Bộ Tư pháp “tuýt còi” nhiều văn bản trái luật

05/05/2011 17:18
(GDVN) - TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp đã ký văn bản “tuýt còi” nhiều văn bản ban hành có một số nội dung trái pháp luật.

(GDVN) - Ngày 5/5, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp đã ký văn bản “tuýt còi” nhiều văn bản ban hành có một số nội dung trái pháp luật.
 
Ninh Thuận hướng dẫn bồi thường sai.

Ngày 5/5, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp đã ký văn bản “tuýt còi” Quyết định 2380/2010 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vì có một số nội dung trái luật. 

Theo điều 19, Quyết định 2380 quy định: “Tổ chức bị thu hồi đất mà không được bồi thường nếu phải di dời đến cơ sở mới thì được hỗ trợ bằng tiền: Trường hợp là công ty Nhà nước thì được hỗ trợ tối đa bằng mức bồi thường cho đất bị thu hồi…; Trường hợp không phải công ty Nhà nước được hỗ trợ bằng 25% mức bồi thường cho đất bị thu hồi để di dời, xây dựng cơ sở mới nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng”.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng quy định này trái với Điều 9 Thông tư 14/2009 của Bộ TN-MT về xử lý các trường hợp tổ chức bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường quy định tại điều 17 Nghị định 197/2004 của Chính phủ. Theo quy định này, không có sự phân biệt giữa công ty nhà nước và các tổ chức khác không phải công ty nhà nước trong việc nhận tiền hỗ trợ khi phải di chuyển đến địa điểm mới. Ngoài ra, nếu số tiền hỗ trợ không sử dụng hết cho dự án đầu tư tại địa điểm mới thì số tiền còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định chứ không đương nhiên được coi là nguồn vốn của ngân sách đầu tư cho công ty nhà nước như trong quy định của Quyết định 2380.

Bên cạnh đó, Điều 34 của Quyết định 2380 về hỗ trợ cho người đang thuê nhà không thuộc sở hữu Nhà nước quy định: “Hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Thuận đang thuê nhà ở không phải là nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và có hợp đồng thuê nhà thì được hỗ trợ…”.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng vấn đề này cần đặc biết chú ý vì Ninh Thuận là địa phương đang được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, do đó nếu chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng giải quyết không thấu đáo, đúng luật sẽ dễ bị lợi dụng, kích động, không thuận lợi cho chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

“Bên cạnh việc tự kiểm tra, xử lý Quyết định 2380, UBND tỉnh Ninh Thuận cần xem xét trách nhiệm của các công chức đã tham mưu soạn thảo, ban hành văn bản trái luật”, TS Sơn nói./.

Đi thăm viếng mộ liệt sĩ có được hỗ trợ ?

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp cũng “tuýt còi” Công văn 1114 ngày 18-4-2008 và Công văn 2269 ngày 13-12-2009 do Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) ban hành.

Theo đó nội dung hai công văn trên thể hiện dưới hình thức văn bản cá biệt để hướng dẫn trả lời cho trường hợp cụ thể nhưng lại đưa ra đưa ra quy định mang tính quy phạm pháp luật: “Không thực hiện chế độ thăm viếng đối với một liệt sĩ đã được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ ở nguyên quán”.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng quy định trên chưa được quy định trong các văn bản hiện hành, đồng thời đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, thống nhất về nội dung này. Ngoài ra Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đã “tuýt còi” 2 văn bản khác vì trái luật: Quyết định số 09/2011 của UBND tỉnh Quảng Trị quy định cước vận tải hàng hóa bằng phương tiện ô tô, xe thô sơ và sức người áp dụng trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 02/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế đấu giá sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.

Công Minh