VSSA “phản pháo” ý kiến Bộ Công thương
Ngay sau khi bài viết với nhan đề “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam” của Thứ trưởng Bộ Công Thương được đăng trên website chính thức của Bộ Công thương (ngày 27/2/2015), Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có phản hồi với những quan điểm ngược lại.
Trong bài viết đăng tải trên website của Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh nhiều năm qua người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới.
Nghịch lý này, theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú là do những năm qua, Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành.
Trước ý kiến đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có ý kiến phản hồi ngược lại (ảnh chụp màn hình). |
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng, nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào thành công cũng có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam thành công và ngược lại nếu thất bại thì doanh nghiệp Việt Nam thất bại, ngân hàng Việt Nam mất tiền, người lao động Việt Nam mất việc và gánh nặng thuộc về nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc nhập khẩu đường của Hoàng Anh Gia Lai thực chất cũng chỉ là đường do Việt Nam sản xuất.
"Ngành mía đường và doanh nghiệp Việt Nam thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước hết nên tập cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai tạo áp lực tái cơ cấu, mua bán, sát nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hiệu quả", Thứ trưởng viết.
Trước ý kiến của Thứ trưởng Tú, Hiệp hội Mía đường cho rằng quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú chỉ là những lập luận rút ra từ “thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng tính chính xác”.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một số nhà máy đường trong nước hiện có công suất lớn, công nghệ và thiết bị còn hiện đại hơn nhiều nhà máy đường của các nước trên thế giới kể cả nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai xây dựng tại Lào.
Do vậy nói đến chuyện các doanh nghiệp mía đường trong nước phải học tập và cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai khi phát triển thành công mía đường tại Lào, Hiệp hội cho rằng, so sánh như vậy là thiếu cơ sở do điều kiện cơ bản của 2 đối thủ cạnh tranh hoàn toàn khác nhau.
Đồng thời VSSA cũng cho rằng, không thể coi đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào giống như đường sản xuất trong nước…
Hiệp hội Mía đường đang bảo vệ ai?
Trước ý kiến phản hồi của Hiệp hội Mía đường, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 9/3, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ông Đoàn Nguyên Đức (người thường được biết đến với tên gọi Bầu Đức – phóng viên) đặt lại vấn đề khi đưa ra câu hỏi Hiệp hội Mía đường lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của ai?.
Ông Đoàn Nguyên Đức thẳng thắn cho rằng, tiếng là Hiệp hội Mía đường như thực chất đừng đầu Hiệp hội này đều là chủ các doanh nghiệp sản xuất mía đường, đang cạnh tranh để bán đường ra thị trường.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Đức thẳng thắn cho rằng: Hiệp hội Mía đường đang đòi quyền lợi cho số ít doanh nghiệp thuộc hiệp hội chứ không phải vì nông dân trồng mía. |
“Từ đó đặt ra vấn đề Hiệp hội mía đường đang lên tiếng để bảo vệ cho ai? Rõ ràng lãnh đạo Hiệp hội mía đường đang lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho chính họ, chính doanh nghiệp của họ chứ không phải cho nông dân trồng mía. Xã hội đang lầm tưởng chuyện họ đòi hỏi quyền lợi cho nông dân nhưng thực chất là quyền lợi cho họ”, Bầu Đức thẳng thắn.
So sánh các ngành khác trong nông nghiệp hiện nay, theo Bầu Đức hiện chỉ có mía đường đang ít nhiều có sự bảo hộ của nhà nước. “Trong khi cà phê, tiêu, điều, lúa gạo… không bảo hộ nhưng đều phát triển tốt. Chỉ có duy nhất ngành mía đường đang được nhà nước bảo hộ thì lại liên tục kêu ca”, Bầu Đức nói.
“Hiệp hội mía đường là những ông chủ các doanh nghiệp mía đường hợp lại với nhau để bảo vệ quyền lợi sống còn của họ, họ bảo vệ quyền lợi một nhóm người chứ không phải bảo vệ ngành mía đường và nông dân trồng mía, họ lấy nông dân trồng mía làm truyền thông thôi”, ông Đoàn Nguyên Đức thẳng thắn.
Người đứng đầu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng cho rằng, trong khi Hiệp hội Mía đường ra sức bảo vệ quyền lợi của mình thì người dân đang phải sử dụng đường với giá cả cao hơn rất nhiều so với giá đường nhiều nước, nông dân trồng mía thì liên tục gặp cảnh được mùa mất giá.
“Đã đến lúc phải xóa bỏ bảo hộ để mía đường tự cạnh tranh tự phát triển từ đó mới phát triển bền vững. Cứ sống bao cấp làm sao cạnh tranh được, trên thế giới này chả có ngành nào bao cấp mà sống được lâu dài. Phải cơ chế thị trường, phải cạnh bình đẳng mới nâng cao chất lượng, giảm giá thành”, Bầu Đức nêu giải pháp.
Vì sao khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xin nhập khẩu đường từ Lào về tinh luyện tại Việt Nam đã gây nên những tranh luận lớn? Có một số ý kiến ủng hộ việc tiếp tục bảo hộ Ngành mía đường Việt Nam, cũng có nhiều ý kiến trong đó đa phần là của các học giả, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là tín hiệu để thúc đẩy ngành mía đường trong nước cần khẩn trương đổi mới.
Trước tranh luận này, theo Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dù mía đường đang được bảo hộ nhưng Hiệp hội Mía đường liên tục có ý kiến. “Hiện chỉ có Hoàng Anh Gia Lai thôi mà họ đã phản ứng như vậy, nếu phải cạnh tranh đến hệ thống các doanh nghiệp mía đường tại các nước ví dụ như Thái Lan sau khi hội nhập thì sẽ ra sao”, Bầu Đức nêu vấn đề.
Đây là thời kỳ cần mở cửa không thể sống bằng bảo hộ: “Giờ phải tự lực mà sống chứ ngồi đây tranh cãi. Việc Bộ Công Thương cho phép nhập đường của Hoàng Anh Gia Lai về tinh luyện xuất khẩu đi Trung Quốc là vấn đề hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, không liên quan Hoàng Anh Gia Lai”, Bầu Đức khẳng định.
Theo Bầu Đức nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai được tiêu thụ trong nước giá chắc chắn sẽ rẻ hơn giá đường hiện nay |
Cách tốt nhất lúc này để nông dân trồng mía thoát cảnh khó khăn, theo Bầu Đức là nên đóng cửa nhà máy đường hiện nay lại. Từ đó mở ra việc các doanh nghiệp mía đường hoạt động tốt họ tiến hành hợp tác để tái cấu trúc và đầu tư lại. Còn những doanh nghiệp mía đường hiện nay cực kỳ yếu kém, trong đó đặc biệt doanh nghiệp Hiệp hội mía đường.
Trong khi đó liên quan đến việc Hiệp hội Mía đường cho rằng, công nghệ dây chuyền của doanh nghiệp mía đường trong nước hiện đại hơn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng: “Làm sao họ biết nhà máy đường của tôi như thế nào để nói như vậy, trong khi công nghệ nhà máy đường trong nước lạc hậu”.
Còn về giá cả, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: “Đương nhiên nếu đường Hoàng Anh Gia Lai được bán trong nước giá sẽ thấp hơn giá đường hiện nay vì bán giá cao ai mua. Nguyên tắc thị trường để cạnh tranh phải có chất lượng cao, giá thành thấp. Hiệp hội mía đường lo ngại đường Hoàng Anh Gia Lai vào thị trường Việt Nam với chất lượng tốt hơn giá thành rẻ hơn nên họ sợ”.