Các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Hình minh họa. |
Tờ Taipei Times ngày 26/12 đưa tin, một số nhà lập pháp Đài Loan tỏ ra "thất vọng" trước sự miễn cưỡng của chính quyền Mã Anh Cửu triển khai (bất hợp pháp) các tàu quân sự ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bất chấp cái họ gọi là "mối uy hiếp trực tiếp từ Việt Nam và Trung Quốc".
Đài Loan chiếm đóng (bất hợp pháp) đảo Ba Bình và bãi Bàn Than nằm trong quần đảo Trường Sa, Taipei Times dẫn báo cáo Bộ Quốc phòng Đài Loan nộp cho Viện Lập pháp nói rằng tiền đồn quân sự tại đây đang bị đe dọa bởi việc triển khai các tên lửa cơ động mới nhất và hỏa lực pháo binh ở các điểm đảo xung quanh do Trung Quốc, Việt Nam kiểm soát.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đang tích tụ ngày càng nhiều vũ khí trên các đảo ở Trường Sa gần đảo Ba Bình, bãi Bàn Than nơi Đài Loan đóng quân (bất hợp pháp). Cơ quan này nói rằng họ đặc biệt quan tâm cái họ gọi là "các động thái của Việt Nam tăng cường sự hiện diện quân sự với các vũ khí tinh vi trên đảo Sơn Ca cách đảo Ba Bình chỉ 11 km về phía Đông".
Báo cáo của cơ quan này gửi Viện Lập pháp Đài Loan nói rằng Việt Nam đã triển khai một số lượng không xác định các tên lửa phòng không vác vai mới và mở rộng địa bàn đóng quân trên đảo Sơn Ca trong năm 2014.
Cơ quan quân sự Đài Loan cho rằng, "phạm vi hoạt động của tên lửa vác vai Việt Nam khoảng 1,5 km. Tuy nhiên Việt Nam có thể lên kế hoạch triển khai các tên lửa cơ động đến rạn san hô gần đảo Ba Bình hoặc có thể bắn từ trên tàu tuần tra. Trong một kịch bản như vậy, máy bay vận tải quân sự của Đài Loan ra Ba Bình có thể bị đe dọa trực tiếp".
Hải quân Nhân dân Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc không phải cái cớ để ai đó vin vào, đục nước béo cò, chạy đua vũ trang. Ảnh: Tienphong. |
Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng tuyên truyền rằng Việt Nam đã bắt đầu mở rộng đảo Sơn Ca và xây dựng căn cứ quân sự. Trong khi đó Trung Quốc đã khai hoang (bất hợp pháp) những vùng đất đai rộng lớn và xây dựng căn cứ quân sự (trái phép) trên 5 bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Bắc Kinh cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ tháng 3/1988).
Các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc đã và đang diễn ra ở đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Chữ Thập, đá Gạc Ma và đá Tư nghĩa. Lấy cớ "đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông", các nhà lập pháp Đài Loan yêu cầu Bộ Quốc phòng đảo này triển khai lực lượng hải quân/thủy quân lục chiến ra đảo Đông Sa, Ba Bình thay thế lực lượng "cảnh sát biển" đang đồn trú tại đây.
Giới lập pháp Đài Loan cho rằng Bộ Quốc phòng đảo này đang hành động trái ngược nhau khi thừa nhận (cái gọi là) mối đe dọa đối với tiền đồn quân sự trên đảo Ba Bình nhưng lại bác bỏ yêu cầu thay thế lực lượng "cảnh sát biển" bằng lực lượng quân sự chính quy cũng như đặt tàu chiến đồn trú (bất hợp pháp) vĩnh viễn ở Trường Sa.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan đề nghị chính quyền đảo này tăng cường phòng thủ ở Biển Đông với lý do "Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều đã xây căn cứ quân sự và triển khai vũ khí mới trên 12 đảo, rặng san hô và bãi đá xung quanh đảo Ba Bình".
Có thể thấy rằng việc giới chức quân sự và lập pháp Đài Loan rêu rao Việt Nam uy hiếp lực lượng của họ chiếm đóng bất hợp pháp trên đảo Ba Bình chỉ là cái cớ để kêu gọi chạy đua vũ trang, leo thang căng thẳng sau khi Bắc Kinh liên tục có hành động bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo tại một số bãi đá họ chiếm đóng bất hợp pháp - PV.
Lực lượng quân sự Đài Loan đồn trú bất hợp pháp trên đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, núp dưới danh nghĩa "cảnh sát biển". |
Thấy Bắc Kinh liên tục củng cố và mở rộng lực lượng quân sự bất hợp pháp ở Trường Sa bất chấp phản đối của Việt Nam và các bên liên quan, Đài Loan cũng muốn nhân cơ hội này đục nước béo cò. Tham vọng bành trướng, độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh và Đài Bắc với đường lưỡi bò là như nhau, chỉ có thủ đoạn và mức độ khác nhau. Cả hai đang làm phức tạp tình hình Biển Đông, leo thang căng thẳng, xâm phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam - PV.
Tờ Geographical của Anh hôm nay cũng bình luận, tình hình Biển Đông hiện tại căng thẳng nhưng tương đối "ổn định", nhưng điều đáng lo ngại chính là người Trung Quốc đang tạo ra các hòn đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa mà họ chiếm đóng (bất hợp pháp) trong vài chục năm qua.
Chính động thái này của Bắc Kinh đã khiến các bên liên quan có yêu sách ở Biển Đông "tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang hải quân quy mô nhỏ". Trong khi đó Trung Quốc đã đi trước các nước khác một quãng đường khá dài. Họ đã xây dựng một lực lượng tàu tuần tra (hải cảnh) với chiếc to nhất 10 ngàn tấn.
Nhật Bản đang làm việc với các nước khác ven Biển Đông để giúp họ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhật đang cung cấp tàu tuần tra bảo vệ bờ biển cho Việt Nam, nhưng chỉ cỡ 500 tấn, Geographical lưu ý.
Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong trên Biển Đông với sức mạnh lớn hơn, có thể huy hiếp các nước khác. Đôi khi các tàu tuần tra Trung Quốc tông chìm tàu cá và hoạt động này có thể ngày càng nghiêm trọng hơn khi Bắc Kinh mở rộng hoạt động cho lực lượng tuần tra.