế, đặc biệt trong bối cảnh đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai”.

Được biết, Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ: “Trước hết, phải thừa nhận, năng động, sáng tạo đóng góp rất nhiều vào sự hoàn thành có hiệu quả mọi lĩnh vực công việc; nếu không có năng động, sáng tạo, sẽ không thể gặt hái thành công trong từng lĩnh vực, cũng như không thể thúc đẩy xã hội phát triển...

Chính vì vậy, việc đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết, Chính phủ ban hành nghị định về nội dung này, là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thậm chí dám đi trước thời đại, dám đi trước những công việc mà “thực tiễn chưa có tiền lệ”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Đây là chuyện rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, lại là chuyện rất khó! Đối với Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, yêu cầu cần phải được ban hành cụ thể thế nào, chi tiết ra sao thì mới bảo vệ được cán bộ… là một chuyện thực sự rất khó”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng phân tích thêm: “Cán bộ năng động, sáng tạo tức là có ý tưởng với những chuyện thường chưa có tiền lệ, những cán bộ như vậy thường là người có tầm nhìn xa, làm những việc mang tính chất dự báo, đón đầu thời đại. Trong khi đó, với những việc chưa có tiền lệ, thì thường chưa có quy định cụ thể nào liên quan.

Như vậy, phải phân định, đánh giá như thế nào cho phải? Nghị định phải thể hiện rõ như thế nào là năng động, sáng tạo, bởi ranh giới mong manh, rất dễ từ năng động, sáng tạo lại trở thành khuyết điểm. Phải quy định rõ được điều này thì mới bảo vệ được cán bộ, nếu không sẽ rất khó, khiến bản thân cán bộ không được bảo vệ sẽ dễ chùn bước”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đánh giá: “Sự ra đời của nghị định này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ cán bộ, thúc đẩy cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Thời gian qua, vẫn còn tồn tại hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm,... dẫn đến ngày càng trì trệ, ì ạch hơn. Hơn nữa, trong thực tiễn, có rất nhiều những quy định, chủ trương, đến một thời kỳ nào đó sẽ không còn phù hợp, nhưng nếu cán bộ không ai dám “phá rào” thì sẽ không có sự đổi mới.

Trước đây, trong quá trình đi kiểm tra, tôi cũng nhận thấy, có nhiều cái “đúng” nhưng không “trúng”, tức là đường lối, chủ trương thì “đúng” nhưng lại không “trúng” vào thực tiễn cuộc sống. Cuộc sống vốn có rất nhiều vấn đề “thiên biến vạn hóa”, chủ trương, chính sách muốn đi vào thực tiễn, thì trước hết phải phù hợp nguyện vọng, mong muốn của nhân dân... Ai là người nắm được rõ nhất? Đó chính là những người trực tiếp làm việc, là cán bộ cấp cơ sở.

Vậy, làm thế nào để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm?

Trước hết, có rất nhiều chủ trương, đường lối, chính sách mới, vì vậy, cần đánh giá, nhìn nhận xem các đã phù hợp thực tiễn và đi vào cuộc sống hay chưa? Bởi chủ trương, chính sách nhiều khi có thay đổi nhưng chưa chắc đã phù hợp với thực tiễn. Và người có thể tạo ra sự thay đổi phù hợp với thực tiễn đó là ai? Là chính các cán bộ cơ sở, phát hiện từ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, mới nảy ra những ý tưởng khắc phục, giải quyết thực tiễn.

Chính vì vậy, rất cần một cơ chế khuyến khích cán bộ khi nhận thấy chủ trương, chính sách không phù hợp thực tiễn, thì dám quyết định, dám thay đổi, vì mục tiêu chung, vì lợi ích của dân, của nước”.

Vai trò và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý

Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Sửu cũng chỉ ra: “Thực tế, có những cái “sai” cần thiết, là vì có những việc làm có thể không phù hợp lắm với chủ trương hiện thời, ngay thời điểm đó, hoặc địa phương đó, nhưng cái “sai” ấy lại là cần thiết để làm thay đổi cuộc sống của dân, lại cần thiết để tạo ra sự đổi mới”.

Ông Ngô Văn Sửu cho biết, đường dây 500kV Bắc - Nam là một trong những công trình biểu tượng cho sự quyết đoán, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới.

“Chính vì vậy, cốt lõi nhất là làm sao người lãnh đạo, quản lý cấp trên phải tinh tường, phải phát hiện ra được vấn đề, biết đâu là cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Là lãnh đạo cấp trên, phải khuyến khích, bảo vệ cấp dưới thì cán bộ mới yên tâm làm việc, chứ nếu cứ thấy chưa có hiệu quả là sai, là để một mình cán bộ đó chịu trách nhiệm hoàn toàn, thì còn ai dám nghĩ, dám nói, dám làm nữa?

