Bị chậm trả phụ cấp nhiều năm, giảng viên CĐ Kinh tế-Kỹ thuật thương mại bức xúc

14/01/2025 06:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Từ năm 2015 đến nay, có giáo viên bị chậm chi trả cả hai khoản phụ cấp với số tiền ước tính hơn 150 triệu đồng.

Vừa qua, nhiều giảng viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại gửi thông tin đến phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về việc, Nhà trường chậm chi trả tiền phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp trong nhiều năm nay. Có giáo viên bị chậm chi trả cả hai khoản phụ cấp với số tiền ước tính hơn 150 triệu đồng.

Thông tin thêm về việc này, một giảng viên cho biết: "Trước tình trạng trên, chúng tôi đã nhiều lần ý kiến và đề nghị Nhà trường giải quyết trong các cuộc họp viên chức của khoa chuyên môn cũng như trong hội nghị cán bộ viên chức của Nhà trường. Tuy nhiên đến nay những giảng viên đòi quyền lợi như tôi vẫn chưa được nhà trường giải quyết thỏa đáng".

Theo chia sẻ của nhiều giảng viên, trong số những người đứng lên đòi quyền lợi, có một số người là giảng viên kỳ cựu, đã cống hiến từ lúc Nhà trường chính thức có tên là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại sau khi thực hiện nâng cấp.

Trong đó, nhiều giảng viên có quyết định nhận phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp với mức 25% từ năm 2006, đến năm 2015 thì khoản này không thấy được Nhà trường tiếp tục chi trả. Với khoản phụ cấp thâm niên, có giảng viên cũng đã bị Nhà trường chậm chi trả từ năm 2020 đến nay.

GDVN_Phu cap nn (1).jpg
Nhiều giảng viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại có quyết định được hưởng mức ưu đãi nghề nghiệp từ năm 2006. Đến năm 2015 khoản tiền này đã không được Nhà trường chi trả. Ảnh: Giảng viên cung cấp

"Chúng tôi là người lao động được Nhà trường tuyển dụng làm viên chức. Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, kỷ luật. Nếu không có vi phạm thì không có lý do gì Nhà trường lại không thực hiện nghĩa vụ chi trả chế độ với các giảng viên", một giảng viên bức xúc.

Theo biên bản làm việc và giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại với các giảng viên vào ngày 27/12/2024 do các giảng viên cung cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nêu trong biên bản về nguyên nhân của việc chậm trễ là do: "Tình hình tuyển sinh khó khăn dẫn đến nguồn thu của Nhà trường giảm mạnh. Nhà trường đã phải cân đối, điều chỉnh các khoản chi (trong đó có phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và phụ cấp thâm niên nhà giáo)".

Cũng về nội dung này, trước đó, hồi tháng 10/2024, các giảng viên cũng đã từng gửi đơn kiến nghị lên Nhà trường về vấn đề này. Sau đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại cũng đã có văn bản số 409/CĐTM-TCCB gửi cho giảng viên để trả lời các nội dung liên quan.

Theo đó, trước nội dung giảng viên băn khoăn về việc chưa nhận đủ thu nhập do thiếu các khoản phụ cấp, trong văn bản trả lời của Nhà trường nêu: "Từ sau Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 25/12/2012 về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học cũng như các trường cao đẳng nói chung, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại từ năm 2014 đến nay gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Số lượng sinh viên cao đẳng chính quy giảm đi đáng kể khiến nguồn thu của Nhà trường giảm sút. Khối lượng giờ giảng của giảng viên cũng giảm đi đáng kể.

Cụ thể, năm học 2014 - 2015 khối lượng công tác giảng dạy của giảng viên toàn trường chỉ đạt 78,1%. Trong đó chỉ có Khoa Kỹ thuật - Công nghệ đạt 119,9%, các khoa khác đều không đạt 100%, đặc biệt có khoa chỉ đạt 49,9%.

Năm học 2015 - 2016, khối lượng công tác giảng dạy của giảng viên toàn trường đạt 63,6%. Trong đó, chỉ có Khoa Kỹ thuật - Công nghệ đạt 132,6%, 9 khoa khác đều không đạt 100%, đặc biệt có khoa chỉ đạt 40,9%.

