Nhiều bà nội trợ ở Hà Nội vẫn vô tư mua thịt gia cầm chưa được kiểm dịch với 1001 lý do…
Tràn lan thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch
Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, những ngày qua, thịt gà chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán khắp các chợ, từ chợ đầu mối cho đến các chợ tạm, chợ cóc.
Theo quan sát của phóng viên, tại một số chợ Đồng Xa (Cầu Giấy), chợ Thành Công…, gia cầm làm thịt sẵn được bán không hề có bao bì, không có dấu kiểm dịch. Khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ, những người buôn bán thịt gia cầm ở các chợ này đều từ chối trả lời và luôn khẳng định gà của họ là gà khỏe, gà sach. Song một tiểu thương còn phàn nàn: “Mọi người vẫn ăn gà, vẫn khỏe mạnh bình thường có sao đâu. Sao phải hỏi nguồn gốc xuất xứ lắm chuyện thế”.
Thịt gà không có dấu kiểm dịch bày bán tràn lan tại các chợ trong Hà Nội. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, quá trình thịt gia cầm vào thành phố rất đơn giản: Gà từ các vùng lân cận được chuyển về các chợ đầu mối Long Biên, Hạ Vĩ (Thường Tín)… Ở đây, gà được mua bán, được làm sẵn, sau đó được chở vào các chợ trong nội thành Hà Nội. Trong số đó, có không ít gà có nguồn gốc từ những vùng chuyên cung cấp thịt gà cho Hà Nội như Ba Vì, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương…, những địa phương đang được cảnh báo dịch cúm gia cầm đang tái bùng phát trên diện rộng.
Dù dịch cúm A/H5N1 đang diễn biến rất phức tạp nhưng thịt gà vẫn không bị “ế”. Thậm chí, giá thịt gia cầm ở các chợ trong khu vực Hà Nội còn có xu hướng tăng lên.
Tại chợ Đồng Xa, chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), giá thịt gà trong mấy ngày này tăng đáng kể. Hiện giá thịt gà đang giao động ở mức 60.000 đồng/kg (thịt gà công nghiệp) đến 120.000 đồng/kg (thịt gà ta). Mức giá này so với mức giá thời điểm sau Tết tăng khoảng gần 10.000 đồng/kg.
Theo đó, sức mua của người dân trong địa bàn Hà Nội vẫn không hề giảm. Chị Hoa, tiểu thương bán thịt gia cầm ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), cho biết: “Trung bình tôi bán được khoảng 20 -30 con/ngày. Vào ngày nghỉ, ngày lễ thì còn bán được nhiều hơn nữa.”
1001 lý do để mua gà không rõ nguồn gốc
Trái với tâm lý “tẩy chay” thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc như những lần bùng phát dịch cúm A/H5N1 trước đây, lần này, người tiêu dùng tỏ ra khá bình thản.
Chị Trần Thanh Hoa (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho hay: “Tôi thường mua thịt gà ở quầy hàng của người quen nên không sợ. Chỉ cần về nhà chế biến kỹ hơn một chút thì không có gì đáng lo ngại.
Suy nghĩ chung của các chị em phụ nữ khi vào bếp là không muốn cho gia đình phải ăn mãi một món thịt nên không thể đưa thịt gia cầm ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Minh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết: “Tôi cũng biết đang có dịch cúm gia cầm, mua thịt gà cũng thấy hơi sợ nhưng ăn mãi thịt lợn cũng chán. Chỉ cần kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn thịt là được rồi”.
Một lý do nữa khiến cho thịt gia cầm mập mờ về nguồn gốc cẫn được tiêu thụ mạnh là vì tâm lý ham rẻ, không thích hàng siêu thị nên nhiều bà nội trợ vẫn chọn mua thịt tại các chợ.
“Gà trong siêu thị đã được kiểm dịch nhưng là gà đông lạnh, không được tươi ngon bằng ngoài chợ” - Chị Nguyễn Thái Hòa (Đội Cấn, Hà Nội) vô tư nói.
Chính tâm lý chủ quan của người tiêu dùng đã góp phần khiến cho dịch cúm gia cầm trở nên khó kiểm soát. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn nữa trong việc giám sát nguồn cung để đảm bảo sức khỏe cho người dân.