Thương học sinh bữa cơm trưa chỉ có cơm trắng muối tỏi, thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Quảng Hòa (huyện Đắc G’Long - Đắk Nông) đã kêu gọi anh em, bạn bè và đồng nghiệp tổ chức mô hình bữa cơm tình thương.
Thương học sinh thì tôi làm
Xã Quảng Hòa (huyện Đắk C’Long) là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào người dân tộc Mông “nhảy dù” từ ngoài Bắc vào khai thẩn, làm nương, rẫy.
Kinh tế xã khó khăn với hơn 65% là hộ nghèo. Người dân sinh sống rải rác trong những cánh rừng làm nương rẫy, kinh tế tự cung tự cấp. Đời sống còn nhiều khó khăn khiến cho việc đến trường của học sinh bị cản trở.
Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với ngôi Trường Trung học cơ sở Quảng Hòa, thầy Nguyễn Quang Trung chia sẻ với phóng viên:
“Tôi về đây ngót nghét đã gần chục năm công tác. Câu chuyện mà tôi chia sẻ trên mạng xã hội về việc các em ăn cơm trắng và làm thịt chuột đồng là chuyện mà tôi đã từng chứng kiến.
Bếp ăn này được mở ra xuất phát từ việc tôi làm công tác đội gần gũi với các em và thường xuyên thăm các em ở nhà trọ. Khi xa gia đình các em gặp rất nhiều khó khăn về vệ sinh và chi tiêu.
Các em đầu tuần được bố mẹ cho một ít gạo rồi 30.000-50.000 đồng để sống trong một tuần đó. Các em lớp 5, lớp 6 còn phải nuôi thêm một đứa em vì có nhiều học sinh có em học mầm non”.
Thầy cho biết thêm thời gian đầu thầy chỉ xin được các gói mì tôm, các hộp sữa, cháo. Lâu dần có người quyên góp thầy mới quyết định mở bếp ăn:
“Tôi huy động anh em, bạn bè, thầy cô trong trường, đoàn thể tham gia nấu cùng bếp. Dần dần bếp của mình được các người dân, quán xá hỗ trợ.
Bếp tình thương trong 3 tháng hè vừa rồi mình nấu cho dân tức là những người già neo đơn cũng như người khuyết tật, mình cố gắng duy trì bếp ăn cả năm luôn”.
Hiện nay, bữa ăn tình thường dành cho học sinh của hai trường Trung học cơ sở Quảng Hòa và tiểu học Bế Văn Đàn cung cấp 150 suất ăn trong đó 120 suất dành cho các em thuộc diện được cho cơm.
Ba mươi suất còn lại các thầy dành cho những em học sinh ở xa, sáng đi tối về các em có thể lên xin cơm.
Thầy Nguyễn Quang Trung cùng các em học sinh nghèo nhận đóng góp của các nhà hảo tâm |
Mỗi buổi sáng thứ 2 và thứ 4, thầy Trung cùng một cô phụ trách bếp lại tất bật đi chợ mua thực phẩm về tổ chức bếp ăn.
Bếp ăn tình thương do các thầy cô giáo tổ chức đặt tại nhà dân đến trưa lại đỏ lửa. Các thầy cũng cố gắng cải thiện món ăn và đa dạng thực đơn dành cho các bé.
Thầy chia sẻ lúc đầu các em ăn không quen. Do tập quán ăn uống của đồng bào nơi đây là quen ăn muối, tỏi. Phải mất một thời gian các em mới bắt đầu thấy hợp khẩu vị và cách chế biến của các thầy cô.
Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng cho em thông qua những bữa ăn tình thương đậm đà nghĩa cử thầy – trò, các thầy cô cũng hướng đến việc giáo dục kỹ năng sống và vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Thầy Trung nhấn mạnh: “Lúc đầu các em không quen sau dần các em cũng quen với cách ăn của bếp và ăn xong tự giác đem hộp cơm đi rửa.
