Điển hình là vào cuối năm 2006, hàng loạt Công ty sữa phải công bố đã vi phạm quy cách giới thiệt sản phẩm (sữa lỏng) khi ghi trên nhãn là “sữa tươi nguyên chất”, “sữa tươi tiệt trùng” trong khi nguyên liệu chế biến đều là sữa gầy. Do đó, nhiều năm trời, người tiêu dùng phải uống sữa “giả tươi”. Đây là phương pháp kinh doanh đầy lợi nhuận, bất chấp tất cả những giá trị đạo đức, văn hóa. Bên cạnh đó, một thực trạng đáng lo ngại khác cho vấn đề an toàn sữa là nước ta chưa có trang trại khép kín từ khâu chăn nuôi đến thu hoạch và chế biến sữa ở quy mô công nghiệp. Trong khi đó, nguồn cung cấp nguyên liệu thu mua từ nông dân gặp khó khăn trong quá trình thu gom và phải di chuyển xa trong thời gian dài nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, chất lượng sữa không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu mua và giá thành nguyên liệu để chế biến…
Ảnh Internet. |
Kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa trong 2 năm qua của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ có chưa đầy 1% nguyên nhân sữa kém chất lượng xuất phát từ nhà sản xuất; 4% có nguyên nhân từ phụ gia, thực phẩm và 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý; 18% từ việc sử dụng sản phẩm không theo quy định và 5% chưa rõ nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp người tiêu dùng gặp phải đó là các sản phẩm sữa khi sử dụng bị bốc mùi hoặc liên quan đến tiêu hóa, dị ứng. Các sản phẩm lỗi thường xuất phát từ việc sản xuất thành phẩm, làm giả, làm nhái sản phẩm khiến người tiêu dùng bức xúc. Thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho thấy, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở VN giai đoạn năm 2000-2010 tăng bình quân trên 9%/năm. Dự kiến giai đoạn 2010-2015 tốc độ tăng trưởng ở nước ta vẫn tiếp tục ở mức cao. Trước thực tế này, ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội sữa VN cho rằng, nguyên liệu chính để sản xuất các mặt hàng sữa chính là sữa tươi nguyên liệu. Vì thế, các trang trại cần được áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu trồng cỏ, chăm sóc sức khỏe bò, vệ sinh chuồng trại, nước thải… cho đến khâu vắt sữa, bảo quản để vận chuyển đến nhà máy sản xuất. Các nhà sản xuất, chế biến kinh doanh mặt hàng sữa phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu thông sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Đồng thời, cường hợp tác với đội ngũ các nhà khoa học VN, áp dụng công nghệ hiện đại và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi! Độc giả nhớ cung cấp số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ!
Dương Hải