Chưa kể, còn có những trường hợp, khi cấp dưới phát hiện ra “điểm nghẽn”, nhưng lại gặp lãnh đạo bảo thủ, “gạt đi”, không nghe, thì cũng rất khó để có đổi mới.

Vậy, cần nhất vẫn là lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo thực sự tinh tường, có tâm, có tầm, để đánh giá đúng thực tiễn, có thể thấy ý kiến đề xuất của cấp dưới có thể chưa hoàn toàn đúng với quy định hiện hành, nhưng lại tốt cho thực tiễn, ích nước, lợi dân sau này... thì phải khuyến khích, ủng hộ thí điểm, hết sức tạo điều kiện cho “cái mới”. Còn nếu thấy cấp dưới có ý kiến, nhưng cấp trên lại vì sợ bị ảnh hưởng mà tìm cách “che đi”, “vùi đi”, thì làm sao có cơ hội thay đổi và phát triển. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện ý tưởng mới, cũng đồng thời phải tiến hành đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để xây dựng chế độ chính sách mới.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Mặt khác, khi lãnh đạo đã đồng ý cho cấp dưới triển khai thực hiện “cái mới”, thì khi có khuyết điểm, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cấp dưới. Đề xuất của cấp dưới có thể đúng hoặc chưa đúng, nhưng đã là cán bộ lãnh đạo phải đủ tầm, nhìn ra được đúng sai, tốt xấu. Khi triển khai nếu không đạt như kỳ vọng, thì lãnh đạo cấp trên phải đứng ra cùng chịu trách nhiệm. Là cấp trên mà trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới thì chỉ tạo ra sự kìm hãm, cản trở cán bộ năng động, sáng tạo...

Như vậy, lãnh đạo cấp trên phải đủ tinh tường, sắc sảo, phải có đủ bản lĩnh, đủ trình độ, năng lực, kiến thức để xem xét các ý tưởng, đề xuất của cấp dưới và người lãnh đạo đó có dám khuyến khích cán bộ thực hiện hay không. Theo tôi, đây là nội dung quan trọng mà Nghị định tới đây phải quan tâm” - ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng lưu ý: “Thực tế, khi xem xét trách nhiệm của mỗi cán bộ ở từng vị trí, cũng cần hết sức thận trọng, phải nghiên cứu thấu đáo với những quy định thật chặt chẽ. Bởi lẽ, không phải cứ xảy ra hậu quả là lôi người ở vị trí đó ra xử lý là xong. Có những vấn đề mà quá bê bối, người phụ trách lĩnh vực đó mặc dù đã rất cố gắng và nỗ lực nhưng vẫn chưa khắc phục được vì quá nhiều tồn tại khách quan khác, thì cần có sự xem xét, và những cán bộ như thế cần phải khuyến khích, bảo vệ”.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng chia sẻ: “Muốn Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung có hiệu quả, quan trọng là phải quy định chọn được người đứng đầu có tầm, có tâm, có thể nhìn nhận và đánh giá đúng cán bộ như thế nào là năng động, sáng tạo để khuyến khích ủng hộ; nếu bản thân người đứng đầu bảo thủ, rập khuôn, đánh giá mọi “cái mới” đều là sai thì không có cơ hội đổi mới. Mà đến khi xác minh được, đánh giá được hiệu quả của năng động, sáng tạo thì đôi khi lại là quá muộn; bởi có những khi muốn đổi mới phải dựa vào những thời điểm phù hợp, phải nhìn thấy “cơ hội vàng”.

Vì thế, đề nghị trong nghị định phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”.

“Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, đôi khi chúng ta không thể đánh giá đúng thực tiễn, gây ra hậu quả đôi khi người năng động sáng tạo lại trở thành vi phạm khuyết điểm và đến lúc “minh oan” được thì đã quá muộn. Chính vì vậy, phải đi vào quy định cụ thể năng động, sáng tạo của từng lĩnh vực, mỗi ngành đều có sự khác nhau.

Mặt khác, tôi cho rằng, nghị định ban hành cũng rất cần có một điều khoản nào đó cho phép cán bộ trình bày ý tưởng đề xuất với lãnh đạo quản lý cấp trực tiếp không được thì cho phép “vượt cấp”, trình bày ở cấp tiếp theo hoặc cấp trên nữa để có thể thực hiện được những ý tưởng năng động, sáng tạo tốt, để thúc đẩy thực tiễn phát triển” - nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho biết thêm.

Ngân Chi