Chuyến tàu định mệnh
Chiều ngày 05/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận (GTVT) tải Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng về công tác tìm kiếm cứu nạn và phân tích nguyên nhân vụ chìm tàu khách H29 làm 9 người thiệt mạng, xảy ra vào tối ngày 02/8 trên vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tàu H29 bị chìm có số hiệu cụ thể là BP 12.04.02 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện số 20.22-13/CN-ĐK cấp ngày 16/7/2013.
Tàu có chiều dài 8,5m, rộng 2,29m, trang bị máy công suất 200HP, vỏ composite đóng năm 2013, được phép chở tối đa 12 người, phạm vi hoạt động được phép trong vùng sông, vịnh, công dụng tuần tra.
Ngày 09/7/2013, tài H29 được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đưa sang Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc để bảo dưỡng định kỳ. Ngày 02/8, tàu trên đã được bảo hành xong, chờ ngày xuất xưởng.
Tàu H29 được trục vớt vào bờ phục vụ cho công tác điều tra. |
Khoảng 15h00 ngày 02/8, ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Vũng Tàu Marine (có trụ sở tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) đã mượn ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc 3 chiếc tàu để đi đón công nhân tại khu công nghiệp dầu khí Soài Rạp, trong đó có tàu H29.
Khoảng 15h20 cùng ngày, 3 chiếc tàu đi mượn này đã xuất phát từ Xưởng đóng tàu Việt Séc (Vũng Tàu) đến cảng thuỷ nội địa của Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (khu công nghịêp dịch vụ dầu khí Soài Rạp, xã Kiển Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) để đón khoảng 66 công nhân về Vũng Tàu.
Khi đến khu công nghiệp dịch vụ Soài Rạp, tàu H29 do ông Phạn Duy Phúc làm thuyền trưởng, ông Nguyễn Văn Dương làm thợ máy đã chở 28 công nhân của Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam. Trên đường hành trình về Vũng Tàu, đến khoảng 20h cùng ngày tàu H29 bị nạn tại vị trí tương đối: 10º21’43’’N - 106º57’44’’E cách mũi Vũng Tàu khoảng 8 hải lý về phía Tây Tây Bắc.
Cục Hàng hải nhận định, vào thời điểm tàu H29 gặp nạn, khu vực biển Cần Giờ có thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, tầm nhìn xa hạn chế, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ GTVT, UBND TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cục Hàng hải Việt Nam và sự nỗ lực của các đơn vị tham gia (như Vũng Tàu MRCC, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Công ty TNHH một thành viên hoa tiêu Tân Cảng, Công ty TNHH một thành viên Hoa tiêu khu vực 1, Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu, Bộ đội biên phòng TP Hồ Chí Minh, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiểm ngư TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hồ Chí Minh, Hải quan Vũng Tàu, Công ty lai dắt tàu biển...), công tác tìm kiếm cứu nạn đã cứu được triển khai nhanh chóng.
Toàn bộ 9 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy và sáng ngày 5/8. |
Đến 1h08 ngày 3/8, 17 nạn nhân trong vụ tai nạn ca nô được cứu sống. Đến 3h43 cùng ngày, 4 người khác tiếp tục được cứu sống, trong đó có 2 người nước ngoài. Tới thời điểm 7h20 sáng ngày 05/8, toàn bộ 9 thi thể nạn nhân trong vụ tại nạn đã được tìm thấy, đưa vào bờ bàn giao cho gia đình và cơ quan chức năng.
Tàu H29 chưa được đăng kiểm, chở quá 18 người so với tiêu chuẩn
Nói về nguyên nhân vụ tai nạn, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, tàu H29 đã chở quá số lượng người cho phép (30/12) và hành trình trong điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam.
Về trách nhiệm liên quan đến vụ việc, Cục Hàng hải cũng cho rằng, Công ty Cổ phần Việt Séc đã tự ý đưa phương tiện vào chở khách, không làm các thủ tục khai báo xin phép cho tàu xuất bến với các cơ quan chức năng theo quy định. Ngoài ra, Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tự ý tiếp nhận phương tịên vào bến thuỷ nội địa, để đưa đón cán bộ công nhân viên của Công ty về Vũng Tàu không thông báo cho các cơ quan chức năng. Đặc biệt là người điều khiển tàu đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn và thủ tục cho tàu thuyền xuất – nhập cảng.
Tàu H29 do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc chế tạo bằng vật liệu Polypropylen copolymer (PPC). Sau khi xem xét các hồ sơ lưu, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định không thực hiện công tác đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường cho tàu H29. Tàu H29 được đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tàu này khác mẫu với tàu H790 mà Công ty Việt Séc đề nghị Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Thành lập tổ điều tra đặc biệt để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn
Sau khi lắng nghe các cơ quan chức năng đánh giá về vụ tai nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: “Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cần phải sớm điều tra làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan nhằm kịp thời rút kinh nghiệm để không xảy ra tai nạn tương tự”.
Để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ chìm tàu, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định thành lập ngay một Tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công làm Tổ trưởng, có sự tham gia của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm VN, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải, Vụ Pháp chế Bộ GTVT và các chuyên gia giỏi tham gia vào tổ điều tra.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu điều tra làm rõ trách nhiệm của 2 lái tàu cùng xuất bến khi biết có báo hiệu tàu H29 bị nạn mà không dừng lại cứu. Đồng thời, cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ tai nạn, chậm nhất đến ngày 20/8/2013 phải có báo cáo trình Bộ GTVT.