Như vậy sau gần 4 tháng cuộc tranh luận về việc nên hay không nên cho phép Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tạm nhập đường thô sản xuất tại Lào về Việt Nam chế biến thành đường tinh luyện và xuất sang Trung Quốc cuối cùng cũng có kết luận chính thức.
Theo đó, Thủ tướng đã chính thức cho phép Công ty CP đường Biên Hòa (Đồng Nai) được nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào), tinh luyện và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai theo đúng quy định về xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL): "Đường của HAGL không phải là vô tận" |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đưa đường thô sản xuất từ Lào bán cho doanh nghiệp đường nước tinh luyện là chiến lược kinh doanh mới của Bầu Đức, vừa đảm bảo hoạt động cho nhà máy đường, tạo việc làm cho lao động đồng thời tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Nhiều người cũng tin rằng năm 2014 và năm tiếp theo sẽ có lượng đường thô lớn được nhập về Việt Nam.
Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp đường trong nước đặt vấn đề nếu họ tìm được thị trường xuất khẩu, muốn mua đường thô của HAGL để tinh luyện, liệu có được đáp ứng và số lượng đường thô HAGL có thể cung ứng cho doanh nghiệp đường trong nước là bao nhiêu?
Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức (thường được biết đến tên gọi bầu Đức) - Chủ tịch HĐTV Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai khẳng định: Trước mắt năm 2014, HAGL chỉ có kế hoạch nhập 30.000 tấn đường thô bán cho Công ty CP đường Biên Hòa.
Theo ông Đức, khi HAGL đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía đường và nhà máy đường tại Attapeu (Lào), doanh nghiệp "xác định thị trường tiêu thụ mía đường trước hết bán đường tại Lào, có chi mà chúng tôi phải làm thế (phái mang đường thô từ Lào bán cho doanh nghiệp trong nước để tinh luyện – PV)!”.
Sản lượng đường thành phẩm năm 2013 của tập đoàn khoảng 100.000 tấn, xuất đi nhiều thị trường chứ không phải chỉ riêng thị trường Lào và Việt Nam.
Ông Đức cho biết, đúng là HAGL có diện tích trồng mía cũng như sản lượng đường lớn tại Attapeu nhưng không có nghĩa là vô hạn. “Lượng đường HAGL có hạn, công suất có hạn và không phải vô tận”, Bầu Đức nói.
Báo cáo Tài chính hợp nhất quý IV/2013 của HAGL cho thấy, tính đến ngày 31/12/2013 tập đoàn này bỏ ra hơn 28 tỉ đồng chi phí trồng mía, con số này thấp hơn rất nhiều so với năm 2012 (183,8 tỉ đồng).
Hiện HAGL đang năm giữ số 92,14% tỉ lệ vốn sở hữu của Công ty Phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu. Hoàng Anh Attapeu là công ty con của HAGL hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà chủ yếu trồng khai thác cao su và mía đường tại Lào.