Xét thấy việc không đủ khối lượng giảng dạy chủ yếu do nguyên nhân khách quan, Nhà trường đã linh hoạt trong việc xét xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên. Nhưng trên thực tế, nguồn thu từ học phí suy giảm nghiêm trọng buộc Nhà trường phải cân đối để điều chỉnh các khoản chi, trong đó có việc điều chỉnh phụ cấp đứng lớp (phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp - PV), phụ cấp thâm niên của giảng viên.

Việc này hoàn toàn đúng quy định và thuộc thẩm quyền đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần ở nhóm 3 theo Nghị định số 60/20221/NĐ-CP ngày 21/6/2021".

Ngoài ra, trong văn bản trả lời của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại nói rõ về các thắc mắc và yêu cầu của giảng viên đối với yêu cầu chi trả hết các khoản phụ cấp cho giảng viên viên là "chưa thể thực hiện được".

Nhằm làm rõ các nội dung giảng viên phản ánh, ngày 6/1/2025, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thầy Nguyễn Trung Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại để nắm thêm thêm thông tin.

Phản hồi qua tin nhắn điện thoại, lãnh đạo Nhà trường cho biết: "Hiện nay, sự việc đang trong quá trình giải quyết của cơ quan chủ quản đối với đơn thư phản ánh của các cá nhân. Nhà trường chưa thể cung cấp thông tin".

GDVN_ ảnh ctt.jpg
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại. Ảnh: CTV

Cùng ngày, phóng viên đã liên hệ với Thanh tra Bộ Công thương, một cán bộ của Thanh tra Bộ này cho biết, cơ quan này đang tiến hành xử lý sự việc liên quan xảy ra tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại.

"Việc giảng viên tại đó có đơn phản ánh Nhà trường nợ các khoản tiền phụ cấp là chính xác. Nhà trường là đơn vị đang thực hiện tự chủ một phần, do đó ngân sách chỉ hỗ trợ một phần. Còn lại đơn vị phải tự vận động để có nguồn kinh phí hoạt động và chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên, giảng viên.

Tuy nhiên, trong những năm vừa rồi cho thấy Nhà trường không tự chủ được do việc tuyển sinh không hiệu quả. Vì thế, ngoài nguồn được hỗ trợ từ ngân sách, trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính để duy trì hoạt động bộ máy", vị đại diện Thanh tra Bộ Công thương thông tin thêm.

Qua đó, vị đại diện này cho biết, Thanh tra Bộ cũng đã có một số kiến nghị với lãnh đạo Bộ Công thương để xem xét và có hướng dẫn giải quyết sự việc.

Vị này cũng chia sẻ thêm rằng, đối với việc khó khăn về tài chính thì hằng năm Nhà trường cũng có báo cáo về Bộ Công thương thông qua Vụ Kế hoạch - Tài chính.

Theo quan điểm của vị này, khi đơn vị đã thực hiện tự chủ một phần đồng nghĩa với việc dự toán ngân sách của Nhà nước chỉ cấp được một khoản kinh phí nhất định đối với Nhà trường.

"Trong trường hợp gặp vướng mắc về kinh phí để chi trả thì Nhà trường phải thông qua các cuộc họp công nhân viên chức để thống nhất phương án và tự giải quyết", vị này cho hay.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại có trụ sở tại số 126 Phố Xốm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Trường là đơn vị công lập trực thuộc Bộ Công Thương, được nâng cấp từ Trường Trung học Thương mại Trung ương I theo Quyết định số 97/QĐ-TTg ngày 22/5/1998 của Chính phủ. Trường hiện đang đào tạo 18 nghề bậc cao đẳng; 11 nghề bậc trung cấp; 5 nghề bậc sơ cấp.

Trường hoạt động với sứ mệnh là cung cấp dịch vụ giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ chất lượng cao, nhiều ngành nghề; và một môi trường học tập thuận lợi để mỗi người học có kiến thức, kỹ năng vững vàng, có thể chất khoẻ mạnh, có đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, có việc làm hiệu quả, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung Dũng