Trước đây mình dùng hộp giấy sau này được các mạnh thường quân quyên góp cho hộp nhựa thì các em cũng có ý thức ăn xong rửa sạch sẽ và cất gọn.
Qua đó, mình tập cho các em ý thức ăn xong và phải rửa. Bên cạnh đó, mình cũng hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân”.
Một tuần bếp ăn tình thương tổ chức nấu 2 buổi vào thứ 2 và thứ 4 với 150 suất ăn |
Mong muốn tổ chức nhiều bữa ăn hơn nữa cho học sinh
Mới đây, tháng 11/2018, thầy Trung được vinh danh trong chương trình “Tuyên dương giáo viên trẻ tiêu biểu và trao giải thưởng tài năng trẻ tỉnh Đắk Nông năm 2018”.
Ý tưởng của thầy Trung được nhen nhóm từ năm 2016 và chính thức đưa bếp ăn vào hoạt động từ năm 2017.
Đến nay, qua hai năm, bếp ăn tình thương do các thầy cô tổ chức đã nấu được 16 đợt với khoảng 1.600 suất cơm cho học sinh của 2 trường (tiểu học Bế Văn Đàn, trung học cơ sở Quảng Hòa) ăn bữa trưa miễn phí.
Thầy Trung cũng vui mừng cho biết: Bếp đã bắt đầu triển khai một tuần 2 bữa ăn miễn phí cho học sinh vào thứ 2 và thứ 4 hàng tuần.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, thầy Trung bày tỏ: “Mong muốn của tôi trong tương lai là bếp ăn sẽ được mở rộng về quy mô cũng như tổ chức thêm nhiều bữa ăn, tăng số lượng bữa ăn và dinh dưỡng dành cho các em.
Bên cạnh đó, tôi cũng hi vọng bếp ăn tình thương sẽ nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm.
Trong tương lai nếu như được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm thì mình muốn tăng bữa ăn cho các em và tăng phần dinh dưỡng trong các bếp ăn”.
Đánh giá về hiệu quả mô hình bữa ăn tình thương, thầy La Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) cho biết:
“Mô hình bếp ăn tình thương do thầy Trung phụ trách là một mô hình được nhà trường rất ủng hộ và có tác động tốt đến đời sống học sinh trong trường.
Về hiệu quả tôi đánh giá cao mô hình này và hi vọng sẽ duy trì bếp ăn để phục vụ học sinh trong trường”.
Cảm động trước nghĩa cử ấm áp của thầy cô và các nhà hảo tâm, em Triệu Thị Phương đã đại diện cho các bạn học sinh trong 2 ngôi trường Trung học cơ sở Quảng Hòa và trường Tiểu học Bế Văn Đàn đã viết một bức thư gửi đến các thầy cô và các mạnh thường quân.
Bức thư cảm động của một em học sinh gửi các thầy cô và các nhà hảo tâm |
Trong đó có đoạn: “Kính thưa mọi người, thật may mắn dù khó khăn nhưng bố mẹ, thầy cô nơi đây luôn quan tâm giúp đỡ chúng cháu.
Càng may mắn hơn khi nhận được sự quan tâm và ủng hộ về tinh thần, vật chất của mọi người giúp chúng cháu có thể vươn lên, vượt qua lòng tự ái của một học sinh dân tộc thiểu số vùng cao, chắp cánh cho những ước mơ của chúng cháu”.
Câu chuyện về bếp ăn tình thương của các thầy cô khép lại bằng những dòng chữ nhỏ nhắn, đáng yêu của cô học trò nhỏ.
Những bữa ăn như thế này ở nhiều nơi có thể là rất nhỏ nhoi nhưng đối với các học sinh nghèo nơi đây, bữa ăn tình thương giúp các em chắp cánh ước mơ, gắn bó với con chữ.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với thầy trò xã vùng cao Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông, xin vui lòng liên hệ đến: Thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), số ĐT: 0377 054 272, số tài khoản: 5306215012590 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Trân trọng! |