Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cấp bách”

12/06/2017 16:03
Diệu Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Chí Dũng nói rằng, phương án mở rộng thế nào do Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhu cầu đi lại của người dân hiện quá lớn, trong khi đầu tư xây dựng sân bay Long Thành cần nhiều thời gian, vì vậy mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết và cấp bách.

Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm về phương án mở rộng và trình Chính phủ để quyết, dựa trên hiệu quả, dựa trên ngân sách...

“Cụ thể mở bên nào, cần lấy ở đâu, cần làm những gì, Bộ Giao thông Vận tải phải quyết định đầu tiên. Khi cần thiết phải lấy diện tích đất sân golf thì phải bàn với chủ đầu tư và Bộ Quốc phòng”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cấp bách”. ảnh: Vietnamplus.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cấp bách”. ảnh: Vietnamplus.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gương mẫu bỏ luôn quy hoạch sân golf, vì đấy là một loại sản phẩm nên không cần thiết quy hoạch.

“Bộ trình luật quy hoạch theo hướng đó để các địa phương quyết định và chuyển thành điều kiện, tức đầu tư có điều kiện. Nghĩa là muốn xây dựng sân golf phải đáp ứng một số điều kiện.

Ví dụ như không được sử dụng đất lúa, không sử đụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa, miễn là đáp ứng những điều kiện như vậy, không vi phạm thì được quyền làm.

Việc muốn xây 5 sân hay 10 sân là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ nhà nước không nên can thiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cấp bách” ảnh 2

Thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và chuyện quả bóng trách nhiệm

Việc này còn phụ thuộc vào thị trường, thị trường người ta thấy hiệu quả thì người ta làm.

Đất cát, đất sình lầy, đất không khai thác thì tại sao mình lại hạn chế để cho hay không cho”, ông Dũng cho hay.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo luật cũng sẽ đặt ra vấn đề kiểm soát chặt chẽ sử dụng đất đúng mục đích, nhằm tránh chuyện các địa phương cấp nhiều hơn nhu cầu thực tế.

“Lấy thí dụ, quy định một sân golf trung bình chỉ 70 héc-ta, một sân 18 lỗ. Nếu không có quy định đấy, người ta cần 100 héc-ta, nhưng lại xin tới 200 – 300 héc-ta để làm việc khác thì rất phức tạp. Thực tế chuyện này đã xảy ra nhiều”, ông Dũng cho biết.

Cần phải rạch ròi đất sử dụng quốc phòng với phát triển kinh tế

Liên quan tới việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng đất ở khu vực này lại xây dựng sân golf, nhà hàng... trong sáng 12/6, Thiếu tướng Lâm Quang Đại - Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đơn vị quản lý diện tích đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất trao đổi với báo chí, cho biết: "Như tôi đã nói, quan điểm của Bộ Quốc phòng, chỉ khai thác đất này vào mục đích kinh tế trong thời kỳ đất còn nhàn rỗi để có một nguồn kinh phí quay lại phục vụ hoạt động quốc phòng, củng cố các doanh trại quân đội.

Đất có thể thu hồi bất cứ khi nào khi có mục đích sử dụng quốc phòng, khi có lệnh của cấp trên nếu việc sử dụng đất đó ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng”.

Thiếu tướng Lâm Quang Đại - Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: VOV.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại - Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: VOV.

Cũng theo ông Đại, đối với sân bay Tân Sơn Nhất, nếu có ý kiến cho là sân golf ảnh hưởng đến yêu cầu đảm bảo an toàn hàng không thì Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng sẽ thảo luận, trrao đổi và có ý kiến lên.

Trước câu hỏi: Nếu lấy nốt cả 157héc-ta đất sân golf để nâng cấp, mở rộng, giải cứu cho Tân Sơn Nhất thì có làm ảnh hưởng gì đến hoạt động an ninh quốc phòng không?

Thiếu tướng Lâm Quang Đại trả lời: “Thực ra 157 héc-ta này là đất dự phòng của quốc phòng, để bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh và bản thân sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày trước, đây là khoảng đất trống. Tại phiên thảo luận tại tổ đầu kỳ họp, tôi cũng có trả lời một số kiến nghị của cử tri là hiện tại Bộ Quốc phòng nhất quán quan điểm chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để phát triển kinh tế, lấy một nguồn kinh phí để củng cố quốc phòng, để xây dựng các doanh trại quân đội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cấp bách” ảnh 4

Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Lãnh đạo cấp cao cần có ý kiến

Còn quan điểm thứ hai, nếu có nhu cầu về quốc phòng, Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi vô điều kiện diện tích đất này khi có mệnh lệnh của cấp trên và liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng”.

Trước thông tin phóng viên nêu ra có ý kiến cho rằng việc tổ chức sân golf ở vị trí này không hợp lý, không đảm bảo an toàn vì sân nằm rất gần đường băng, sân bay, ông Lâm Quang Đại lý giải: “Là đơn vị quản lý của quân chủng Phòng không không quân quản lý tại đây, tôi biết rất rõ việc này.

Thực ra, khu vực sân golf, trước khi sang đến phần diện tích của sân bay thì còn qua một vành đai, phần của các đơn vị quốc phòng đang đóng tại đó do quân chủng chúng tôi quản lý, như các đơn vị đại đội pháo phòng không bảo vệ sân bay chứ không phải liền kề với đường băng”.

Dù là đất quốc phòng nhưng sau khi đưa vào khai thác kinh tế thì ngoài xây dựng sân golf, chủ đầu tư còn có kế hoạch làm và rao bán các hạng mục công trình như biệt thự, căn hộ cao cấp, trường học... với thời hạn sử dụng đất tới 50 năm.

Như vậy xem ra 157 héc-ta này đang được tư duy theo hướng kinh tế chứ không còn là bắt buộc sử dụng vào mục đích quốc phòng; nhất là khi đã bán các biệt thự, căn hộ, trường học... thì làm sao có thể nói thu hồi một cách đơn giản như vậy.

Khi báo chí nêu ra những thắc mắc này, ông Lâm Quang Đại tiếp tục khẳng định: “Khi có mục đích quốc phòng phát sinh thì kể cả là đất được giao sử dụng làm gì, xây nhà, làm trường học, trong hạn 50 năm hay bao nhiêu đi nữa thì cũng phải thu hồi, vô điều kiện. Đó là quan điểm đã được nhất quán”.

Diệu Linh